Tôi muốn mình sống không đơn điệu
Sau cơn sốt bại liệt khi mới 6 tháng tuổi, Nguyễn Thị Thúy Hoa đã phải sống một cuộc đời khác trên chiếc xe lăn. Thế nhưng, chị đã viết lại những chương mới cho cuộc đời mình bằng ý nghĩ: Tôi không muốn phải sống đơn điệu.
Tôi muốn mình sống không đơn điệu
Sau cơn sốt bại liệt khi mới 6 tháng tuổi, Nguyễn Thị Thúy Hoa đã phải sống một cuộc đời khác trên chiếc xe lăn. Thế nhưng, chị đã viết lại những chương mới cho cuộc đời mình bằng ý nghĩ: Tôi không muốn phải sống đơn điệu.
|
Nói thì dễ, nhưng với chị Thúy Hoa (ở đường Trần Cao Vân, TP.Quy Nhơn, Bình Định), ngay cả việc nói cũng khiến lồng ngực vốn xiêu vẹo phải gập ghềnh lên xuống. Thấy chúng tôi tỏ vẻ ái ngại, chị Hoa xua đôi tay nhỏ bé: “Không sao, mình quen rồi và thấy thoải mái”.
Khuyết tật chỉ là một ngã rẽ
|
Chị tên Hoa nhưng không nói mình là hoa. Chị chỉ ví mình là cỏ dại. Cuộc đời của chị cũng hệt như đám cỏ phải trải qua những cơn bão lớn. Chị được sinh ra trong một gia đình ở đảo cách xa đất liền. Thúy Hoa trong ký ức của mẹ và anh chị em vốn bụ bẫm và cứng cáp, lanh lẹ. Đến 6 tháng tuổi thì một cơn sốt đột ngột khiến cả nhà không kịp trở tay. Từ đó chị yếu dần. Đến tuổi dậy thì, trong khi các bạn trang lứa phổng phao cao lớn thì Hoa phải ngồi một chỗ.
Không cam chịu số phận, Hoa xin ba mẹ cho đi học nghề dành cho người khuyết tật và trở thành một trong những thợ thêu lành nghề nhất của cơ sở Nguyễn Nga (TP.Quy Nhơn). Vốn ham học, chị mày mò học tiếng Anh rồi dạy lại cho các em nhỏ hơn muốn học. Cuộc sống dường như đã mỉm cười với cô gái tật nguyền.
Không lâu sau, Thúy Hoa phải gánh chịu nỗi đau mất mát người thân trong gia đình, từ ba mẹ đến anh chị lần lượt qua đời vì bệnh tật. Cơ thể chị cũng ngày một yếu đi khiến chị không thể ngồi thêu như trước. Xương sống vốn yếu lại phải ngồi nhiều nên bị xiêu vẹo, phải nằm hoặc ngồi có giá đỡ. Không bỏ cuộc, chị chuyển sang làm hoa voan tại nhà. Những bình hoa từ đôi tay nhỏ bé của chị đã khiến nhiều người và doanh nghiệp xúc động vì chúng thực sự có hồn.
Sau 5 năm, chị đã truyền nghề cho tổng cộng gần 80 người, trong đó có 5 người khuyết tật. Những đóa hoa voan từ tay chị đã vươn nở trên khắp các huyện trong tỉnh Bình Định, giúp tạo công ăn việc làm cho hàng trăm người khác. Công việc này đã đem lại thu nhập ổn định và tiếp sức cho chị thực hiện những ước nguyện trong đời. Ngẫm lại đời mình, chị Hoa đúc kết: “Theo tôi, khuyết tật chỉ là một ngã rẽ. Chọn cho mình con đường nào tiếp theo để sống là tùy mỗi người. Tôi đã chọn cho mình lối đi của một người bình thường”.
Dốc lòng
Chị Hoa chia sẻ: “Trong những lần thập tử nhất sinh trong bệnh viện, tôi chỉ niệm một điều là xin trời Phật thương tình cho con được sống để con làm từ thiện. Trước mỗi dự án, chương trình hoạt động từ thiện của tôi, nhiều người lo lắng sợ không làm được. Tôi chỉ nói, mình cứ làm đã chứ chưa làm mà cứ nghĩ không làm được thì đúng là sẽ không bao giờ làm được”.
Năm 2009, chị Hoa bắt đầu thực hiện chương trình “Thắp sáng vòng tay yêu thương” bằng buổi giao lưu văn nghệ tại nhà với hơn 70 người tham gia. Được ủng hộ, chị tiếp tục làm thêm những chương trình có tính chất thực tế hơn như: bán các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của người khuyết tật, bán nước giải khát gây quỹ… Bằng thiện chí của mình, chị đã kêu gọi được sự đồng cảm và tham gia của hơn 200 tình nguyện viên là sinh viên của Trường ĐH Quy Nhơn cùng nhiều người khuyết tật trong tỉnh.
Hằng ngày, chị Hoa và một người bà con trong nhà hướng dẫn các bạn tình nguyện viên nấu các loại nước giải khát như nha đam đường phèn, đậu nành, mè đen, sữa bắp… đi bán khắp nơi trong thành phố. Số tiền thu được sẽ chia một phần cho tình nguyện viên, còn lại góp vào quỹ chương trình “Thắp sáng vòng tay yêu thương”.
Tình nguyện viên Lê Tấn Tùng, sinh viên Trường ĐH Quy Nhơn hào hứng bảo: “Mình được chị Hoa và các bạn ở đây gọi đùa là Tùng sữa bắp vì công việc quen thuộc của mình là nấu và bán sữa bắp. Mình tham gia chương trình vì thấy vui và cũng hay nữa, nhất là khi được biết chị Hoa, mình đã thay đổi nhiều trong cách nhìn nhận cuộc sống”.
Tâm Ngọc