24/01/2025

Mở thêm đường sáng cho người mù

Chiếc gậy điện tử trợ giúp người mù do thầy trò Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM mày mò nghiên cứu nhiều tháng trời vừa chính thức chào đời.

 

Mở thêm đường sáng cho người mù

Chiếc gậy điện tử trợ giúp người mù do thầy trò Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM mày mò nghiên cứu nhiều tháng trời vừa chính thức chào đời.

Nhóm nghiên cứu hướng dẫn người mù sử dụng chiếc gậy điện tử - Ảnh: T.ĐẠT
Nhóm nghiên cứu hướng dẫn người mù sử dụng chiếc gậy điện tử – Ảnh: T.ĐẠT

Sau “mắt thần” giúp người mù phát hiện vật cản ở phần trên, chiếc gậy điện tử sẽ giúp người khiếm thị nhận biết để kịp tránh chướng ngại vật ở phần dưới.

Đây là đề tài tốt nghiệp của hai tân kỹ sư Thái Anh Tùng và Huỳnh Ngọc Tiến Đạt, chuyên ngành cơ điện tử, khoa đào tạo chất lượng cao ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM.

Bốn tháng làm đề tài đã mất gần ba tháng để các bạn tiếp cận, tìm hiểu đối tượng và cả một thời gian ngắn tập sống như người mù.

Hình dung thế này: chiếc gậy sẽ có hình dạng như chiếc xe đẩy với hai thanh song song, gắn môtơ, có hai “con mắt” quét qua lại để quan sát vật cản, di chuyển bằng bánh xe, chạy bằng pin có thể sạc như điện thoại di động.

Khi phát hiện vật cản, thiết bị sẽ báo cho người dùng biết bằng bộ phận rung ở phần tay cầm của gậy tùy theo bên trái hay bên phải tương ứng với phía phát hiện vật cản. Lúc đó người mù sẽ nhận ra vật cản để di chuyển qua phía an toàn.

Nói nghe đơn giản vậy chứ phải qua tới phiên bản thứ năm chiếc gậy mới nên hình nên dạng như hiện tại. Nhóm đã thử nghiệm nhiều thiết kế với các thiết bị, lý thuyết cảm biến khác nhau để cuối cùng chọn được mẫu thiết kế như hiện tại.

“Ban đầu gậy chỉ có một thanh và bánh xe cố định nhưng thiết kế này làm người mù khó điều khiển, việc nhận biết thiết bị rung cũng khó do chỉ cầm gậy một tay. Tụi mình chọn bánh xe xoay linh hoạt nên di chuyển trên địa hình gồ ghề đá sỏi hay lỗ hố đều tương đối dễ dàng. Việc cầm gậy hai tay cũng dễ nhận biết rung bên phải hay trái” – Tùng phân tích.

Để tính toán được chiều cao gậy hợp lý, nhóm đã phải đo bước chân của nhiều người khiếm thị, người bình thường rồi so sánh để chọn được kích thước tương ứng.

Hai thanh gậy được làm bằng chất liệu inox chống gỉ sét, chịu được va đập mạnh, thiết kế ống lồng trong ống giúp người dùng tùy chỉnh gậy dài ngắn phù hợp vóc dáng và giữ cố định gậy bằng nút khóa.

Tâm huyết với người khiếm thị

Cái tên TS Nguyễn Bá Hải một lần nữa xuất hiện trong sản phẩm thứ hai dành cho người mù. Nếu lần trước là chiếc “mắt thần” mà sau chín phiên bản thiết kế, từ thiết bị có hình dáng như chiếc mũ bảo hiểm đội trên đầu nặng đến mấy ký thì đến nay “mắt thần” chỉ còn là cặp mắt kính đeo vừa vặn trên mắt. Lần này gậy điện tử trợ giúp người khiếm thị đóng dấu ấn thầy Hải trong vai trò giáo viên hướng dẫn.

Ông Nguyễn Hữu Quí – giám đốc Công ty Kiến Bình Minh, đơn vị hợp tác sản xuất “mắt thần” của TS Nguyễn Bá Hải – từng nhận xét: “Tôi chưa gặp người trẻ nào tâm huyết và dành nhiều thời gian nghiên cứu, sáng tạo những sản phẩm trợ giúp người mù như thầy Hải. Điều này khiến tôi quyết định phải tìm cách hợp tác để làm sao nhiều người mù bớt nhọc nhằn hơn trong cuộc sống”.

Và Kiến Bình Minh sẽ tiếp tục hỗ trợ nhóm nghiên cứu để có thể hoàn thiện trước khi sản xuất, trình làng chiếc gậy điện tử cho người mù thời gian tới.