Những ‘công ty 2 sọt’
Mỗi “công ty” dù chỉ có một người (chủ yếu là phụ nữ), nhưng với chiếc xe máy cà tàng và 2 chiếc sọt đầy ắp hàng hoá đủ loại, có thể phục vụ các “thượng đế” ở nơi thâm sơn cùng cốc và không xu dính túi…
Những ‘công ty 2 sọt’
Mỗi “công ty” dù chỉ có một người (chủ yếu là phụ nữ), nhưng với chiếc xe máy cà tàng và 2 chiếc sọt đầy ắp hàng hoá đủ loại, có thể phục vụ các “thượng đế” ở nơi thâm sơn cùng cốc và không xu dính túi…
Những bản làng xa xôi ở vùng cao H.Đakrông (Quảng Trị), nơi những “công ty 2 sọt”
đến phục vụ |
Một ngày se lạnh, trong chuyến công tác vùng cao cuối năm, mải chăm chú nhìn núi rừng ướt át khuất dần sau cánh cửa xe, tôi thoáng giật mình với những cái bóng phụ nữ thuộc “công ty 2 sọt” lầm lũi rồ ga xe máy ở phía trước.
Cõng chợ lên non
Xe dừng lại gần trụ sở UBND xã Pa Nang, một xã vùng sâu của H.Đakrông (Quảng Trị). Việc lũ trẻ vây quanh và hò hét làm tôi dễ dàng phát hiện sự có mặt của một cái “chợ di động” từ đằng xa. Lại gần mới biết, lũ nhóc đang đổi những bó đót (một loại cây gần như lau sậy ở trên rừng, có thể bó lại làm chổi quét nhà) lấy những chiếc chong chóng bằng nhựa nhiều màu sắc… từ một người phụ nữ đang bịt kín mặt mày.
|
Kéo khẩu trang, lấy chiếc nón quạt mồ hôi dù đang giữa ngày đông, người phụ nữ tầm hơn 40 tuổi, “bà chủ” của “công ty 2 sọt”, giới thiệu tên là Nguyễn Thị Hằng, nhà ở tận TT.Khe Sanh (H.Hướng Hoá). “Không có công ăn việc làm nên mới sắm xe sắm sọt, mua đi bán lại với đồng bào kiếm ít đồng tiền lời. Ban đầu tính làm một thời gian rồi nghỉ, ai dè lâu thành quen, cũng ngót chục năm rồi đấy”, bà Hằng kể.
Bà cũng như một số đồng nghiệp khác chia sẻ nhiều thứ về công việc mưu sinh của mình, vốn có cả… lịch sử hình thành và phát triển hẳn hoi. Như những người già ở thôn Đá Bàn (xã Pa Nang) kể lại rằng mấy chục năm trước, khi núi rừng thâm u, khi con đường chỉ là đất sỏi, có những người đàn bà đi xe đạp và chở theo rất nhiều thực phẩm đến.
“Họ mang đến cho dân bản những thứ rau củ, cá tôm và nhiều vật dụng của người miền xuôi mà dân bản không mấy khi được ăn, được thấy. Dân bản lạ lắm, nhưng không có tiền để mua. Có người mạnh dạn ra hỏi họ có đổi chuối, đổi sắn, đổi gà không thì thấy họ gật đầu…”, già Kôn Việt (65 tuổi) kể lại.
Thế rồi, từ từ, những chiếc xe đạp nay đã được thay bằng xe máy. Nhờ đó, các “công ty 2 sọt” đã “vươn tầm” đến những bản làng xa xôi hơn, “với tay” đến những khách hàng vốn cả đời chưa một lần biết về chợ. Vậy mà mọi thứ bây giờ như đã thành quen, những cái “chợ di động” nay như đã thành một phần không thể thiếu của dân bản. Giờ đó, ngày đó không thấy bóng “chợ”, dân bản lại quay quắt ngóng trông…
Chị Mai Thị Tuyết (trú TT.Krông Klang, H.Đakrông), chủ một “công ty 2 sọt” chia sẻ rằng: “Phục vụ các thượng đế vùng cao là phải cưng chiều hơn vùng đồng bằng. Họ có rất nhiều cách mặc cả… lạ. Nhiều lúc không bán không được mà bán cũng không xong. Không “lạ” sao được khi có người đòi đổi cả súc gỗ to chỉ để lấy vài ký thịt (chẳng ai dám đồng ý vì làm sao chở gỗ về); có người chưa biết sử dụng tiền nên đưa 2.000 bạc lẻ mà khăng khăng lấy một con cá to; có người dắt cả con heo ra không phải để đổi thực phẩm mà để đổi chính chiếc xe máy mà các “chủ chợ” đang đi”.
Mặc cả không giống ai
|
Dù vậy, cái nghiệp “vác chợ lên non” không phải nói cũng biết là rất vất vả. Thực tế thì việc kiếm tiền với cái nghề này là không dễ. Các chủ “công ty 2 sọt” phải ra chợ huyện lúc tảng sáng, chất nhiều loại hàng lên 2 sọt bằng sắt và bắt đầu chinh phục những cung đường núi. Làm chợ di động không có chỗ cho những tay lái “gà mờ” và nếu đã là chủ “công ty 2 sọt” thì chắc chắn phải nếm mùi… tai nạn. Bởi đường vùng cao ngoài ổ gà ổ vịt, còn có vô kể những khúc cua cùi chỏ, những con suối với dày đặc đá cuội phủ đầy rong rêu… Đấy là chưa nói đến cảnh phải đối phó với những “tay lái lụa vùng cao”, thường phóng bạt mạng, kẹp 3 kẹp 4.
“Chuyện thủng lốp, đứt xích… là cơm bữa nên không ít lần tôi phải è cổ đẩy bộ cả chục km. Nhưng bây giờ kinh nghiệm rồi, tôi luôn mang theo đồ nghề sửa xe khi đi bán hàng. Nếu có sự cố thì làm thợ luôn…”, chị Cao Hồng Liễu, một người có thâm niêm 5 năm trong nghề tếu táo kể.
Nếu không có “chợ di động”, bà con vùng cao thật khó khăn khi tìm thực phẩm hằng ngày
– Ảnh: Nguyễn Phúc |
Nhưng đó chưa đáng bận tâm bằng các tình huống nguy hiểm hơn mà những người phụ nữ mưu sinh bằng công việc này phải đối mặt. Đó là những lúc gặp các gã say, kẻ xin đểu, thậm chí là ăn cướp. “Trước thì chỉ biết khóc nhưng sau cũng gan dần và nộ lại họ. Người vùng cao vốn thật thà, tốt tính, có vài người cũng vì nghèo khó mới bột phát làm việc xấu. Nên nhiều khi mất hàng, mất tiền tôi cứ an ủi mình rằng thôi thì coi như biếu họ một bữa no”, chị Tuyết chia sẻ.
Nguyễn Phúc