04/01/2025

Vẫn có nguy cơ điểm cao mà không trúng tuyển

Rất nhiều ý kiến góp ý cho hai dự thảo quy chế tổ chức thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015 với hy vọng sẽ có những điều chỉnh phù hợp với thực tế, tránh gây ra nhiều xáo động không cần thiết.

 

Vẫn có nguy cơ điểm cao mà không trúng tuyển

 

 

Rất nhiều ý kiến góp ý cho hai dự thảo quy chế tổ chức thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015 với hy vọng sẽ có những điều chỉnh phù hợp với thực tế, tránh gây ra nhiều xáo động không cần thiết.

 

 

Học sinh Trường THCS - THPT Hồng Hà (TP.HCM) đặt nhiều câu hỏi liên quan đến 2 dự thảo quy chế trong buổi tư vấn mùa thi diễn ra tại trường này cuối tuần qua

Học sinh Trường THCS – THPT Hồng Hà (TP.HCM) đặt nhiều câu hỏi liên quan đến 2 dự thảo quy chế trong buổi tư vấn mùa thi diễn ra tại trường này cuối tuần qua – Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Một trong những điểm đáng chú ý nhất của dự thảo trên là số lượng nguyện vọng và cách thức đăng ký xét tuyển.
Hợp thức hoá điều mà quy chế trước đây không cho phép?
Theo dự thảo, mỗi thí sinh (TS) đã đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển ĐH, CĐ được cấp 4 giấy chứng nhận kết quả thi có mã vạch nhận dạng từng đợt xét tuyển và đóng dấu đỏ của trường chủ trì cụm thi. Trong mỗi đợt xét tuyển kéo dài 20 ngày, TS chỉ được sử dụng một giấy với mã vạch tương ứng để đăng ký xét tuyển vào tối đa 4 ngành của một trường. Trong phiếu đăng ký xét tuyển TS phải ghi rõ các nguyện vọng này theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 4.

 
 

Thay đổi thang điểm, cấu trúc đề thi có thay đổi ?
Thang điểm 10 được thay bằng thang điểm 20 cho từng môn thi là có tính hợp lý, giúp cho việc đánh giá, phân loại TS cụ thể, chính xác hơn. Nhưng phải tính đến thời gian làm bài thi và cấu trúc đề thi. Đề thi thang điểm 20 sẽ có nhiều câu hỏi hơn, nhiều câu hỏi khó hơn. Khi ấy liệu thời gian làm bài có điều chỉnh tăng lên? Theo thang điểm 20 thì cấu trúc đề thi cũ (tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ 2014) đã không còn hợp lý. Bộ có điều chỉnh kịp thời như thế nào về cấu trúc đề để thuận lợi cho việc dạy và học ở THPT của các môn này?
Thời gian thi dự kiến từ 1 – 4.7.2015 là hợp lý, vì như thế học sinh có thời gian để ôn tập. Nhưng với thời gian này rất dễ tạo ra sự chồng chéo. Khi Bộ giãn thời gian thi thì chắc chắn các trường THPT cũng kéo dài thêm thời gian ôn tập. Các năm trước thay vì kết thúc vào giữa – cuối tháng 5, thì nay kéo dài thêm một tháng. Mà theo kế hoạch tuyển sinh lớp 10 trên toàn quốc, thì giữa – cuối tháng 6 là cao điểm cho việc coi và chấm ở kỳ thi này. Thậm chí nhiều địa phương kéo dài đến đầu – giữa tháng 7 vẫn chưa hoàn tất. Đây là một áp lực cho các sở về vấn đề tổ chức, nhân sự.
Trần Ngọc Tuấn (Giáo viên Trường THPT Lý Tự Trọng, TP.HCM)

 
Lãnh đạo một trường ĐH tại TP.HCM chỉ ra rằng về danh nghĩa TS có tất cả 16 nguyện vọng để xét tuyển vào ĐH, CĐ. Nhưng thực chất, TS chỉ có 1 nguyện vọng trong mỗi đợt xét tuyển. Cũng giống như xét tuyển nguyện vọng vào lớp 10, khi được xếp theo thứ tự ưu tiên, TS chỉ được gọi trúng tuyển một lần. Nói đơn giản, nếu TS trúng tuyển ở nguyện vọng 1 sẽ không tham gia xét tuyển ở nguyện vọng thứ 2, và ngược lại sẽ tiếp tục tham gia xét tuyển các nguyện vọng sau nếu rớt nguyện vọng trước đó. “Đây có thể xem là hợp thức hoá nguyện vọng 1B mà nhiều trường ĐH đã áp dụng các năm trước đây dù quy chế không cho phép”, vị này nhấn mạnh.
Theo nhiều người, cách làm này rất thuận tiện cho các trường trong quá trình xét tuyển vì hạn chế tối đa số lượng TS ảo. Nhưng ngược lại hạn chế cơ hội trúng tuyển vào ngành học yêu thích của TS trong đợt xét tuyển. Nếu không đồng ý chuyển đổi ngành xét tuyển, TS phải đợi tới đợt xét tuyển tiếp theo. Trên thực tế, với cách thức xét tuyển này hầu hết các trường ĐH lớn sẽ tuyển đủ chỉ tiêu ngay trong đợt đầu tiên. Vì vậy, nguy cơ TS đạt điểm cao không trúng tuyển vào ngành học mong muốn ở trường tốp trên sẽ rất cao.
Liên quan điểm này, tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Trưởng ban Đào tạo ĐH và sau ĐH, ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng: “Quy chế nên cho phép TS được nộp cùng lúc nhiều giấy chứng nhận kết quả thi trong cùng một đợt, có thể không phải 4 mà nhiều hơn số này. Khi đó, TS sẽ có cơ hội được lựa chọn chính xác hơn ngành học yêu thích ngay trong lần xét tuyển đầu tiên. Phần lớn TS sẽ không nộp quá nhiều mà đa phần sẽ chỉ ở mức 2 – 3 nguyện vọng”.
Thang điểm 20 có đánh giá đúng năng lực thí sinh?
Cũng theo tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, việc quy đổi điểm bài thi về thang điểm 20 thay vì 10 như trước đây, nghe có vẻ là biến động lớn nhưng thực chất không có gì đáng hoang mang vì đó chỉ là yếu tố kỹ thuật. Tương tự, thạc sĩ Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Văn hoá TP.HCM, nhận định: “Khi thang điểm lớn hơn thì việc phân chia điểm thi trong các câu hỏi của bài thi sẽ chi tiết hơn, học sinh sẽ có lợi hơn khi làm bài và nhất là các học sinh có học lực ở mức trung bình khá. Đặc biệt, trong một bài thi được dự báo sẽ có tính phân loại rất cao để vừa phục vụ xét công nhận tốt nghiệp, vừa để các trường ĐH và CĐ tuyển sinh, thì phổ điểm mới sẽ giúp đánh giá đúng hơn năng lực TS”.
Lo ngại phần mềm tuyển sinh
Trong khi đó, thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Tuyển sinh Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, lại băn khoăn về thời điểm diễn ra kỳ thi THPT quốc gia. “Theo dự thảo, kỳ thi sẽ diễn ra đầu tháng 7. Mỗi cụm thi có tới mấy chục ngàn TS, mỗi TS có 4 giấy chứng nhận đóng dấu đỏ thì sớm nhất phải cuối tháng 7 hoặc đầu tháng 8 các giấy chứng nhận này mới đến được tay TS. Các trường lại tiến hành xét tuyển 4 đợt, mỗi đợt 20 ngày chưa tính thời gian xét và công bố trúng tuyển nên các trường sẽ rất bị động cho ngày khai giảng và kế hoạch học tập”, thạc sĩ Vũ phân tích.
Một quy định trong dự thảo quy chế cũng khiến những người làm công tác tuyển sinh hết sức phân vân là việc các trường sử dụng chung phần mềm tuyển sinh trong xét tuyển. Theo thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, mọi năm khi xét tuyển nguyện vọng 1 và nguyện vọng bổ sung, mỗi TS chỉ chiếm một ví trong cơ sở dữ liệu nên thao tác dễ dàng khi lọc danh sách TS trúng tuyển. Còn nay, cùng một lúc TS nộp 4 nguyện vọng vào trường việc xử lý sẽ ra sao nếu sử dụng phầm mềm tuyển sinh chung.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính cho rằng, các trường chỉ có thể sử dụng chung cơ sở dữ liệu, còn phần mềm tuyển sinh để xét tuyển sẽ khó thực hiện vì mỗi trường có thời gian và tiêu chí xét tuyển khác nhau.
 

Ý kiến
Lo học sinh bị thiệt thòi
Tôi cảm thấy có sự máy móc khi dự thảo của Bộ đưa ra thang điểm 20. Đi kèm với việc lấy thang điểm cũ nhân 2 là các quy định về điểm liệt, điểm ưu tiên, khuyến khích cũng nhân đôi. Bên cạnh đó, điều này còn đòi hỏi cấu trúc đề thi phải hợp lý. Không chỉ vậy, tôi còn lo ngại việc giáo viên từ trước đến nay đều quen chấm thi theo thang điểm 10 giờ thay đổi đột ngột, nếu không có sự chuẩn bị chu đáo thiệt thòi cuối cùng vẫn thuộc về học sinh.
Hồ Hoàng Minh
(Hiệu trưởng Trường THPT Trí Đức, Q.Tân Phú, TP.HCM)
Còn nhiều điều phải làm rõ
Dự thảo còn nhiều điểm có nội dung chung chung, cần thông tin sớm để nhà trường, giáo viên, học sinh có sự chuẩn bị. Chủ trì cụm thi là trường ĐH nhưng chắc chắn giảng viên ĐH không đủ vậy có điều động giáo viên phổ thông hay không và điều động như thế nào? Quy định tối đa 25% chỉ tiêu cho khối thi mới thì Bộ phải công bố sớm trường nào sử dụng khối thi mới và mới như thế nào?
Hà Hữu Thạch
(Hiệu trưởng Trường THPT Giồng Ông Tố, Q.2, TP.HCM)
B.Thanh (ghi)
 

Những gì tốt, ổn định không cần phải thay đổi
So với dự kiến ban đầu, dự thảo có những thay đổi theo hướng tốt hơn cho TS và phụ huynh như: tăng số lượng cụm thi, điều chỉnh thời gian từ 9 – 12.6 sang 1 – 4.7 là rất hợp lý; chuyển thang điểm 10 – 20 để phân hóa tốt hơn và chấm điểm chi tiết hơn. Tuy nhiên, vẫn còn những băn khoăn.
Nhiều đề án của một số trường có một số môn tích hợp thành các khối thi không theo khối thi truyền thống sẽ phải thay đổi, vì theo dự thảo điều này phải công bố trước… 3 năm (nghĩa là trong giai đoạn 2015 – 2017 không thay đổi). Nếu dự thảo quy chế ra sớm thì các trường sẽ không phải bổ sung khối thi “mới” này và không phải băn khoăn, lo lắng ảo khi có đến 16 nguyện vọng…
Bộ đã có sự khảo sát rất kỹ và có cơ sở khi chọn các cụm thi, đặc biệt cụm thi được phân bố theo khu vực địa lý. Tuy nhiên, nếu các cụm thi không sử dụng trường THCS thì địa bàn các điểm thi sẽ rộng hơn, lo lắng về sự di chuyển đề, bài thi. Nếu sử dụng các trường THCS sẽ thuận lợi hơn cho các trường, nhất là các trường ở khu vực nội thành, di chuyển khó khăn.
Thiết nghĩ, với sự thay đổi lớn trong lộ trình đổi mới toàn diện công tác thi cử nói riêng và sự nghiệp giáo dục đào tạo nói chung, để bảo đảm an toàn, giảm rủi ro cho kỳ thi sắp tới, những gì được đánh giá tốt của kỳ thi 3 chung ổn định nhiều năm trước đây như khu vực, đối tượng, phòng thi THCS, thậm chí thang điểm… không cần phải thay đổi nữa.
Tiến sĩ Trần Đình Lý (Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM)

Hà Ánh