09/01/2025

Dầu mỏ trở thành… vũ khí

Trong sự ngạc nhiên của nhiều người, giá dầu đã tuột dốc kinh khủng như một thứ hàng ế ẩm chứ không phải vàng đen như vẫn được tôn vinh.

 

Dầu mỏ trở thành… vũ khí

 

 Trong sự ngạc nhiên của nhiều người, giá dầu đã tuột dốc kinh khủng như một thứ hàng ế ẩm chứ không phải vàng đen như vẫn được tôn vinh. 

 


 

 

Khai thác dầu mỏ tại Saudi Arabia - Ảnh: Business Insider
Khai thác dầu mỏ tại Saudi Arabia – Ảnh: Business Insider

Chiều 16-12, giá dầu xuống mức 53,6 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 5-2009, theo số liệu từ Bloomberg. Tính ra giá dầu đã giảm xấp xỉ 45% kể từ đầu năm.

Việc giá dầu giảm đến gần một nửa từ đỉnh cao khoảng 106 USD/thùng hồi tháng 6-2014 đã làm chao đảo thị trường tài chính toàn cầu. Dầu giảm giá đợt này được xem như cuộc chiến vô tiền khoáng hậu, có rất nhiều điều đặc biệt, không đơn thuần giảm mạnh do suy thoái kinh tế hoặc giảm mạnh do sự điều chỉnh của thị trường

Thách thức

“Đốt tiền nấu cháo”

Cuộc chiến này là cuộc chiến của những kẻ giàu có. Có thể coi đó là cuộc thi “đốt tiền nấu cháo”, ai cháy hết sau sẽ là kẻ chiến thắng.

Vương quốc Saudi Arabia luôn tự tin trước hai túi tiền gần như không đáy của mình cho một cuộc chơi dài hơi: họ có trữ lượng dầu hàng đầu thế giới cùng công nghệ khai thác tiên tiến để có thể dễ dàng nâng sản lượng bù cho khoản thu bị hụt từ giá giảm.

Bên cạnh đó là nguồn dự trữ ngoại tệ khổng lồ khoảng 750 tỉ USD, theo Bloomberg.

Saudi Arabia nhờ vậy đã thể hiện rõ quyết tâm: cứ để giá dầu giảm và bên nào sản xuất dầu với chi phí quá cao sẽ phá sản.

Sau đó nguồn cung được điều chỉnh và giá sẽ tự nhiên tăng lên. Kẻ còn sống tới lúc ấy sẽ một mình hưởng lợi và thi thoảng sẽ nhỏ lệ cảm động khi nhắc tới kỳ phùng địch thủ một thời nay đã nằm sâu dưới mộ.

Chuyện được Hãng tin Reuters thuật lại rằng tháng 8-1973, tổng thống Ai Cập Anwar Sadat thân chinh tới thủ đô Riyadh của Saudi Arabia để gặp vua Faisal. Sadat lúc ấy đang trong cuộc chiến chống lại Israel, và ông cần sự ủng hộ của vua Saudi Arabia. Sadat muốn vua Faisal dùng thứ vũ khí tối thượng: dầu mỏ. Trong tình cảnh lúc ấy, vua Faisal tỏ ra lưỡng lự.

Trong khi đó các nước Trung Đông đều dùng vũ khí dầu mỏ để tạo sức ép với nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới là Mỹ để cảnh cáo nước này về việc họ ủng hộ đối thủ Israel.

Cụ thể, các nước này tìm cách nâng giá bán, giảm sản lượng và không xuất dầu sang Mỹ. Nhưng thiếu sự ủng hộ của đầu tàu Saudi Arabia, chiến dịch ấy chẳng đi được đến đâu. Có vẻ như quan hệ đồng minh giữa Saudi Arabia với Mỹ và lợi ích thiết thân trong mua bán dầu mỏ giữa hai nước khó có thể lay chuyển nổi.

Vì thế lần này cả thế giới đã hết sức ngạc nhiên khi Saudi Arabia không hề giấu giếm việc mình sử dụng vũ khí dầu mỏ tối thượng ấy.

Khi giá dầu bắt đầu hạ nhiệt từ tháng 6-2014 đến nay, nước này không những không rung động trước bất cứ yêu cầu cắt giảm sản lượng nào từ các thành viên Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu (OPEC) mà ngược lại còn có những tuyên bố rất thẳng thừng đến mức thách thức.

“Tại sao tôi phải cắt giảm sản lượng? Chúng ta đang ở trên thị trường và tôi đang đi bán hàng. Cứ để thị trường tự điều chỉnh” – Bộ trưởng dầu mỏ Saudi Arabia Ali Al-Naimi nói với báo giới ngày 12-12 khi được hỏi liệu có cắt giảm sản lượng như yêu cầu của Venezuela và Ecuador hay không.

Đánh giá về tuyên bố làm thị trường dầu chìm thêm này, nhà phân tích Abhishek Deshpande của Ngân hàng Pháp Natixis SA cho rằng có vẻ Saudi Arabia đang khó chịu với các nhà sản xuất dầu khác trên thế giới, cả trong nội khối của OPEC lẫn các nước bên ngoài khối.

OPEC khẳng định không giảm sản lượng khai thác để giữ giá dầu. Trong ảnh: Bộ trưởng dầu khí Saudi Arabia Ali Al-Naimi (bìa phải) – trước cuộc họp của OPEC tại Vienna cuối tháng 11-2014 – Ảnh: Reuters

“Với tư cách quốc gia dẫn đầu khối OPEC, Saudi Arabia đang muốn thử thách các nước trong và ngoài khối xem mức độ sẽ đến đâu” – chuyên gia này phân tích.

“Tại sao cả Mỹ và các đồng minh của họ đều muốn giá dầu hạ”, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro tự hỏi và cũng tự đưa ra luôn câu trả lời trước báo giới vào giữa tháng 10-2014: “Để hại nước Nga”.

Diễn biến giá dầu thời gian qua. Nguồn:Reuter – Đồ họa: Việt Anh

Gia tộc Saud quyết chiến vì đâu?

Theo phân tích của giới chuyên gia đăng trên The Economist số tháng 12-2014, cuộc chơi lớn của Saudi Arabia lần này đúng là nhằm mục đích rất lớn là bóp nghẹt nước Nga cả về kinh tế lẫn chính trị, qua đó đảm bảo lợi ích cả về kinh tế lẫn an ninh cho mình.

Gia tộc Saud đang áp dụng chiến lược nhằm giữ sự thống trị trên thị trường dầu, vốn là nguồn mang lại cả gia tài lẫn quyền lực cho họ. Ý đồ chấp nhận phá thị trường dầu để giảm thị phần và giảm sức cạnh tranh của đối thủ là rõ ràng.

Nhưng mục tiêu chính không thể chối cãi chính là Nga, nước luôn muốn giật miếng ngon là các khách hàng thuộc Liên minh châu Âu (EU) ra khỏi tay nhà Saud với tham vọng xây hệ thống đường ống dẫn thẳng dầu từ Nga qua EU.

Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Nga cần dầu ở ngưỡng trên 100 USD/thùng để đảm bảo cân bằng ngân sách trong năm 2015. Với mức giá như hiện nay, kinh tế Nga đang thật sự trong cơn túng quẫn. Đồng rúp đã mất giá tới 50% kể từ đầu năm tới nay. Xem ra nhà Saud đã thắng được một hiệp.

Theo The Economist, bên cạnh kinh tế, chính trị cũng là một phần không thể thiếu trong cuộc chiến lần này. Iran và Syria luôn đối nghịch với gia tộc này và luôn tiềm ẩn nguy cơ làm tổn hại đến họ. Cả Nga và Iran vẫn đang hết mình ủng hộ Syria.

Vì vậy, làm suy yếu Nga và Iran cũng đồng nghĩa với giảm sự viện trợ của cường quốc này với đồng minh Syria, qua đó giảm nguy cơ từ Iran và Syria tới Saudi Arabia.

Phe đối lập và phương Tây cùng các đồng minh Trung Đông, nhất là gia tộc Saud, liên tục tạo sức ép, yêu cầu ông Assad (tổng thống Syria) phải ra đi, trong khi Nga cho rằng điều này là không thể chấp nhận. Cho tới bây giờ, Assad vẫn ngồi đó như cái gai trong mắt nhà Saud.

Sản lượng khai thác dầu một số nước. Nguồn:Báo cáo 2014 của OPEC – Đồ họa: Việt Anh

Bóp nát đá phiến Mỹ

RT, tờ báo hàng đầu ở Nga, cho rằng nhà Saud muốn làm tổn thương con gấu Nga lần này. Nhưng giới phân tích phương Tây cho rằng trò chơi lớn của Saudi Arabia còn phức tạp hơn thế. Một mục tiêu lớn được các chuyên gia và giới truyền thông phương Tây nhất trí là vương quốc này đang muốn bóp chết các nhà sản xuất dầu từ đá phiến của Mỹ.

Mấy năm trở lại đây, các ông trùm này đã ráo riết đầu tư và bắt đầu khai thác được dầu từ đá phiến – nguồn dầu trước đó mới chỉ nằm trên các nghiên cứu. Theo The Economist, kể từ năm 2010, khoảng 20.000 giếng mới đã được hoàn thành – con số cao gấp 10 lần so với của Saudi Arabia. Sản lượng dầu của Mỹ theo đó đã tăng thêm 1/3, lên gần 9 triệu thùng/ngày và chỉ kém Saudi Arabia 1 triệu thùng.

Những ông trùm khai thác dầu từ khí đá phiến của Mỹ đã đẩy thế giới từ trạng thái thiếu dầu sang thừa dầu. Theo quy luật thị trường, khi thừa cung ắt sẽ dẫn tới cuộc chiến tranh giành thị phần. Trên thực tế cuộc chiến ấy đã diễn ra, giữa các ông trùm dầu đá phiến Mỹ với các ông hoàng Trung Đông.

Có nhiều dấu hiệu cho thấy chiến lược của Saudi Arabia đã có tác động đúng hướng: cổ phiếu của các công ty tập trung vào dầu từ đá phiến Mỹ đã giảm điểm, theo số liệu của Reuters. Hãng nghiên cứu IHS cho biết giá thành dầu khai thác từ đá phiến là khoảng 70 USD/thùng.

Với giá bán dưới 60 USD/thùng liên tiếp nhiều ngày nay, rõ ràng các công ty này càng bán càng lỗ. Cho dù một số công ty đã cải thiện để giảm chi phí xuống chỉ còn 57 USD/thùng, họ vẫn chưa thể hoà vốn.

 

HỒNG QUÝ