05/01/2025

Ngày thầy mất, Facebook nhuộm một màu đen u ám

Ngày thầy mất, cả Facebook nhuộm một màu đen u ám, hầu hết học trò của thầy đều đổi avatar chịu tang thầy.

 

Ngày thầy mất, Facebook nhuộm một màu đen u ám

 

Ngày thầy mất, cả Facebook nhuộm một màu đen u ám, hầu hết học trò của thầy đều đổi avatar chịu tang thầy. 

 

Ngày tiễn thầy, học sinh đứng trắng hai bên đường, đứa nào mắt cũng đỏ hoe. Tôi nghe một học trò nói với bạn khác: “Mày đã quá, được là học trò của thầy!” - Ảnh: Võ Đình Đoan
Ngày tiễn thầy, học sinh đứng trắng hai bên đường, đứa nào mắt cũng đỏ hoe. Tôi nghe một học trò nói với bạn khác: “Mày đã quá, được là học trò của thầy!” – Ảnh: Võ Đình Đoan

(Kính tưởng nhớ vong linh thầy Nguyễn Đức Hoành – giáo viên Trường THPT Trương Định, Gò Công, Tiền Giang)

Nhiều bạn bè phương xa của tôi gửi lời nhắn: “Dù chưa từng biết thầy là ai, nhưng thấy tình cảm học trò dành cho thầy như vậy đủ biết thầy là người như thế nào!”.

Con gái tôi, lứa học trò cuối cùng của thầy. Năm cháu học lớp 11, được biết thầy phụ trách môn vật lý, lớp cháu có nhiều bạn xin đổi chỗ ngồi, không dám ngồi đầu bàn. Lý do đơn giản đó là những vị trí thường xuyên ăn đòn của thầy mà không cần có lý do.

Thậm chí có đứa sợ đến nỗi xin chuyển lớp. Cô chủ nhiệm lớp cháu cùng trang lứa với tôi, cũng là học trò cũ của thầy, nói rằng: “Rồi các con sẽ thấy, được học thầy là diễm phúc nhất trên đời này!”.

“Con cái thiên hạ không thèm nóng”

Thầy tự tay nấu ăn cho học trò. Khi bệnh phải mổ một bên mắt nhưng thầy không xin nghỉ mà vẫn đến lớp giảng dạy. Đêm đến thầy còn dạy thêm cho học trò nghèo miễn phí tại nhà đến rớt luôn băng dán mắt khiến học trò thương thầy đến rớm nước mắt
VÕ VĂN HỮU PHƯỚC (học trò thầy Hoành)

Đúng vậy, thời tôi đi học, đứa nào mà không bị thầy đánh. Những cái tát tai, cú đầu, vặn lỗ tai xảy ra thường xuyên. Thầy là người nóng nảy, nghiêm khắc và không cho học trò mắc sai lầm dù nhỏ nhất.

Biết bao thế hệ học trò Trường Trương Định dưới bàn tay nhào nặn của thầy đã thành đạt, vươn xa. Nhiều trong số đó là bác sĩ, kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ… vẫn nhớ về thầy như một ân nhân trong cuộc đời đi học của mình.

“Con cái thiên hạ không thèm nóng” là câu thầy viết lên bảng để tự kiềm chế bớt nhưng thầy biết không, tất cả những học trò của thầy không ai buồn giận thầy về những điều đó. Lúc học với thầy rất sợ, bạn bè tôi thường nói giờ của thầy con ruồi bay ngang cũng nghe.

Trong ký ức chúng tôi lúc đó thầy nghiêm khắc đến lạnh lùng. Nhưng tôi nhớ một chuyện làm thay đổi suy nghĩ của mình. Tôi cùng thằng bạn đến từ giã thầy để nó đi du học.

Thầy khóc, đương nhiên nó và tôi cũng khóc. Tôi không thể nào tưởng tượng được có lúc thầy khóc. Thế mới biết đằng sau sự nghiêm khắc lạnh lùng đó là cả một tấm lòng yêu thương học trò vô bờ bến…

Thầy Hoành trong một giờ lên lớp - Ảnh: Võ Đình Đoan
Thầy Hoành trong một giờ lên lớp – Ảnh: Võ Đình Đoan

“Chi vậy, thôi bay ơi!”

Tuần qua, chuyên mục “Giáo dục dưới mắt mọi người” và “Câu chuyện giáo dục” đã nhận được bài viết của các tác giả:

Bùi Việt Phương (Hòa Bình), Nguyễn Văn Học (Đà Nẵng), Lê Thạch Thi (Quảng Nam), Tạ Quang Sum (Khánh Hòa), Thương Hoài (Bình Thuận), Đào Hồng Khởi (Đồng Nai), Châu An, Phạm Thu Quê Hương, Lê Thị Ngọc Vi, Phạm Thu Trâm (TP.HCM), Nguyễn Thanh Hùng Hai (Long An), Lê Đức Đồng (Sóc Trăng), Nguyễn Thành Công (Bạc Liêu), Lê Tấn Thuận, Nguyễn Văn Khánh (An Giang) cùng các bạn đọc Hàn Thái, Phạm Nguyễn, Huỳnh Hữu Đức, Nguyễn Bá Kế, Võ Anh Tuấn, Thức Thức, Nguyễn Gia Chính, Phạm Thị Mai Anh.

Mời bạn đọc tiếp tục gửi bài về cho chuyên mục qua địa chỉ email [email protected] hoặc trực tiếp đến tòa soạn báo Tuổi Trẻ (số 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM).

TUỔI TRẺ

Sau khi đất nước thống nhất, từ quê nhà Quảng Nam thầy Hoành tìm đến miệt Gò Công dạy học, sinh sống và lập gia đình nơi đây.

Nhắc đến thành tích của thầy Hoành, thầy Nguyễn Thanh Hải (phó hiệu trưởng Trường THPT Trương Định) cho biết không thể nhớ hết cụ thể bao nhiêu học sinh của thầy Hoành đã đạt học sinh giỏi cấp quốc gia, đỗ thủ khoa các trường đại học danh giá và trở thành những người thành đạt trong xã hội.

Từng là học trò của thầy Hoành, thầy Hải cho rằng thầy Hoành là “thầy của những người thầy” bao năm qua ở huyện Gò Công.

Nhắc đến “chữ tâm, chữ đức”, thầy Hải kể cuộc sống gia đình thầy Hoành khó khăn, áo quần thầy mặc đã cũ sờn theo năm tháng.

Vợ thầy muốn mua cho thầy bộ quần áo mới nhưng thầy gạt đi. Ấy vậy mà khi nghe tin học trò nào khổ là thầy Hoành lại bỏ tiền túi ra mua sách vở, áo quần cho các em ngay.

Cũng từng là học trò của thầy Hoành, cô Hà Thanh Thiên Trang (phó hiệu trưởng Trường PTTH Trương Định) tâm sự dù năn nỉ nhiều năm thầy cũng không chịu làm hồ sơ công nhận Nhà giáo ưu tú.

Biết thầy sắp nghỉ hưu, năm ngoái cô Trang đã tự làm hồ sơ và chỉ cần thầy ký tên là được. Nhưng khi trao đổi, thầy Hoành như tỏ vẻ không hài lòng, chỉ nói rằng: “Chi vậy, thôi bay ơi!”.

Ngoài câu chuyện “trồng người không màng danh lợi”, cô Trang là một trong những giáo viên giữ nhiều kỷ niệm về tấm gương mẫu mực của thầy khi nuôi dạy miễn phí nhiều học sinh nghèo.

Cô Trang nói sau khi thầy mất, số tiền phúng điếu đám tang 150 triệu đồng gia đình thầy chuyển toàn bộ cho trường làm quỹ học bổng cho những học sinh nghèo hiếu học.

Ngay khi nghe tin gia đình thầy Hoành lập quỹ trên, một cựu học sinh được thầy cưu mang trước đây – anh Võ Văn Hữu Phước, đã tốt nghiệp đại học, hiện đang công tác tại TP.HCM – cũng đã tham gia gửi quỹ một số tiền khá lớn.

Anh Phước tâm sự năm học lớp 12, nhà anh Phước rất nghèo, việc học có thể dang dở. Nghe tin, thầy Hoành tìm gặp anh Phước chia sẻ chân tình, muốn đưa anh về nhà để gia đình thầy nuôi dưỡng, lo ăn học miễn phí.

Sau khi nhận lời, về nhà thầy, anh Phước mới biết thầy còn cưu mang bốn học sinh nữa. Ngoài giờ dạy học ở trường, đêm đến thầy tổ chức dạy thêm miễn phí cho anh Phước cùng với những học trò nghèo khác.

“Trước khi nhận về nuôi dạy, thầy chẳng biết tôi là ai, chỉ biết tôi nghèo khó phải giúp đỡ. Thầy nghiêm khắc trên bục giảng bao nhiêu thì ngoài đời lại gần gũi bấy nhiêu”.

SƠN BÌNH – HUỲNH HIẾU (Trường THPT Trương Định)