Tai nạn chết người trong trường học: Xui hay ẩu?

Trẻ mầm non tử vong vì bị cánh cửa thư viện đè, HS lớp 1 chết trong phòng ngủ ở trường vì bị tủ đè, HS lớp 7 tử vong ở trường vì tuột cầu thang… Liên tiếp các thông tin đau lòng như vậy xuất phát từ các trường, nơi lâu nay được cho là an toàn.

 

Tai nạn chết người trong trường học: Xui hay ẩu?

Trẻ mầm non tử vong vì bị cánh cửa thư viện đè, HS lớp 1 chết trong phòng ngủ ở trường vì bị tủ đè, HS lớp 7 tử vong ở trường vì tuột cầu thang… 

Khuôn viên Trường THCS An Nhơn, Gò Vấp - Ảnh: L.T.
Khuôn viên Trường THCS An Nhơn, Gò Vấp – Ảnh: L.T.

Liên tiếp các thông tin đau lòng như vậy xuất phát từ các trường, nơi lâu nay được cho là an toàn.

Điểm chung của ba tai nạn khiến ba HS tử vong nói trên là đều bắt nguồn từ sự thiếu an toàn từ công trình xây dựng và thiết bị trong trường học.

10 ngày, 2 cái chết

Tổng kiểm tra

Ông Đặng Thanh Tuấn, trưởng Phòng GD-ĐT quận Gò Vấp, cho biết: “Sau tai nạn em HS lớp 1 bị tủ đè, Phòng GD-ĐT đã có văn bản gửi tất cả các trường, hướng dẫn kiểm tra toàn bộ thiết bị, cơ sở vật chất để báo cáo những điểm nào có nguy cơ tai nạn và lên phương án xử lý. Từ tủ, thiết bị, dụng cụ trong phòng thí nghiệm cho đến ổ điện, bóng đèn, quạt trần… đều phải được tổng kiểm tra và đề phòng nguy cơ tai nạn.

Riêng cầu thang Trường THCS An Nhơn, phòng sẽ trao đổi lại với ban quản lý dự án để có phương án sửa chữa gấp, làm sao để đảm bảo an toàn cho HS.

Thời gian qua phòng đã kiểm tra, nhắc nhở rất gắt gao và phòng ngừa mọi tình huống nguy hiểm, nhưng tai nạn vẫn xảy ra”.

Chưa bao giờ ngành giáo dục quận Gò Vấp, TP.HCM phải chứng kiến những khoảnh khắc tang thương như vậy, khi chỉ trong vòng 10 ngày có hai HS tử vong.

Một giáo viên bậc THCS tại Gò Vấp xót xa kể: “Mới tuần trước đi viếng em HS lớp 1 chết vì bị tủ đè, hôm nay lại nghe tin HS té từ cầu thang xuống mà chết. Không chỉ cánh giáo viên mất tinh thần, đau xót mà điều đau hơn là phụ huynh mất lòng tin vào nhà trường. Họ gửi con ở trường cứ tưởng sẽ yên tâm làm ăn nhưng bây giờ cứ nơm nớp, bởi biết đâu một ngày nhận được điện thoại của cô giáo báo tin con mình đã không còn trên cõi đời này!”.

Giờ ra chơi của buổi học sáng 20-12, HS D.T., lớp 7 Trường THCS An Nhơn, cùng bạn bè vui chơi ở khu vực cầu thang.

Theo một số HS, sau khi có tiếng trống báo ra chơi, trong khi các HS ở lầu 2 xếp hàng đi xuống sân chơi theo quy định thì D.T. đột ngột leo lên tay vịn cầu thang tuột xuống, không may bị trượt tay rơi xuống bậc thềm tầng trệt và bất tỉnh.

Nhà trường lập tức đưa T. vào bệnh viện nhưng em tử vong buổi chiều cùng ngày. Đây là vụ tai nạn đầu tiên xảy ra ở ngôi trường mới xây khang trang và rộng rãi này, bởi Trường THCS An Nhơn vừa được đưa vào sử dụng tháng 8-2014.

Trước đó chỉ 10 ngày, một HS lớp 1 Trường tiểu học Lê Quý Đôn cũng tại quận này bị chiếc tủ gỗ ép đựng mền gối trong phòng ngủ bán trú đè lên người, khi em có mặt một mình trong phòng ngủ này sau giờ ăn trưa.

Mẹ cha, thầy cô bàng hoàng vì tai nạn xảy ra quá nhanh, bởi nhà trường trước đó đã quy định và quản lý HS giờ ăn, giờ chơi rất kỹ, ngăn chặn việc HS tự lên các tầng lầu trong các giờ sinh hoạt dưới sân.

Hai cái chết thương tâm xảy ra nhanh chóng và nằm ngoài tầm kiểm soát của ban giám hiệu và giáo viên, dù việc bảo đảm an toàn cho HS được sinh hoạt hầu như hằng tuần.

Dư luận cũng chưa quên tai nạn rơi cánh cửa bằng bêtông ở Trường tiểu học Nguyễn Minh Quang, quận 9 hồi tháng 5-2014, khiến một trẻ mầm non đi tham quan trường tiểu học tử vong. Em chỉ còn vài tháng nữa là bước vào lớp 1, và không ai nghĩ rằng cánh cửa của một thư viện ngoài trời lại có thể gây ra cái chết thương tâm như vậy.

Trong năm 2014, rải rác khá nhiều tai nạn xảy ra ở trường học tại TP.HCM như trẻ bị phỏng nước sôi, té ngã khiến gãy chân tay, chấn thương đầu vì va vào cánh tủ, đồ chơi hay sặc thức ăn… Tai nạn không chừa một ai và có thể xảy ra bất cứ lúc nào, và trường học cũng không ngoại lệ.

Cầu thang Trường THCS An Nhơn, nơi một HS tử vong trong giờ ra chơi - Ảnh: L.T.
Cầu thang Trường THCS An Nhơn, nơi một HS tử vong trong giờ ra chơi – Ảnh: L.T.

Hiểm ho từ công trình, thiết bị

Trường THCS An Nhơn và Trường tiểu học Lê Quý Đôn đều là hai ngôi trường mới được xây dựng tại Gò Vấp.

Tại Trường THCS An Nhơn, trong khuôn viên ngôi trường mới với thiết kế một trệt, hai lầu chúng tôi thấy hệ thống cầu thang được xây dựng kiên cố với chiều rộng bậc thang khoảng 2m và tay vịn là song sắt cao hơn 1m.

Tuy nhiên, khoảng không giữa cầu thang từng tầng lại rộng đến 0,8m, tạo thành một “giếng trời” của cầu thang. HS D.T. đã không may rơi vào khoảng không này từ độ cao của lầu 2.

Theo một cán bộ của trường thì chỉ hai ngày trước tai nạn, nhà trường đã báo với ban quản lý công trình về vị trí nguy hiểm này và lên kế hoạch sửa chữa, tuy nhiên tai nạn thương tâm đã xảy ra sau đó.

Trước đó, chiếc tủ đựng mền gối đè chết HS ở Trường tiểu học Lê Quý Đôn được đóng khá cao (khoảng 1,8m), tuy nhiên phần đế lại hẹp, dễ gây đổ.

Và quan trọng là chiếc tủ này cũng như nhiều hệ thống kệ, tủ khác trong trường chưa được đóng cố định vào tường, một phần do ngôi trường vẫn đang trong thời gian xây dựng hoàn thiện và chưa được bàn giao, các thiết bị đều mới được chuyển về.

Tương tự, chiếc tủ thư viện nằm trong chương trình “Thư viện xanh” ở Trường tiểu học Nguyễn Minh Quang cũng chỉ mới đưa vào sử dụng khoảng một tháng. Để đảm bảo yếu tố thẩm mỹ, tạo hình chú gấu, chiếc tủ này được làm bằng bêtông, bên trong có các kệ đựng sách.

Ngộ nghĩnh là vậy, nhưng rồi cánh cửa tủ rơi ra, gây nên cái chết xót xa cho một trẻ mầm non. Chính một lãnh đạo ngành giáo dục quận 9 khi đó cũng thừa nhận chiếc tủ thiếu an toàn này cùng nhiều công trình, thiết bị khác đang được sử dụng trong trường học nhưng không có một đơn vị nào giám sát, phê duyệt mức độ an toàn, lường trước nguy cơ tai nạn…

Khảo sát nhiều trường mầm non, tiểu học trên địa bàn thành phố, rất dễ dàng nhìn thấy các công trình đa dạng từ ghế đá đến tủ đồ, kệ sách hay các thiết bị điện tử, điện lạnh – trong đó phần nhiều là công trình do phụ huynh mua sắm hoặc thực  hiện – được đưa vào sử dụng trong nhà trường mà không theo một quy chuẩn hay biên bản kiểm tra an toàn nào.

Đại diện ban giám hiệu Trường THCS An Nhơn cho biết: “Không ai mong muốn sự việc đau lòng này xảy ra. Nhà trường đã sinh hoạt với các giáo viên chủ nhiệm để nhắc nhở và theo dõi HS kỹ càng hơn, đặc biệt vào giờ ra chơi”.

 

Theo ông Lê Hoài Nam, phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, sở đã liên tục nhắc nhở trong các cuộc họp và có văn bản chỉ đạo về việc tăng cường đảm bảo an toàn cho HS tại trường học, không chỉ ở công tác quản lý mà cả vấn đề thiết bị trong trường học.