13/01/2025

Vào lớp chọn làm gì khi con tôi thiếu ngủ?

“Nhiều khi tôi chẳng biết cho con vào học lớp chọn để làm gì khi mỗi ngày con phải đối mặt với khối lượng bài tập quá sức một đứa trẻ. Xin hãy cho tôi lời khuyên”.

 

Vào lớp chọn làm gì khi con tôi thiếu ngủ?

“Nhiều khi tôi chẳng biết cho con vào học lớp chọn để làm gì khi mỗi ngày con phải đối mặt với khối lượng bài tập quá sức một đứa trẻ. Xin hãy cho tôi lời khuyên”.

Tranh minh họa.

Tuổi Trẻ ngày 17-9 có đăng câu chuyện “Ác mộng lớp chọn” của tác giả Kim Thoa với tâm sự: 

“Nhiều khi tôi chẳng biết cho con vào học lớp chọn để làm gì khi mỗi ngày con phải đối mặt với khối lượng bài tập quá sức một đứa trẻ, đến nỗi con không có được giấc ngủ ngon trọn vẹn… Xin hãy cho tôi lời khuyên”.

Nhiều bạn đọc đã cùng chia sẻ với tác giả Kim Thoa.

* Đừng hỏi ai, hãy hỏi chính mình

Chính bạn đã nói lên điều tất yếu rồi đó: bạn chọn lớp cho cháu chứ không phải cháu muốn như vậy.

Lớp chọn để làm gì khi sức khỏe về thể chất lẫn tinh thần cháu ngày càng sa sút? Lớp chọn để làm gì hay chỉ để thỏa mãn cái tính “khoe khoang” của cha mẹ? Lớp chọn để làm gì khi trước mắt có thể là…bệnh viện tâm thần (xin lỗi, chuyện này vẫn xảy ra đó bạn).

Chính bạn đã biết tại sao con mình như vậy, chính bạn mới là người “cứu vãn tình thế”. Đừng hỏi ai, hãy hỏi chính mình. Mong bạn biết câu trả lời (mà tôi nghĩ bạn đã biết rồi).

TRƯƠNG VĂN THUẬN

* Phòng giáo dục cần lắng nghe phụ huynh

Các phòng giáo dục cần lắng nghe ý kiến của phụ huynh và có sự chỉ đạo kịp thời xuống hiệu trưởng các trường tiểu học và có biện pháp kiểm tra đột xuất, đồng thời giáo viên phải từ bỏ cách dạy nhồi nhét quá sức của học sinh. Phụ huynh cần đóng góp qua điện thoại với hiệu trưởng và hiệu trưởng cần uốn nắn ngay giáo viên lớp đó để sửa đổi. Tuyệt đối bảo vệ tên phụ huynh đã góp ý và tốt hơn nữa không đặt ra lớp chọn.

CAO DUC THANH (giáo viên tại TP.HCM)

* Và tôi bắt đầu làm thế

Con tôi đang học lớp 4, tôi cũng cùng một tâm trạng như bạn. Nhà trường nói ngoài việc học giỏi trên lớp, học sinh được xếp nhất, nhì, ba cuối năm nhất định phải tham gia và đoạt giải học sinh giỏi hoặc thi Violympic.

Ngày học hai buổi chính khóa, tối học ở nhà cô. Thứ bảy, chủ nhật cũng học nâng cao… Mỗi ngày cứ xoay vòng ăn nhanh, ngủ nhanh, điều gì cũng nhanh.

Mẹ vừa đi làm vừa đưa đón con cũng phải tất bật vẫn không thể kịp. Nhiều hôm cho con ăn qua loa để kịp giờ ngủ, kịp giờ học, làm bài trên lớp, làm bài học thêm.

Kết quả mới sau một tháng cả con và mẹ đều ngã bệnh không vực dậy nổi, mất hết sinh lực.

Cách đây một tuần tôi quyết định chỉ cần con có kiến thức căn bản tốt của chương trình đang học, không nhất thiết chạy đua.

Tôi lo sợ một ngày nào đó không tìm lại được nét liến thoắng hồn nhiên của đứa con bé bỏng này nữa vì những áp lực mà bé phải gánh chịu.

GÀ CON

* Nên để cháu phát triển tự nhiên

Tôi rất hiểu tâm trạng của chị. Tôi có hai cháu (một cháu đang học lớp 9, một cháu học lớp 2) tại Hà Nội. Cháu lớn nhà tôi khi học tiểu học cũng giống y như mẹ con chị bây giờ. Lúc đó tôi chỉ biết làm theo cô và phấn đấu để duy trì kèm cặp cho con không bị đẩy ra khỏi lớp chọn.

Thời gian qua đi, giờ cháu thứ hai nhà tôi đang theo học lớp 2 và tôi đã tỉnh ngộ. Cháu không bị bất cứ một áp lực nào về học thêm và lớp chọn. Kết quả cho thấy đứa thứ hai vui tươi và chủ động hơn nhiều trong các hoạt động xã hội.

Kết quả học tập của cháu vẫn rất tốt tại các kỳ thi của trường, của quận. Qua đó cho thấy nhiều khi chính phụ huynh chúng ta vô thức đẩy con vào con đường đua “thành tích” hiện nay.

Mong chị sáng suốt cứ để cháu phát triển tự nhiên với sự hướng dẫn sát sao của bố mẹ thì với tố chất như vậy, cháu vẫn có thể đạt được kết quả tốt.