16/01/2025

“Quả táo cắn dở” của Mỹ và trái cây Việt

Đặt “quả táo cắn dở” của Mỹ bên cạnh trái cây Việt là một so sánh khập khiễng, một bên là giá trị của công nghệ cao, hàm lượng chất xám và đại diện của “kinh tế tri thức”, còn một bên là hoa lợi của tự nhiên, sức lao động phổ thông. Nhưng cũng rất đáng để suy ngẫm!

 

“Quả táo cắn dở” của Mỹ và trái cây Việt

Mới xuất hiện trên thị trường vài ngày qua nhưng iPhone 6 và iPhone 6 Plus đã tạo ra cơn sốt trên khắp các châu lục. 

Thu hoạch dâu bòn bon ở ĐBSCL  - Ảnh: C.Quốc

Có thể hiện tượng này rồi sẽ bão hoà như trường hợp iPhone 5 được tung ra thị trường cách đây hai năm. Nhưng chỉ cần thế, Apple và những người kinh doanh chính thức hoặc ăn theo trong chuỗi giá trị của “quả táo cắn dở” này đã kiếm được không ít.

Tất nhiên, đặt “quả táo cắn dở” của Mỹ bên cạnh trái cây Việt là một so sánh khập khiễng, một bên là giá trị của công nghệ cao, hàm lượng chất xám và đại diện của “kinh tế tri thức”, còn một bên là hoa lợi của tự nhiên, sức lao động phổ thông. Nhưng cũng rất đáng để suy ngẫm!

Theo số liệu thống kê, điện thoại và các loại linh kiện thuộc mặt hàng hạn chế nhập khẩu vào nước ta, nhưng trong năm 2013 cũng đã ngốn hơn 8 tỉ USD. Trong khi đó, các nhà vườn, nông dân phải còng lưng làm ra lượng rau quả xuất khẩu dù đạt giá trị kim ngạch kỷ lục hơn 1 tỉ USD cũng chỉ bằng khoảng 1/8 giá trị số ngoại tệ phải chi cho nhập khẩu các loại “máy alô” này.

ĐBSCL không chỉ là vựa lúa gạo, trái cây, thủy sản, quyết định kim ngạch xuất khẩu nông sản của cả nước, mà còn là nơi đảm bảo “sức khỏe” cho nền nông nghiệp Việt Nam.

Trong khi cả nước luôn nhập siêu thời gian dài thì gần 30 năm qua, ĐBSCL liên tục xuất siêu nhờ sự đóng góp từ các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực.

Có thể nói vùng đất này cho nhiều hơn nhận. Nhưng nghịch lý là tác giả của sự hào phóng đó – nông dân ĐBSCL – đang chịu không ít thiệt thòi. ĐBSCL vẫn là “vùng trũng” về y tế, giáo dục, thấp kém về hạ tầng giao thông.

Những sản phẩm chủ lực của vùng vẫn phát triển trong thế “bị đe dọa”: “hạt gạo cắn chia tám phần”, “con cá tra chặt nhiều khúc”, “cây mía chặt làm nhiều lóng”, “trái dừa bị bửa ra nhiều miếng”, nhiều mặt hàng trái cây làm ra tiêu thụ bấp bênh, phần thua thiệt vẫn thuộc về nông dân.

Câu chuyện “quả táo cắn dở” và trái cây Việt được nêu ra không phải là sự đố kỵ trước thành công của một tập đoàn Mỹ hay sự tự ti về nền nông nghiệp Việt Nam.

Nhưng sự khác biệt quá lớn của nó cần được các nhà hoạch định chính sách, các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong nước và cả người nông dân ĐBSCL – vốn đã tham gia vào chuỗi sản xuất hàng hóa toàn cầu nghiêm túc suy ngẫm.

Thông tin Bộ Nông nghiệp Mỹ cho phép trái vải, nhãn Việt Nam được tiếp bước thanh long và chôm chôm xuất khẩu sang nước này là một tin vui, nhưng để khơi thông thị trường còn phải làm nhiều.

Làm sao để đưa càng nhiều chất xám vào trái cây hơn là chất bảo quản để nâng cao chất lượng giá trị những mặt hàng nông sản đang là đòi hỏi thật sự. Làm sao để nông dân ĐBSCL có thể kiếm sống và làm giàu bằng nghề nông trước nhiều thách thức?

Lời giải cho bài toán này cần có sự tiếp cận đa ngành, cần quy mô sản xuất lớn hơn, cần tích tụ ruộng đất nhiều hơn để thích nghi với phương thức sản xuất chuyên nghiệp hơn, để trái cây Việt dẫu không sánh được bằng “quả táo cắn dở” của Mỹ, cũng cần được “chuyển đổi căn bản” bằng tư duy làm ra kinh doanh bằng chất xám nhiều hơn là lợi thế tự nhiên.

Trái cây Việt, nếu không tạo được hiện tượng như “quả táo cắn dở” của Mỹ thì ít ra cũng tạo được niềm tin cho khách hàng và nhiều giá trị hơn nữa cho nông dân Việt Nam.