Ngã rẽ nào cho Việt Nam?
Kể từ cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, VN đã có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao với lợi ích bao trùm. GDP bình quân đầu người tăng 3,5 lần trong giai đoạn 1991 – 2012 – chỉ sau Trung Quốc. Tuy nhiên, kể từ 2008, tăng trưởng GDP đã đi theo một quỹ đạo thấp hơn. Qua đó đã nảy sinh một số câu hỏi về mức độ bền vững của tăng trưởng và liệu VN có thể khôi phục mức tăng GDP bình quân đầu người 7 – 8% hay không.
Ngã rẽ nào cho Việt Nam?
Sau 25 năm tăng tốc, VN đang đứng trước một ngã rẽ quan trọng.
|
Kể từ cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, VN đã có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao với lợi ích bao trùm. GDP bình quân đầu người tăng 3,5 lần trong giai đoạn 1991 – 2012 – chỉ sau Trung Quốc (TQ). Cùng với tốc độ tăng trưởng, phân bố tăng trưởng cũng là một thành tích rất đáng ghi nhận: phần thu nhập quốc gia dành cho nhóm 40% dân nghèo nhất hầu như không thay đổi kể từ đầu thập niên 1990 tới nay, điều này đảm bảo rằng tăng trưởng kinh tế được phân phối cho mọi tầng lớp và giảm nghèo một cách đáng kể.
|
Tuy nhiên, kể từ 2008, tăng trưởng GDP đã đi theo một quỹ đạo thấp hơn. Qua đó đã nảy sinh một số câu hỏi về mức độ bền vững của tăng trưởng và liệu VN có thể khôi phục mức tăng GDP bình quân đầu người 7 – 8% hay không. Các nhà phân tích quan ngại về xu thế giảm tăng trưởng năng suất nhân tố tổng hợp và mức độ phụ thuộc ngày càng nhiều vào tích tụ vốn. Thêm vào đó, các nhà đầu tư tư nhân cũng thường xuyên nêu các vấn đề liên quan đến năng lực cạnh tranh như kỹ năng ngày càng thiếu, khó tiếp cận vốn, chi phí thương mại và kho vận tương đối cao, độc quyền của các doanh nghiệp nhà nước và bộ máy hành chính cồng kềnh gây cản trở hoạt động của doanh nghiệp.
Hình như sau 25 năm tăng tốc – là giai đoạn VN hiện nay – một số nền kinh tế như Hàn Quốc, Đài Loan và TQ đã bứt phá, bỏ xa các nước còn lại. Vì vậy VN đang đứng trước một ngã rẽ quan trọng. Nếu đạt mức tăng trưởng GDP cao khoảng 9%/năm, thì VN có thể hoàn toàn đặt mục tiêu trở thành một nước công nghiệp hoá trong một thế hệ – với mức thu nhập tương đương Hàn Quốc hiện nay. Ngược lại, nếu tiếp tục tăng trưởng với tốc độ khoảng trên 5%/năm như những năm gần đây, thì mức thu nhập bình quân sẽ chỉ nhỉnh hơn mức hiện nay của Thái Lan, Brazil hoặc Ai Cập.
VN có thể tham khảo các bài học kinh nghiệm quý báu của các nước thành công trong khu vực để áp dụng vào chính sách tương lai của mình. Ví dụ trong thập niên 1980 Hàn Quốc đã mạnh dạn cắt giảm mức độ can thiệp của nhà nước, tự do hóa chính sách quản lý nhập khẩu và đầu tư nước ngoài nhằm tăng cường cạnh tranh. Chính phủ cũng đầu tư nhiều vào hạ tầng cơ sở và cơ giới hoá nông nghiệp nhằm điều chỉnh mất cân đối giữa nông thôn và thành thị. Tương tự, TQ cũng thực hiện hàng loạt biện pháp cải cách ngân hàng và cho phép sự phát triển một khu vực kinh tế tư nhân chính thức từ đầu những năm 2000.
Đầu tư phát triển nguồn vốn con người
Vậy VN đang đứng trước những lựa chọn chính sách nào? Hiển nhiên là cần loại bỏ rào cản đối với khu vực kinh tế tư nhân như đã nêu trên. Cần tìm giải pháp cho các vấn đề liên quan đến doanh nghiệp nhà nước vốn tồn tại từ lâu và vấn đề tái cơ cấu ngành ngân hàng. Muốn thành công như các quốc gia láng giềng khác trong khu vực Đông Á thì VN cần tăng giá trị gia tăng và chất lượng của sản phẩm xuất khẩu – là lĩnh vực VN còn đi sau. Cũng như các quốc gia thành công khác, nguồn tài nguyên chính của VN là con người. Vì vậy, điều kiện tiên quyết để tăng trưởng dài hạn là đầu tư phát triển nguồn vốn con người. Cuối cùng, một bài học quý giá nữa từ các tấm gương thành công là tăng cường quản lý đô thị, xây dựng đô thị cho tương lai, hiện đại hóa nông nghiệp và làm cho khu vực này hướng tới kinh tế tư nhân nhiều hơn nữa.
Những vấn đề này và các giải pháp chính sách để giải quyết chúng sẽ là một phần trong một nghiên cứu chung giữa Chính phủ VN và Ngân hàng Thế giới, nhằm tìm cách để VN có thể đạt được mục tiêu dài hạn của mình là một nền kinh tế công nghiệp hóa hiện đại, có khả năng chịu đựng tốt và có tính bao trùm cao.
Axel Van Trotsenburg (Phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới, phụ trách châu Á – Thái Bình Dương)