Giải đáp phụng vụ: Linh mục có thể làm bõ đỡ đầu cho người mình rửa tội không?
Hỏi: “Khi một linh mục cử hành bí tích rửa tội, ngài có thể đồng thời giữ vai trò bõ đỡ đầu được không?”
|
|
Giải đáp phụng vụ: Linh mục có thể làm bõ đỡ đầu cho người mình rửa tội không?
Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma. Hỏi: Tiếp theo bài trả lời của chúng tôi ngày 4-11 về việc liệu các người sống đời thánh hiến làm bõ vú đỡ đầu được không, một độc giả hỏi thêm: “Khi một linh mục cử hành bí tích rửa tội, ngài có thể đồng thời giữ vai trò bõ đỡ đầu được không?” Đáp: Dường như không có luật đặc biệt nào cấm đoán việc này. Thừa tác viên ban phép rửa tội là một vai trò chốc lát, trong khi vai trò làm bõ đỡ đầu là lâu dài, là thực sự suốt đời. Về mặt phụng vụ, thì điều này có thể có nghĩa rằng nên có một mẹ đỡ đầu thực hiện mọi nghi thức và cử chỉ được tiên liệu trong sách nghi thức, trong khi linh mục chỉ thực hiện các nghi thức được tiên liệu cho thừa tác viên. Nếu không, sẽ có một mối nguy hiểm về thiếu kính trọng đối với sự thánh thiêng của nghi thức. Khi đăng ký và sổ rửa tội, linh mục sẽ ký tên cả ở phần người cử hành bí tích và phần người bõ đỡ đầu nữa. Hỏi: Một độc giả từ thành phố tươi đẹp Graz ở Áo: “Tôi được cặp vợ chồng Tin lành ngỏ ý mời làm bõ đỡ đầu cho đứa con gái 9 tuổi của họ. Theo nội quy của Giáo Hội của họ (cộng đồng Tin Lành chính thống), việc này là có thể được. Thưa cha, Giáo luật Công Giáo cho phép con làm người đỡ đầu như vậy không?” Đáp: Câu trả lời cho câu hỏi này, cùng với các điều kiện cần thiết, được tìm thấy trong Quy chuẩn Đại kết (Ecumenical Directory) được Tòa thánh ban hành ngày 25-3-1993: “98. Giáo Hội Công Giáo hiểu rằng cha mẹ đỡ đầu, trong một ý nghĩa phụng vụ và giáo luật, nên là thành viên của Giáo Hội hay Cộng đồng Giáo Hội, mà trong đó phép rửa tội được cử hành. Họ không chỉ đơn thuần là chịu trách nhiệm về giáo dục Kitô giáo cho người được rửa tội (hoặc được thêm sức), như là một mối quan hệ hoặc bạn bè; họ cũng có mặt ở đó như là người đại diện của một cộng đồng đức tin, đứng ra làm người bảo đảm đức tin và ước muốn của người sắp được rửa tội cho sự hiệp thông Giáo Hội. “a) Tuy nhiên, dựa vào phép rửa chung, và do mối mối quan hệ máu thịt hay tình bạn hữu, một người đã được rửa tội thuộc một cộng đồng Giáo Hội có thể được nhìn nhận như là một nhân chứng cho phép rửa tội, nhưng phải có thêm một người đỡ đầu Công Giáo khác nữa. Một người Công Giáo có thể làm tương tự cho một người được rửa tội trong một Cộng đồng Giáo Hội khác.” (Zenit.org 18-11-2014) Nguyễn Trọng Đa |