04/01/2025

Giáng sinh ngừng bắn, bắt tay và uống rượu

Thoả thuận ngừng bắn vào ngày Giáng sinh năm 1914 giữa quân Anh và Đức là một dấu son đáng nhớ trong lịch sử đầy rẫy chiến tranh của nhân loại.

 

Giáng sinh ngừng bắn, bắt tay và uống rượu

 

 

Thoả  thuận ngừng bắn vào ngày Giáng sinh năm 1914 giữa quân Anh và Đức là một dấu son đáng nhớ trong lịch sử đầy rẫy chiến tranh của nhân loại.

 

 

Bức tranh về thỏa thuận ngừng bắn ngày Giáng sinh 1914 được họa sĩ Arthur Michael vẽ năm 1915 - Ảnh: Bridgeman ImagesBức tranh về thoả thuận ngừng bắn ngày Giáng sinh 1914 được hoạ sĩ Arthur Michael vẽ năm 1915 – Ảnh: Bridgeman Images

“Buổi sáng Giáng sinh, chúng tôi giương một tấm bảng có dòng chữ “Chúc mừng Giáng sinh” trên đó. Quân địch cũng giương một tấm bảng như thế… Hai người lính bên chúng ta (Anh) quăng vũ khí và nhảy lên bờ công sự với hai tay giơ khỏi đầu. Hai người lính Đức cũng làm thế và bắt đầu đi dọc bờ sông để gặp hai người lính bên ta. Họ bắt tay rồi sau đó tất cả chúng tôi rời khỏi chiến hào…”. Đó là trích đoạn hồi ký của một người lính Anh tên Frank Richards về lệnh ngừng bắn ngày Giáng sinh 25.12.1914. 

 
 
Theo tờ The Wall Street Journal, thỏa thuận ngừng bắn chủ yếu được tuân thủ trong ngày Giáng sinh mặc dù có kéo dài đến năm mới ở một số nơi. Vào lúc hoàng hôn ngày Giáng sinh, các binh sĩ hai phía quay trở lại chiến hào. Chiến sự tái diễn vào buổi sáng 26.12 ở nhiều nơi. Tại làng Houplines (Pháp), đại úy Charles Stockwell thuộc Trung đoàn hoả mai Hoàng gia Xứ Wales số 2 kể lại: “Lúc 8 giờ 30, tôi bắn 3 phát súng chỉ thiên và giơ lá cờ có dòng chữ “Chúc mừng Giáng sinh” lên trên chiến hào. Viên đại uý Đức giơ một dải băng có dòng chữ “Cảm ơn” và xuất hiện trên bờ công sự. Hai chúng tôi cúi đầu chào nhau và quay trở lại chiến hào, rồi anh ta bắn hai phát chỉ thiên và chiến sự tái diễn”.
 
Dọc theo hàng trăm cây số hào ở mặt trận phía tây, những người lính Anh và Đức đánh cược tính mạng bằng những hành động tương tự, tay không vũ khí và rời khỏi hào để gặp gỡ những binh sĩ đối địch. Những diễn biến ấy đã trở thành huyền thoại về “thoả thuận ngừng bắn ngày Giáng sinh” cách đây đúng 100 năm, sự kiện có một không hai không chỉ trong Thế chiến 1 mà còn trong cả lịch sử chiến tranh của nhân loại.

Cảm hứng hoà bình

Câu chuyện về thoả thuận ngừng bắn không chính thức ngày Giáng sinh được lưu truyền như một niềm cảm hứng cho hy vọng và tính thiện của con người kể từ đó. Những sự kiện được kể lại theo nhiều phiên bản khác nhau và không ai dám chắc chắn về những gì xảy ra trong ngày lịch sử này. Tuy nhiên, nhân dịp kỷ niệm 100 năm thoả thuận, ngày càng có nhiều tài liệu được công bố cho thấy đó là sự kiện có thật. 

Hồi ấy, các lãnh đạo chính trị đã phớt lờ lời kêu gọi của Giáo hoàng Benedict XV về việc ngừng bắn dịp Giáng sinh, nhưng binh sĩ ngoài mặt trận đã tự mình ngưng nổ súng. Có lời kể rằng, vào đêm Giáng sinh, các binh sĩ Anh đã nghe thấy đối phương cách chỉ vài chục mét hát vang bài hát mừng lễ bằng tiếng Đức và họ cũng hát bằng tiếng Anh. Ít có ai ở hai bên hiểu được lời ca, song giai điệu cho biết đó là bài hát nổi tiếng Silent Night (Đêm thánh vô cùng).

Vào buổi sáng hôm sau, sau những tiếng la hét qua lại, các binh sĩ Anh và Đức bắt đầu rời khỏi hào, bắt tay nhau, trao cho nhau tặng phẩm, cùng hút thuốc, uống rượu và ca hát bên nhau trước khi trở lại chiến hào để chĩa súng vào nhau ngày hôm sau. Thậm chí, có lời kể rằng các binh sĩ Anh và Đức đã đá bóng với nhau ngày hôm ấy.

Theo tờ Daily Mail, trong một bức thư gửi mẹ đề ngày 27.12.1914, hạ sĩ William Loasby quân đội Anh kể về cuộc chạm trán với một sĩ quan Đức, viên sĩ quan này hỏi rằng liệu các binh sĩ Anh có thể ngừng bắn trong ngày Giáng sinh để họ thu nhặt xác chết hay không.

“Con hỏi sĩ quan bên mình về việc ngừng bắn nhưng ông ta không thể ra lệnh. Nhưng chúng con nói sẽ không bắn trừ phi nhận được mệnh lệnh khác trong ngày Giáng sinh”, Loasby viết trong thư. Theo Daily Mail, Loasby đã chết chỉ hai tuần sau khi viết lá thư gửi mẹ.

Bắt tay trong nghi kỵ

Sự kiện trên cũng được xác nhận trong lá thư của chuẩn tướng Walter Congreve, chỉ huy Lữ đoàn súng trường của Anh đóng ở Pháp khi ấy. Congreve đã viết thư gửi cho vợ sau khi đến thăm các binh sĩ tại một đoạn hào phía bắc nước Pháp ngày 25.12.1914. “Sáng nay, một người Đức la lên rằng họ muốn ngưng bắn một ngày và có ai ra khỏi hào nếu họ làm thế hay không. Vậy nên, một cách hết sức thận trọng, một binh sĩ của chúng ta nhổm người khỏi công sự và chứng kiến một người Đức cũng làm vậy, cả hai nhảy lên và nhiều người khác làm theo”.

Tuy nhiên, sau khi được nghe kể có một xạ thủ số 1 của Đức từng giết vô số lính Anh cũng có mặt trong cuộc gặp gỡ, Congreve thổ lộ rằng ông thật tình hy vọng sẽ sớm hạ gục tay súng ấy. “Giờ tôi đã biết anh ta bắn từ đâu, tôi hy vọng chúng ta có thể hạ anh ta vào ngày mai”, ông viết. Congreve kể rằng ông cũng được mời ra gặp gỡ những người Đức song từ chối vì lo sợ đối phương sẽ không kiềm chế được mong muốn nã cho một sĩ quan cao cấp như ông một viên đạn.

Theo tờ The Wall Street Journal, không phải mọi binh sĩ, nhất là những ai vừa chứng kiến đồng đội ngã xuống, cũng cảm thấy rung động bởi tinh thần Giáng sinh. Tiếng súng vẫn vang lên ở một số nơi và trong một số trường hợp, các binh sĩ hai bên vẫn bị bắn hạ khi rời khỏi hào. Lệnh ngừng bắn không chính thức ấy khiến các chỉ huy cao cấp giận dữ vì lo ngại binh sĩ của họ sẽ mất đi nhuệ khí chiến đấu. 

Nhiều binh sĩ bị đe doạ sẽ phải ra toà án binh nếu họ lặp lại hành động đó vào năm sau. Theo tờ The New York Times, một hạ sĩ Đức khi ấy đã quở trách đồng đội: “Chuyện này không nên diễn ra trong thời chiến. Các anh không còn chút danh dự nào của người Đức hay sao?”. Không may cho nhân loại, người lính Đức đó là Adolf Hitler, kẻ sẽ khơi mào cuộc đại chiến kế tiếp trong thế kỷ 20.

Trận bóng gây tranh cãi

Nếu như thoả thuận ngừng bắn tự phát ngày Giáng sinh được xác nhận là sự kiện có thật, thì trận bóng đá giữa các binh sĩ Anh và Đức ngày hôm ấy vẫn là một chủ đề gây tranh cãi. Theo một số sử gia, trận bóng không thể diễn ra bởi không đủ thời gian để tổ chức. Hơn nữa, giữa bãi chiến trường mà những chiến hào chỉ cách nhau vài chục mét, khó có thể tìm ra chỗ rộng rãi để đá bóng. Ấy là chưa kể đến tuyết rơi đầy vào thời điểm đó. 

Trong bức thư của mình, tướng Congreve cũng chỉ kể rằng ông có nghe nói một trận bóng đá được tổ chức ở đâu đó. Tuy vậy, trận bóng đá ngày Giáng sinh năm 1914 đã đi vào huyền thoại như biểu tượng hoà bình của môn thể thao vua, với nhiều sự kiện được tổ chức để kỷ niệm trận bóng đặc biệt cách đây 100 năm. Vào ngày 17.12 vừa qua, đội bóng của quân đội Đức đã có trận đấu với đội bóng của quân đội Anh ở thị trấn Aldershot (Anh) để tái hiện sự kiện. Kết quả Anh thắng Đức 1-0, gỡ lại món nợ thua 3-2 cách đây 100 năm, theo lời đồn đại.

Sơn Duân