Đời cần lắm những sự tử tế
Những chia sẻ của người cảnh sát giao thông vừa chia tay công việc trong nước mắt vì xúc động trong sự yêu quý của nhiều người dân.
Đời cần lắm những sự tử tế
Những chia sẻ của người cảnh sát giao thông vừa chia tay công việc trong nước mắt vì xúc động trong sự yêu quý của nhiều người dân.
Nữ sinh viên chạy xe máy chở ba, hai bạn không đội mũ bảo hiểm – Ảnh: Quang Định |
Thượng tá Lê Đức Đoàn – Ảnh: V.D. |
Thượng tá Lê Ðức Ðoàn – sinh năm 1959, người được bầu chọn là một trong 10 công dân ưu tú của thủ đô Hà Nội năm 2012 – chia sẻ những suy nghĩ của ông từ công việc.
Một lời xin lỗi khó lắm sao?
Công tác trong ngành công an từ năm 1977 và có gần 20 năm đứng trực tại chốt giao thông ở cầu Chương Dương (Hà Nội), tôi đã chứng kiến nhiều câu chuyện chưa tử tế giữa người với người.
Có nên xuề xòa, nhân nhượng với những hành vi sai trái của người lớn tuổi hay trẻ nhỏ? Tôi nghĩ điều quan trọng nhất là phải cảm hóa, phân tích cặn kẽ cho họ hiểu rõ cái sai của mình, còn với những trường hợp cố tình vi phạm nhiều lần thuộc dạng “vô phương cứu chữa” thì bắt buộc phải có những biện pháp xử phạt nghiêm minh, không nhân nhượng. Có như vậy xã hội mới công bằng và mọi người mới biết tôn trọng pháp luật. |
Nhiều lần có người bị tai nạn giao thông giữa đường nhưng những dòng xe xung quanh vẫn lăn bánh một cách vô cảm, có nhiều người chỉ nhìn mà tuyệt nhiên không chìa tay giúp.
Thậm chí có những lần tôi can thiệp, vẫy xe nhờ chở nạn nhân đi nhưng những chiếc xe vẫn vội vã lướt qua. Có thể lý do khách quan là do họ bận, nhưng đoan chắc cũng có những trường hợp là do vô cảm.
Chuyện người tham gia giao thông tranh giành, chen lấn đường từng chút một, sẵn sàng “tặng” nhau những từ ngữ thiếu văn hóa hoặc thậm chí lao vào ẩu đả không cần biết đúng sai… là điều tôi cũng thường gặp.
Lúc đó tôi thường tự hỏi việc nhường nhịn nhau một chút, trao nhau sự tử tế bằng cách nói một lời xin lỗi liệu khó làm đến thế sao?
Một trong những điều khiến tôi buồn và trăn trở nhiều nhất là việc những hành động thiếu tử tế đã sớm len lỏi vào suy nghĩ, cuộc sống của một bộ phận giới trẻ. Có những lần tôi thổi xe của các cháu sinh viên vì họ đi sai luật, nhiều bạn mới vào chưa cần biết đúng sai đã chuẩn bị sẵn tiền để dúi vào tay tôi. Họ đâu biết có những thứ không thể mua được bằng tiền.
Gặp những trường hợp như vậy, đêm về tôi suy nghĩ nhiều lắm, và dĩ nhiên buồn nữa. Tôi xót xa khi thấy những gương mặt còn non trẻ đã chọn lối sống quá sòng phẳng và thực dụng như vậy. Những lần ấy tôi chỉ chọn cách ôn tồn giải thích, hỏi han một cách chân tình bởi tôi nghĩ rằng họ cũng như con cháu trong nhà mình, cần thời gian uốn nắn, hoàn thiện dần…
Sống tử tế để được ngủ ngon
Những hành vi thiếu tử tế của các bạn trẻ trên ít nhiều bắt nguồn từ cách ứng xử chưa chuẩn mực của một vài “con sâu” trong đội ngũ thực thi công vụ. Một vấn đề luôn luôn có nhiều mặt. Người dân thì muốn giải quyết chuyện nhanh, tiện lợi, còn phía thi hành công vụ cũng có người cố tình gây phiền hà, khó khăn cho dân.
Vì thế chỉ cần người dân chấp hành đúng luật lệ giao thông, người thực thi công vụ sống có trách nhiệm với công việc của mình thì xã hội sẽ có bức tranh khác, lạc quan hơn.
Bởi suy cho cùng, tử tế chỉ đơn giản là sống cởi mở tấm lòng, có ứng xử phù hợp với chuẩn mực chung của xã hội và không đặt lợi ích bản thân lên trên hết. Làm điều này không khó lắm đâu.
Theo tôi, mỗi thế hệ có thể có nhân sinh quan và thế giới quan khác nhau nhưng việc chọn lối sống tử tế luôn là điều cần thiết phải có bởi “đời cần lắm những sự tử tế”.
Tri thức và ý thức là hai yếu tố không thể tách rời ở con người của xã hội hiện đại. Các cụ ngày xưa nói ăn cơm rau vậy mà ngủ ngon, ăn cơm thịt để mà mộng mị, mệt mỏi thì chỉ thiệt về đường dài.
Tôi thấy đúng là như vậy. Xã hội chúng ta dẫu có chuyện này chuyện kia nhưng tôi tin rằng vẫn còn đó nhiều hành động, nhân cách tử tế. Cái tốt sẽ lan tỏa, cái xấu sẽ dần biến mất nếu những điều đó được chung tay khơi gợi, nhân rộng.
Tôi chưa bao giờ hối hận về hành động truy đuổi một toán cướp có vũ khí vào năm 2005, để rồi hiện giờ là thương binh hạng 3/4, thân thể luôn đau buốt mỗi khi trái gió trở trời và khứu giác gần như bị tê liệt. Tôi nghĩ khi chúng ta sống có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội thì chúng ta sẽ gặt hái về rất nhiều niềm vui trong đời. Chẳng hạn như việc tôi không mong đợi sẽ được đền đáp gì sau vụ đó nhưng tôi đã nhận về vô vàn sự thương yêu, quý mến từ người dân, được họ tin tưởng bầu chọn là công dân ưu tú của thủ đô, đến lúc tôi nghỉ hưu họ vẫn tìm đến, nhắn tin hỏi han thường xuyên… Có phần thưởng nào ý nghĩa hơn? |
__________
Phải phân biệt đúng – sai mới có chuyện tử tế
Vì sao có nhiều việc thiếu sự tử tế? Nguyên nhân, theo tôi, bởi cách hành xử lấy lớp áo tình cảm để khỏa lấp, bưng bít, che đậy các hành vi sai trái mà ra. Nếu phân định đúng – sai rạch ròi thì mọi chuyện sẽ tốt hơn. Nhiều người vì bênh bạn bênh bè nên hay nói “không thể luôn luôn đòi đúng – sai sòng phẳng”, nhưng lại quên rằng việc xác định đúng sai sẽ giúp một cá nhân nhận biết sai phạm của họ, từ đó sẽ suy nghĩ kỹ hơn trong các hành động về sau.
Phân định đúng – sai không đồng nghĩa là hình phạt đi kèm khốc liệt hay khắc nghiệt! Phân định đúng – sai ở đây là kêu gọi, nhắc nhở, hướng dẫn cho một cá nhân sai phạm nhận thức được họ đã làm điều sai, họ nên và cần thay đổi như thế nào để không sai phạm nữa.
Trong khi đó việc bao biện, che đậy cho hành động xấu nhân danh tình cảm, ví dụ như: “Thôi, em nó nhỏ, bỏ đi…”, hay: “Anh chị em trong nhà cả, việc gì khó khăn căng lý quá vậy…” chắc chắn sẽ tạo tiền đề cho những sai phạm tiếp theo.
Cái nếp gia đình (tổ chức) quen bao biện, không giáo dục ý thức đúng – sai phân minh thì bước ra xã hội bên ngoài tất yếu sẽ không chấp nhận chuyện ai đó “bắt bẻ” khi mình làm sai, để rồi trở thành người cố chấp gàn bướng hoặc người tự ái vặt nhiều hơn tự trọng…
Sinh viên giả lơ… Phải nói là bây giờ ý thức của đa số các bạn sinh viên rất kém. Có thể đi thử trên một chuyến xe buýt hay đến các khu vực công cộng thì thấy rất hiếm trường hợp các bạn ấy nhường ghế ngồi cho người lớn tuổi, mà chỉ vô tư giả vờ trò chuyện hoặc bấm điện thoại. Hằng ngày buổi sáng, trưa, chiều đi ngang Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM (đoạn đường Nguyễn Văn Nghi, Gò Vấp) mới thấy cảnh qua đường lộn xộn của các bạn sinh viên: không đi theo vạch qua đường cách cổng trường vài mét, cứ cổng trường mà băng ngang qua đường cộng với xe cộ đông đúc và các xe hàng rong hai bên đường là gây kẹt xe ngay. Xấu hổ hay “xù lông nhím”? Mình cũng là sinh viên năm cuối. Mình vẫn thấy nhan nhản những bạn sinh viên có hành xử không đẹp. Thật đáng buồn. Nhưng mỗi khi có ai nhắc nhở đừng hút thuốc, đừng xả rác là các bạn lại “xù lông nhím” lên tức tối và chỉ tức tối mà không nhìn lại mình đã đúng hay sai. Khi đọc bài “Những chuyện không đẹp của sinh viên”, bản thân mình cũng thấy xấu hổ… Chỉ cần mỗi ngày mỗi thay đổi và đừng để cuốn theo vòng xoáy đó, mình tin mỗi bạn sinh viên sẽ trở thành những người làm cho xã hội tốt hơn. Rất cảm ơn báo Tuổi Trẻ đã đề cập những vấn đề như thế này. |
Mời quý bạn đọc tiếp tục chia sẻ ý kiến về chủ đề “Đâu rồi, chuyện tử tế?”. Bài vở, ý kiến xin gửi về [email protected], [email protected], hoặc gửi về diễn đàn “Đâu rồi, chuyện tử tế?” báo Tuổi Trẻ, 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM. |