09/01/2025

“Mái trường dấu yêu: “Cô đã không “bỏ cuộc”

Giờ tôi đã là trưởng phòng tại một cơ quan nhà nước, nhưng kỷ niệm về mái trường phổ thông không bao giờ tôi quên được.

 

“Mái trường dấu yêu: “Cô đã không “bỏ cuộc”

 

Giờ tôi đã là trưởng phòng tại một cơ quan nhà nước, nhưng kỷ niệm về mái trường phổ thông không bao giờ tôi quên được. 

 

Nhớ lại ngày còn học cấp III, là con gái nhưng tôi khá nghịch ngợm khiến kết quả thi đua của lớp lúc nào cũng thụt lùi. Về lực học cũng như thành tích, lớp 12K của tôi luôn đứng cuối bảng. Không một thầy cô giáo nào muốn chủ nhiệm lớp tôi.

Ngay từ bé, tôi đã không được bố mẹ quan tâm, gần gũi. Tôi lớn lên chủ yếu trong sự đùm bọc, yêu thương của bác Tám – người giúp việc. Ngay cả việc đi họp phụ huynh cho con, bố mẹ cũng đùn đẩy nhau. Bố thì nói: “Họp với hành cái gì, cứ ấn cho ít tiền là xong”. Mẹ thì chối quanh: “Mẹ bận rồi, bác Tám đi họp thay đi”. Lâu dần thành quen, chuyện học hành của tôi không được bố mẹ quan tâm. Tôi chán và bỏ học liên miên. Tôi nghịch ngợm, bùng tiết nên trong mắt thầy cô và bạn bè, tôi là học trò cá biệt. Trong suy nghĩ của bố mẹ, tôi đã là đứa bỏ đi từ lâu rồi. Nếu như không có cô giáo ấy thì có lẽ tương lai của tôi đã bị “đóng” lại rồi. Người đã “cứu” cuộc đời tôi đó là cô Cao Thị Phượng. Khi cô mới chuyển từ một trường miền núi về trường, cô đã được phân công chủ nhiệm lớp tôi. Tôi không ấn tượng nhiều về cô vì nhìn cô khá hiền, ít nói.

Bạn bè mà tôi chơi chủ yếu là các đàn anh đàn chị khóa trên. Tôi thường xuyên đưa bạn vào lớp để quấy phá. Bao nhiêu lần tôi bị đuổi ra khỏi lớp vì cãi lời thầy cô. Cô giáo chủ nhiệm lại gửi giấy mời phụ huynh lên làm việc. Nhưng như những lần trước, bố mẹ lại “không có thời gian”. 

Cô Phượng một lần đến bên tôi nói nhỏ: “Nếu còn sống chắc con gái cô cũng bằng tuổi con”. Tôi ú ớ líu cả lưỡi lại, cô Phượng nói tiếp: “Con được đi học như thế này là may mắn hơn rất nhiều người…”.

Thú thật những lời đó với tôi chưa đủ để tôi “tỉnh ngộ”. Nhưng tôi cảm thấy cô gần gũi và quan tâm đến tôi như một người mẹ, điều mà từ trước đến nay mẹ tôi chưa bao giờ dành cho tôi.

Nghe cô tâm sự cuộc đời cô, rồi những câu chuyện thời gian cô dạy các bạn trên huyện miền núi Mường Lát (Thanh Hóa), phải trèo đèo lội suối để đến trường. Tôi nhớ nhất là câu chuyện cô kể về các bạn nhiều hôm phải nhịn đói để học bài. Tôi giật mình nhận ra bấy lâu nay mình đã sống vô ích và phí hoài.

Nhiều hôm cô Phượng phụ đạo cho tôi môn toán. Khi biết cô “nói khó”, nhờ vả thầy cô giáo bộ môn để tâm đến tôi, tôi xúc động vô cùng. Trước nay bố mẹ tôi cứ “thả” tôi, bán khoán tôi cho nhà trường, chỉ đến khi tôi bị đuổi học mới xin cho tôi học lại.

Còn cô, cô cứu rỗi tương lai cho tôi, giúp tôi có thêm niềm tin vào cuộc sống, tìm được mục đích của việc đến trường không phải để “giết thời gian” như trước đây tôi tưởng. Tôi đến ở nhà cô hơn hai tháng để tiện cho việc cô bổ túc riêng cho tôi.

Thời gian ở cùng cô, nhìn cuộc sống của cô giản dị, biết được tấm lòng cô độ lượng, được nhận tình thương của cô, tôi thấy mình không còn cô độc như trước kia. Tôi nhớ cô nói với tôi rằng: “Cuộc đời cũng như trèo đèo lội suối, nếu sơ sẩy chút thôi thì rất dễ đánh mất mình”.

Cuối cùng tôi đã đỗ một trường cao đẳng tại Hà Nội. Rồi sau đó tôi học liên thông lên đại học. Giờ, khi công việc đã ổn định, nhớ lại khoảng thời gian đen tối của mình, tưởng rằng tương lai của tôi đã khép chặt lại. Tôi viết ra tâm sự này chỉ vì tôi đã mang ơn lớn của người đã mở cánh cửa cuộc đời tôi.

Từng là một học sinh cá biệt, tôi chỉ mong thầy cô giáo đừng bỏ cuộc, đừng buông xuôi trước những học sinh hư. Nhờ có cô Phượng, tôi mới trưởng thành được như ngày hôm nay. Cô thật sự đã thay đổi cả cuộc đời tôi…

Những ngôi trường thời kháng chiến, ngôi trường của một thời bao cấp, ngôi trường của những làng quê nghèo khó… từ đó bao thế hệ học trò lớn lên, trưởng thành trong sự dìu đắt của thầy cô. Ký ức những ngày gian khó ấy luôn theo mãi trong lòng các thế hệ học trò, để rồi cứ gần đến ngày 20-11 những ký ức ấy cứ dạt dào tuôn ra. Mái trường ngày xưa là chủ đề mà bạn đọc gửi về cho Tuổi Trẻ nhiều nhất trong tuần qua từ các tác giả: Nguyệt Linh (Hà Nội), Phạm Xuân Cần (Nghệ An), Đồng Hữu Uy (Huế), Nguyễn Văn Học, Thái Văn Mỹ, Nguyễn Thị Mỹ Kim (Đà Nẵng), Đào Thị Cẩm Thanh (Quảng Nam), Ngô Thế Lâm (Khánh Hòa), Nguyễn Thị Thu Hương, Bình Yên (Đồng Nai), Vắn Ngọc Dung, Nguyễn Ngọc Điểm, Trần Văn Tám, Thái Hoàng, Nguyễn Thế Kỷ, Hoàng Ngọc Thương (TP.HCM), Tô Văn Hiệp (Sóc Trăng), cùng bạn đọc Hiền Linh, Kim Thoa, Phi Khanh, Lê Tăng Định.

Mời quý bạn đọc tiếp tục gửi bài về cho chuyên mục qua địa chỉ [email protected] hoặc báo Tuổi Trẻ, 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM.

TUỔI TRẺ