11 năm bán rau trên mạng
Năm 2003, xã Quỳnh Lương, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) lập website quảng bá rau sạch trên mạng Internet.
11 năm bán rau trên mạng
Năm 2003, xã Quỳnh Lương, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) lập website quảng bá rau sạch trên mạng Internet.
Tổ đổi công tuyển chọn hành hoa nhập cho đại lý – Ảnh: Vũ Toàn |
Năm đó, rau sạch ở xã này đã cho thu nhập 50 triệu đồng/ha. Đến nay, vẫn website ấy nhưng thu nhập từ rau sạch lên tới mức bình quân 270 triệu đồng/ha, thậm chí có những hộ đạt 400 triệu đồng/ha.
Vừa bước vào đường làng trong xã Quỳnh Lương đã nghe thơm thoảng mùi hành hoa từ những ô vườn rộng bao quanh những ngôi nhà cấp bốn. Vườn này nối tiếp vườn kia tạo thành một làng ngợp rau xanh.
Nhà nhà trồng rau
“Làm ra đồng tiền giữa đồng cát pha chỉ cách biển 1,6km là vất vả lắm, nói chi chuyện làm giàu, nhưng dân Quỳnh Lương cần cù, chịu khó nên cây rau mới xuất hiện được trên mạng và bán đi khắp nơi hơn 10 năm nay” |
Ông HỒ LÂM THÔNG |
Thi thoảng, những trai gái của làng chở hành bằng hai sọt treo sau xe máy, xe kéo bốn bánh từ ngoài đồng về. Ông Hồ Lâm Thông (chủ nhiệm HTX Phú Lương kiêm xóm trưởng xóm 3) cho biết người dân tám xóm của xã đưa hành từ ngoài đồng về nhập cho các đại lý để tối chở vào Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Huế và chở ra Thanh Hoá, Hà Nội, Hải Phòng bán. Tôi dừng lại chụp ảnh những vườn hành đang xanh dưới nắng chiều. Hiện lên giữa vườn là những vòi phun nước vừa ngừng một đợt tưới như mưa rây.
Ông Tùng nói: “Toàn xã có hơn 2.500 giếng khoan, 2.000 giếng đào để phục vụ tưới như thế này và 10km mương dọc ngang cánh đồng để tiêu úng mùa mưa lũ. Kinh phí tiền điện của xã (chủ yếu phục vụ tưới nước cho rau) năm nay tốn hết 4 tỉ đồng”.
Đi qua xóm 4, vòng qua xóm 5, xóm 6, xóm 7, ông Thông đưa tôi ra cánh đồng rau sạch của xã Quỳnh Lương. Cánh đồng nối liền một màu rau xanh tít tắp.
Ông Thông nói: “Thời điểm này đang chính vụ nên ngày nào vườn, đồng cũng rộn rịp bước chân bà con nông dân. Cánh đồng này mùa nào rau ấy. Từ cà chua, súp lơ, cải thảo, dưa hấu, dưa lê, cải bắp, su hào, mướp đắng… đa chủng loại, loại nào cũng bán chạy”.
Cuối cánh đồng, một tốp phụ nữ đang ngồi vừa chọn hành vừa râm ran trò chuyện trong cái chòi bạt dựng bên bờ ruộng.
Thấy tôi đến hỏi chuyện, các chị cười nói vui vẻ nhưng không giấu giếm nỗi vất vả: “Làm hành không dễ hái ra tiền đâu chú ơi. Mùa nắng nóng như nung nhưng phải đội nắng tưới liên tục để giữ độ ẩm cho đất cát pha. Chúng tôi vừa là tổ sản xuất vừa là tổ đổi công. Khi ngừng sản xuất thì đổi công cho nhau đi thu hoạch. Kíp một từ 17g-20g lo tuyển hàng rồi chở về làng nhập đại lý để họ kịp đi bán trong đêm. Từ 2g-3g hôm sau là kíp thứ hai ra đồng để đến sáng xe có hàng chở đi bán”.
Cách chòi này không xa, một tổ đổi công khác đang nhổ hành, rũ sạch đất bám rễ từng bó hành trong mương nước giữa vạt ruộng. Rời hai tổ đổi công, chúng tôi theo tốp người đang chở hành về các đại lý. Bên những ngõ làng, từng loại xe tải lớn bé đã mở sẵn thùng để chuẩn bị xếp hành lên. Cả xã có trên 30 xe chở rau đi bán, chưa kể xe thuê đột xuất.
Không cho đất nghỉ
Mạnh dạn bỏ lúa trồng rau Do đất cát pha ở vùng bãi ngang Quỳnh Lương gieo một sào lúa chỉ được 2,5 tạ, trị giá 1,5 triệu đồng, trong khi đó một sào hành thu hoạch 1 tấn, giá bình quân 6.000 đồng/kg cho 6 triệu đồng. Nếu một năm quay vòng bốn vụ thì có 24 triệu đồng/sào. Đây là lý do để từ năm 2000, nông dân trăn trở rồi mạnh dạn bỏ hẳn cây lúa, chuyển sang trồng ngô và rau. Nhưng cây ngô vẫn không hiệu quả bằng cây rau nên bỏ luôn ngô, chuyển hẳn trồng rau. “Năm 2003, nghề trồng rau thắng lớn là cơ hội để xã mời cán bộ Sở Khoa học – công nghệ thẩm định chất lượng lần cuối rồi nhờ giúp lập website để quảng bá rau sạch của Quỳnh Lương. “Binh chủng” rau Quỳnh Lương đã giúp xã thu ngân sách mỗi năm đạt 130 triệu đồng, giảm hộ nghèo còn 3,9%. Kết quả này góp phần giúp Quỳnh Lương đạt tiêu chuẩn xã nông thôn mới đầu tiên của huyện Quỳnh Lưu” – ông Nguyễn Văn Tuệ nói. |
Xã Quỳnh Lương có tám xóm thì cả tám chuyên nghề trồng rau. Trong hơn 3.000 lao động của tám xóm có tới 80% là “thợ” trồng rau.
Ông Thông là bệnh binh nhưng cùng với vợ chuyên canh sáu sào đất vườn, năm nào cũng đạt bình quân 70-80 triệu đồng. Ông tính cùng mức thu nhập này nếu sản xuất trên 1ha sẽ thu hoạch hơn 200 triệu đồng/năm.
Ông Hồ Chí Tùng, bí thư Đảng ủy xã Quỳnh Lương, cho hay ông cùng vợ và hai con làm tám sào hành hoa, mướp đắng, cải ngọt, thu nhập không dưới 100 triệu đồng/năm. Chuyện trồng rau của ông bí thư đảng ủy xã khiến tôi ngạc nhiên, bởi thời gian nào để ông cùng vợ con chăm chút vườn rau.
Ông giải thích: “Sáng dậy tôi tưới rau xong là kịp giờ đến công sở. Chiều hết giờ về tưới rau tiếp. Tám sào rau của nhà tôi quay vòng ít nhất ba vụ mỗi năm. Do ít lao động nên khi thu hoạch chỉ cần gọi điện thoại là thương lái đánh xe đến tận vườn mua”.
Hầu hết cán bộ xã ở đây làm nghề trồng rau. Ông Nguyễn Văn Tuệ – phó chủ tịch UBND xã, từng có nhiều năm làm phó chủ nhiệm HTX trồng rau Phú Lương – nói: “Hơn 10 năm nay dân Quỳnh Lương không cho đất ngừng, đất nghỉ. Sáng thu hoạch, chiều cày xới đất làm vụ liền kề. Tùy thuộc từng thời vụ để bố trí loại cây trồng hợp lý”.
Mỗi vụ hành hoa trồng trong vòng 40-45 ngày là thu hoạch. Cà chua (giống lai) 90-130 ngày. Các loại rau “thập tự” (rau các loại gồm cải ngọt, súp lơ, cải thảo…) 20-45 ngày. Trên một thửa đất, nếu thu hoạch xong có thể trồng nhiều loại rau. Hệ số quay vòng nhiều vụ/năm tùy từng loại rau.
“Xã có 240ha đất nông nghiệp, trong đó 200ha chuyên canh rau, không một cây lúa nên Quỳnh Lương mới có tên gọi riêng là xã rau sạch” – ông Tuệ nói.
Nông dân Quỳnh Lương còn tổ chức dịch vụ tiếp thị, tìm kiếm thị trường và chuyên chở tận nhà hàng, khách sạn, siêu thị. Nơi tiêu thụ lớn nhất là Metro Hà Nội, Đà Nẵng và chợ Vinh.
Hiện Quỳnh Lương trở thành trung tâm sản xuất cây giống cho cả tỉnh. Các xã lân cận đang học làm rau kiểu Quỳnh Lương. Một số huyện của tỉnh Hà Tĩnh cũng vậy.