04/01/2025

Hiểm hoạ súng tự tạo bằng máy in 3D

Các chuyên gia cảnh báo những khẩu súng được sản xuất bằng máy in 3D sẽ làm đảo lộn nền tảng về kiểm soát vũ khí trên thế giới. Máy in 3D được đánh giá là một trong những công nghệ mang tính cách mạng nhất hiện nay.

 

Hiểm hoạ súng tự tạo bằng máy in 3D

Các chuyên gia cảnh báo những khẩu súng được sản xuất bằng máy in 3D sẽ làm đảo lộn nền tảng về kiểm soát vũ khí trên thế giới.

Khẩu AR-15 được in bằng máy Ghost Gunner-  Ảnh: Chụp từ clip
Khẩu AR-15 được in bằng máy Ghost Gunner-  Ảnh: Chụp từ clip

Máy in 3D được đánh giá là một trong những công nghệ mang tính cách mạng nhất hiện nay. Về cơ bản, máy hoạt động bằng cách chồng từng lớp vật liệu như nhựa, polymer và kim loại lên nhau như đúc khuôn để cho ra vật thể rắn giống hệt nguyên bản. Theo trang tin CNET, giới chuyên gia tin rằng máy in 3D sẽ góp phần thay đổi cuộc sống nhân loại trong tương lai khi mọi thứ từ vật dụng thường ngày như chén đĩa, điện thoại di động đến các sản phẩm phức tạp như linh kiện máy bay đều có thể được sản xuất đại trà với giá thành cực rẻ. Tuy nhiên, đi kèm với tiềm năng là nguy cơ khi viễn cảnh nhà nhà tự sản xuất vũ khí đang ngày càng hiển hiện.

Những khẩu súng “ma”

Theo CNET, Tổ chức Defense Distributed hồi cuối tháng 10 đã thông báo nhận đơn đặt hàng cho một thiết bị in 3D mang tên Ghost Gunner cho phép người mua tự in và lắp ráp các thiết bị của súng trường tấn công AR-15 một cách dễ dàng. Tổ chức này tuyên bố mỗi cỗ máy Ghost Gunner có giá không quá 1.500 USD và có thể hoàn thành phần thân dưới của một khẩu AR-15 trong tối đa 1 tiếng đồng hồ. Thân dưới súng bao gồm hộp tiếp đạn, cơ cấu cò và tay cầm.

Quan trọng hơn, đây là nơi các nhà sản xuất chính thống in mã số sản phẩm để quản lý theo luật Mỹ. Vì vậy, súng được “in” bằng Ghost Gunner sẽ hoàn toàn là một khẩu súng “ma”, nằm ngoài sự kiểm soát của nhà chức trách. Defense Distributed còn quảng cáo bán kèm vật liệu sản xuất như nhựa và hợp kim, đồng thời người mua máy có thể tải các bản hướng dẫn chi tiết từ website của họ.

Vào tháng 5.2013, chính Defense Distributed đã tung ra khẩu súng in 3D bắn được đầu tiên trên thế giới mang tên Liberator. Có hình dạng còn khá thô sơ với các bộ phận được in bằng nhựa ABS, Liberator có thể bắn từng phát một với độ chính xác trung bình.

 

Liberator  - khẩu súng in 3D bắn được đầu tiên trên thế giới - Ảnh: Defense Distributed
Liberator  – khẩu súng in 3D bắn được đầu tiên trên thế giới - Ảnh: Defense Distributed

 

Bên cạnh đó, chuyên trang 3dprint.com hồi tuần trước đưa tin Công ty Solid Concepts, có trụ sở tại bang California, đã gây một “cơn ác mộng” khác cho giới hữu trách là khẩu súng lục mang tên Reason được in hoàn toàn bằng kim loại và có hình dáng y hệt khẩu M1911 kinh điển của Mỹ, thậm chí nòng cũng có rãnh xoắn để giúp đạn xoáy. Trong một cuộc thử nghiệm, Reason nhả 50 phát đạn và có vài lần bắn trúng hồng tâm cách khoảng hơn 27 m. Tuy nhiên, loại súng này được sản xuất bằng máy in 3D tiêu chuẩn công nghiệp nên chi phí rất cao, lên tới gần 12.000 USD/khẩu. 

Hiểm họa khó lường

Sự phát triển quá nhanh của súng in 3D đang tạo ra nguy cơ lớn cho nước Mỹ, vốn thường xảy ra các vụ xả súng kinh hoàng. Chuyên trang The National Interest dẫn lời các chuyên gia cảnh báo các loại vũ khí có thể được sản xuất tại gia dễ dàng sẽ khiến chính quyền các nước phải xem lại toàn bộ các quy định và luật lệ kiểm soát vũ khí trong khi cuộc tranh cãi gay gắt hiện nay ở Mỹ về siết chặt luật sở hữu súng cá nhân sẽ trở nên vô nghĩa vì nó chỉ xoay quanh vũ khí truyền thống.  

 

Khẩu Reason do Công ty Solid Concepts chế tạo - Ảnh: 3dprint.com
Khẩu Reason do Công ty Solid Concepts chế tạo - Ảnh: 3dprint.com

 

Một ví dụ điển hình cho sự bất lực của nhà chức trách đối với súng 3D là sau khi Defense Distributed tung khẩu Liberator hồi năm ngoái, chính quyền Washington đã yêu cầu tổ chức này gỡ bỏ các bản thiết kế và hướng dẫn chế tạo khỏi internet nhưng chúng đã kịp phát tán đi khắp thế giới và đến nay vẫn còn tồn tại trong hàng trăm diễn đàn, website về vũ khí với hàng trăm ngàn lượt tải về.

Hiện giới hữu trách chỉ có thể xử lý từng trường hợp cụ thể. Đơn cử như tòa án Yokohama, Nhật Bản ngày 20.10 đã tuyên phạt 2 năm tù giam đối với Yoshitomo Imura vì hành vi dùng máy in 3D chế tạo 2 khẩu súng bắn được và còn đưa đoạn băng quay toàn bộ quá trình lên mạng. Theo AFP, Imura, 28 tuổi, bị kết tội chế tạo, tàng trữ và phát tán vũ khí nguy hiểm. 

 

Defense Distributed do cựu sinh viên Đại học Texas Cody Wilson thành lập vào tháng 7.2012. Theo trang Wired, Wilson tự nhận mình là người theo chủ nghĩa vô chính phủ và muốn “giúp tất cả mọi người đều có thể thực thi quyền sở hữu vũ khí theo hiến pháp Mỹ”. Mục tiêu tiếp theo của người này là tạo ra công nghệ có thể sản xuất súng lục tại gia với chi phí tối đa 1.000 USD. Vì thế mà hồi năm 2012, Wired đã liệt Wilson vào danh sách 15 nhân vật nguy hiểm nhất thế giới.

 

 

 

Thụy Miên