Đời rác
Nén tiếng thở dài về cuộc đời làm rác của mình, bà Huỳnh Nga (48 tuổi) vẫn hồn nhiên sống, hồn nhiên yêu trong ngôi nhà vỏn vẹn 3m2.
Đời rác
Nén tiếng thở dài về cuộc đời làm rác của mình, bà Huỳnh Nga (48 tuổi) vẫn hồn nhiên sống, hồn nhiên yêu trong ngôi nhà vỏn vẹn 3m2.
Bà Nga đi thu gom rác đến tận nửa đêm mới trở về nhà – Ảnh: Phan Phan |
Trời sẩm tối, mưa nặng hạt. Trên con đường Trần Bình Trọng (Q.5, TP.HCM), bà Nga một mình lầm lũi gom từng đống rác.
“Sài Gòn ít có mưa, mà mưa thì mần ba cái rác này cực lắm. Rác thì lầy lội, áo mưa mặc vô cũng hầm rít. Mưa thấm xuống xe rác chở nặng đi không nổi luôn. Không gì sướng bằng tháng nắng, dù cực nhưng mình phẻ (khỏe)” – bà Nga vừa nói vừa lấy hết sức kéo xe rác ra khỏi con hẻm nhỏ, tỉ mẩn móc lên chiếc xe máy nát tươm rồi đi hút vào con đường dài phía trước…
Đời “rác”
Khi cô bé Nga mới 10 tuổi, người cha đi làm mộc xa nhà bị sốt rét và mất. Cô bé bắt đầu lăn lộn trên bãi rác hôi thối nhặt rác kiếm sống. Sáng mở mắt là rác, tối trải bạt nằm ngủ trên rác. Người mẹ bệnh rồi mất cũng từ căn lều lụp xụp bên bãi rác. Lúc ấy, bà Nga chỉ còn người thân duy nhất là đứa em trai, cúi mặt vào rác làm nguồn kiếm sống.
Cuộc đời gắn với rác. Số phận cũng run rủi và bất hạnh như rác. Người chồng đầu tiên của bà chịu cảnh khổ không nổi, cắn đắn vợ con rồi bỏ đi. Bà không một lời trách móc, gói ghém yêu thương cho hai người con từ bô rác. Hạnh phúc nhỏ nhoi tìm đến với bà vào năm 1982.
Bà Nga kết duyên mới với một người đàn ông thu gom giấy vụn và chuẩn bị có thêm với nhau một mặt con. Nhưng tia sáng vừa lóe lên đã đóng sập ngay trước mắt.
Đó là những ngày giáp Tết Nguyên đán, bà Nga khi ấy đang bụng mang dạ chửa vẫn cố đi làm. Nhớ lại chuyện cũ, bà nắm chặt hai tay, kể: “Người ta kêu bỏ cái ghế đá vỡ vào thùng rác chở đi. Mình nghèo quá nên ham, mong kiếm ít tiền xài tết. Rinh nặng quá đè lên người, tuột cái thai. Cái thai đã được 8 tháng 12 ngày tuổi rồi”.
“Cả xóm hùn tiền lại cứu bả, không thì chết queo cả con lẫn mẹ rồi. Hai mươi mấy tết mà nhà để tang, khóc quá trời. Mới khỏe lại, bả lại ra mần rác như thường” – ông Lê Cao Trí, hàng xóm, nhớ lại.
Vẫn cười nói, vẫn nhặt rác, ai biết đâu suốt mấy chục năm trời bà Nga giấu nước mắt, đẩy xe rác từng chút một về phía trước. Một mình bà nuôi hai con đến ngày dựng vợ gả chồng, có cháu nội cháu ngoại đề huề. Thế nhưng bất hạnh chẳng buông tha…
Tám năm trước, người em trai sa vào ma túy và nhiễm HIV. Bà Nga quày quả lên công an phường trình báo, rồi xin đưa đi cai nghiện. Đó là chuỗi những tháng ngày bà ra vào trại hết nước mắt khuyên nhủ em trở lại làm người tốt. Ba năm sau, em bà hoàn lương.
Ông Tăng Minh (tổ trưởng tổ 56, khu phố 6, P.9, Q.5) cho biết thêm: “Thằng Đạt, con trai bà Nga, túng quẫn vì không có tiền đóng tiền học cho con, nghe lời người ta canh sòng bài, bị bắt giam ở quận 10 từ đầu năm tới giờ. Giờ bả còn lo cho con dâu với hai đứa cháu nội, đứa học, đứa nghỉ. Người con gái bị chồng đánh đập, bả cũng phải vun vén. Cả đời bả không hết khổ!”.
Nhắc mấy chuyện đau buồn, con cái tủi cực, nước mắt bà chực trào, ngồi thu mình trong góc. Căn nhà nhỏ xíu ngột ngạt, lại càng nhỏ hơn…
Ngôi nhà… bảy gang tay
Tạm gọi nơi bà đang ở là… nhà. Bởi lẽ nó quá nhỏ, như một hộp diêm nằm nép mình trên đường Nguyễn Duy Dương, phía bên kia chợ An Đông (Q.5). Ngồi hồi lâu, đo đi đo lại căn phòng dài rộng vừa đúng bảy gang tay, tính ra chỉ vỏn vẹn 3m2. Đất người ta cho, nhà do một tay bà Nga dựng lên. Bà lượm cây về chèo chống, mua ximăng đắp lên, đường dây điện tự nối. Cầu thang cũng lượm được dưới chân cầu. Sơn thì mỗi năm phết một ít thành ra loang lổ. Mấy năm trời rồi cũng nên hình hài cái nhà, dù có chỗ cong vòng, chỗ lồi lõm.
Có lần, mấy khách du lịch nước ngoài ngó nghiêng vô nhà bà Nga ra điều lạ lắm. Người phiên dịch nói: “Họ bảo sao nhà nhỏ vậy mà ở được, sắp đồ hay vậy?”.
Bà Nga cười nói: “Không có chỗ nằm thì đóng bít lại kê lên, tối mình nằm đây thọt hai cái giò vô kệ vừa đủ mình, có một khúm nhỏ nữa cũng phải ở thôi”. Rồi cái tên “chuồng cu” được người dân xung quanh đặt cho và quen miệng gọi đến tận bây giờ.
“Hồi đó làm bằng ván không à, chuột nó lôi đồ, tối ngủ dậy là phải quét, không quét là hôi lắm. Ở phía dưới là cái ống cống toàn mấy con rết, hỏi mấy ông thợ hồ họ bảo xây từng miếng, cho có cái đường lót miếng sắt qua, rồi lót miếng gạch lên là có chỗ nằm” – bà kể.
Nhà nhỏ nhưng gọn gàng. Có thêm một gác nhỏ phía trên cũng bằng ấy diện tích, dành để thờ cúng. Góc tường là kệ thuốc – thứ bà quý lắm: “Người ta cho cái tủ cũ nhưng quẹt qua quẹt lại sơn là thành mới, đựng thuốc nhức đầu, thuốc xức khi đứt tay phòng hờ. Cũ của người ta nhưng quý với mình”.
Sát bên nhà bà là “cái chuồng cu” thứ hai, nơi người con dâu và hai đứa cháu ở. Hai đứa trẻ gầy gò, đen nhẻm suốt ngày ở trong căn gác nhỏ xíu, ọp ẹp, để quạt cả ngày cho bớt hơi nóng và mùi ẩm mốc. Mẹ chúng đi làm thuê cả ngày, bà Nga cũng đi làm rác. Chúng quanh quẩn chơi với nhau, chỉ khi có người lớn bồng xuống dưới mới được hít thở khí trời.
Đứa chị tên Kim Thị Huỳnh Loan (theo họ mẹ) 7 tuổi vừa học vừa thay mẹ chăm sóc đứa em trai tên Kim Huỳnh Tấn Đạt mới 2 tuổi. Dưới ánh sáng lay lắt, Huỳnh Loan rơm rớm nước mắt vừa đút cháo cho đứa em vừa nói đứt quãng: “Tụi con chờ ba đi tù về giúp mẹ và bà nội đỡ khổ, bé Đạt được đi học…”.
“Đi mần rác, mấy anh em trong nghiệp đoàn bảo: Sao tui ít thấy bà buồn? Con người ta có số hết rồi, mình phải vui vẻ lên cho cuộc sống có phấn khởi, chứ mình buồn u sầu hoài đâm ra bệnh mà nó không có đi tới đâu. Nói chuyện này chuyện kia tíu tít, người ta nghe thấy khoái là mình thấy khỏe hơn” – bà đứng trên xe rác lấy chân đạp nén rác, nói vọng xuống, cười vang một góc đường.
Thế ngoài ngôi nhà này, bà có tài sản gì đáng giá? Bà cười, đáp gọn lỏn: Lòng tốt! “Cái chuồng cu” của bà chẳng khi nào đóng cửa. Buổi sáng, mấy người chạy xe ôm có thể vào ngả giấc bất cứ lúc nào, khi bà đang đi thu gom rác ở những con phố xa. Mới đầu giờ chiều, mấy đứa trẻ bán vé số đã tíu tít trước cửa nhà. Chúng đợi bà Nga mang mấy món đồ chơi cũ về như đã hứa.
Rồi hàng xóm qua lại nay được bà cho cái áo cũ, mai là cái quạt kêu sột soạt nhưng vẫn quay được. Bà bảo mấy thứ cho đi đã thoát khỏi tên “rác” để thành một thứ “quà tình, quà nghĩa” có giá trị.
Thiệt thòi đủ đường Theo kết quả khảo sát của Tổ chức Hành động vì môi trường và phát triển (Enda Việt Nam), trên địa bàn TP.HCM có hơn 4.000 người thu gom rác dân lập. Hầu hết là những người nhập cư (60%), có thu nhập thấp. Lực lượng này thu gom khoảng 60% rác sinh hoạt với 2.141 tổ thu gom trên địa bàn 24 quận huyện. Những người làm nghề thu gom rác sẽ đối mặt với nhiều loại bệnh nguy hiểm liên quan đến hô hấp và tiêu hóa. Bên cạnh đó, một số còn đối mặt với các bệnh nguy hiểm như HIV/AIDS và các bệnh truyền nhiễm khác nếu tiếp xúc với những vật dụng lây bệnh như kim tiêm, ống chích… “Họ đa số là người nhập cư, dễ bị co cụm, làm việc trong môi trường độc hại, không có thời gian nghỉ ngơi, tiềm ẩn nhiều rủi ro cao cho sức khỏe của mình, nên hơn ai hết đây là đối tượng cần được tiếp cận với các hệ thống an sinh xã hội. Nhưng theo khảo sát, tỉ lệ tham gia bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế của người thu gom rác chỉ lần lượt là 5,1% và 16,7%” – bà Nguyễn Thị Sinh, cán bộ dự án của Enda, cho biết. |