29/12/2024

Sốc phản vệ – nỗi ám ảnh của bệnh nhân

Theo BS Đinh Tấn Phương – Phó trưởng khoa Cấp cứu bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, thời gian gần đây có những trường hợp trẻ tử vong do sốc phản vệ bởi vắc xin hay thuốc gây mê trong quá trình phẫu thuật khiến người dân lo lắng.

Sốc phản vệ – nỗi ám ảnh của bệnh nhân

Từ đầu năm 2014 đến nay, khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM tiếp nhận 39 ca sốc phản vệ (2/3 sốc do thuốc và 1/3 do thức ăn).

Ảnh minh hoạ 

Phản ứng thái quá

Theo BS Đinh Tấn Phương – Phó trưởng khoa Cấp cứu bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, thời gian gần đây có những trường hợp trẻ tử vong do sốc phản vệ bởi vắc xin hay thuốc gây mê trong quá trình phẫu thuật khiến người dân lo lắng.

Khái niệm “sốc phản vệ” có thể gây sự khó hiểu, còn khái niệm “dị ứng” thì nhiều người dễ hình dung hơn. Sốc phản vệ không chỉ do thuốc mà còn do nhiều nguyên nhân khác bởi phản ứng đặc dị của cơ địa mỗi cơ thể.

Sốc phản vệ là một phản ứng của cơ thể đối với các dị nguyên tấn công vào cơ thể. Điều này là tốt khi có vật lạ có hại (như vi khuẩn hoặc virus). Nhưng hệ thống miễn dịch của một số người phản ứng thái quá với các chất không gây ra phản ứng dị ứng.

Thông thường, các triệu chứng dị ứng không đe doạ tính mạng, nhưng một số người có phản ứng dị ứng nặng có thể dẫn đến sốc phản vệ.

Các dị nguyên tấn công cơ thể có thể do dị ứng với thuốc, do ăn uống và tiếp xúc với vật thể lạ (thời tiết, tiêm chích, ong đốt…). Bản chất của sốc phản vệ là hiện tượng dị ứng rất nặng, là xung đột giữa kháng nguyên và kháng thể với sự giải phóng histamine có sẵn trong cơ thể để chống lại dị nguyên.

Triệu chứng sốc phản vệ thường xảy ra trong vòng vài phút tiếp xúc với dị nguyên. Đôi khi, sốc phản vệ có thể xảy ra nửa giờ hoặc lâu hơn sau khi tiếp xúc.

Các biểu hiện khi sốc phản vệ

Các biểu hiện ở thể nhẹ, người bệnh có cảm giác khác thường (bồn chồn, hốt hoảng, sợ hãi…), tiếp đó có các biểu hiện bên ngoài như mẩn ngứa, ban đỏ, nổi mề đay, sưng mắt, sưng môi, người phù nề… Mạch nhanh nhỏ khó bắt, huyết áp tụt có khi không đo được. Nặng hơn nữa là biểu hiện của trụy mạch: khó thở, nghẹt thở, đau quặn bụng, đau đầu, chóng mặt, đôi khi hôn mê hoặc choáng váng, vật vã, giãy giụa, co giật…

Đối với những sốc phản vệ mà không phát hiện và xử trí kịp thời sẽ rất nguy hiểm.

BS.CK II Nguyễn Minh Tiến – Trưởng khoa Hồi sức tích cực và chống độc bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM cho biết: “Mọi người đừng nghĩ rằng chỉ có thuốc chích mới gây sốc phản vệ. Có những loại thuốc uống mà chỉ cần trẻ ngửi phải cũng đủ gây ra sốc phản vệ, hoặc một số loại thức ăn cũng gây ra điều tương tự”.

BS Tiến cho biết, tại bệnh viện thỉnh thoảng cũng có những trường hợp sốc phản vệ do tiêm thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, trong bệnh viên luôn luôn có những hộp chống sốc mang theo mỗi lần điều trị cho bệnh nhân, và điều trị sốc phản vệ theo phác đồ điều trị của Bộ Y tế thì hầu như các em bé đều vượt qua được.

Bên cạnh đó, tùy theo cơ địa của mỗi người, không phải người nào cũng bị dị ứng với thức ăn hoặc thuốc. Và mức độ nghiêm trọng của sốc phản vệ giữa người và trẻ em hầu như không khác biệt gì. “Nếu sốc phản vệ không được điều trị ngay lập tức, có thể dẫn đến bất tỉnh hoặc thậm chí tử vong” – BS Tiến cho biết.

Xử trí khi xảy ra sốc phản vệ

BS Đinh Tấn Phương chia sẻ, ở nước ngoài có những đứa trẻ bị dị ứng với dòng họ đậu, đặc biệt là đậu phộng, nên bố mẹ luôn đeo trên cổ con mình lọ thuốc sốc phản vệ adrenaline – thuốc cơ bản để chống sốc phản vệ – cùng với thông báo đi kèm để bất kỳ ai cũng có thể chích, cứu kịp thời khi có sốc phản vệ xảy ra.

Đối với những trường hợp cần xử trí ngay tại chỗ trước khi đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế là ngưng ngay đường tiếp xúc với dị nguyên (thuốc đang dùng tiêm, uống, bôi, nhỏ mắt, mũi… hoặc thức ăn đang gây ra triệu chứng). Cho bệnh nhân nằm trong tư thế đầu bằng ngay tại chỗ. Với những trường hợp gây khó thở cần hồi sức tim phổi, hà hơi thổi ngạt, ấn tim…

Trong trường hợp biết rõ bản thân hoặc con trẻ bị dị ứng với loại thực phẩm hay thuốc gì thì nên mang theo trong người autoinjector. Thiết bị này là một ống tiêm kết hợp liều thuốc. Thông thường là 0,3ml adrenaline 1/1.000 có thể chích vào bắp hoặc dưới da, tuy nhiên tiêm dưới bắp sẽ cho kết quả tốt hơn.

Sau đó đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để có những thuốc kháng histamine như cordticoid khi lấy được đường truyền…

Cách xử trí ngay như vậy, tỷ lệ bệnh nhân được cứu sống sẽ rất cao. Vì vậy người thân có vai trò rất quan trọng trong việc cứu giúp người bệnh bằng việc hiểu rõ người nhà của mình thường dị ứng với thức ăn nào, loại thuốc nào.

Những xử trí không đúng của phụ huynh khi con xảy ra sốc phản vệ như bôi thuốc, các loại lá, các chất theo cách dân gian không những không tốt mà còn gây thêm nguy hiểm cho người bệnh, BS Tiến lưu ý.

Trong quy trình điều trị hay thăm khám cho bệnh nhân, bác sĩ sẽ hỏi những câu hỏi về tiền căn của bệnh nhân như viêm ngứa, dị ứng, viêm dị ứng, kết mạc…

Tuy nhiên, có những người nhà và bệnh nhân không nhớ rằng mình từng dị ứng với cái gì thì bác sĩ sẽ cho thuốc theo chỉ định để tránh dị ứng nhất có thể. Có những trường hợp phản ứng đặc dị của cơ thể thì bệnh nhân vẫn xảy ra sốc phản vệ do thuốc uống, thuốc tiêm hoặc thuốc gây mê trong quá trình điều trị.

BS Nguyễn Minh Tiến cho biết, có thể phòng tránh được sốc phản vệ, có những phương pháp giải mẫn cảm nhưng vẫn chưa hiệu quả lắm nên chưa phổ biến. Chỉ có phòng ngừa bằng cách ngưng ngay lập tức các dị nguyên gây dị ứng và những thực phẩm hoặc thuốc đã từng dị ứng để bảo vệ bản thân.

Nếu dị ứng khi bị côn trùng chích, cần mặc áo sơ mi dài tay và quần dài tại khu vực có cảnh báo về côn trùng. Tránh màu sắc tươi sáng và không mang nước hoa. Giữ bình tĩnh nếu đang ở gần một loài côn trùng chích. Di chuyển đi từ từ.

Cảnh báo bác sĩ thuốc dị ứng trước khi có bất kỳ điều trị y tế nào. Nếu nhận được các mũi chích ngừa, luôn luôn chờ thêm ít nhất 30 phút trước khi rời khỏi bệnh viện để có thể được điều trị ngay lập tức nếu có phản ứng dị ứng nghiêm trọng xảy ra hay không.

 

 

Trong bệnh viện thỉnh thoảng vẫn xảy ra những tình trạng sốc phản vệ do kháng sinh hay thuốc tiêm khác. Tuy nhiên, các bác sĩ được trang bị kiến thức chuẩn theo phác đồ điều trị chống sốc của Bộ Y tế và bộ thiết bị chống sốc:

Các khoản cần thiết trong hộp chống sốc (tổng cộng: 7 khoản)

1. Adrenaline 1mg – 1mL 2 ống

2. Nước cất 10 mL 2 ống

3. Bơm tiêm vô khuẩn (dùng một lần):

10ml 2 cái

1ml 2 cái

4. Hydrocortisone hemusuccinate 100mg hoặc Methyprednisolon (Solumedrol 40mg hoặc Depersolon 30mg 2 ống).

5. Phương tiện khử trùng (bông, băng, gạc, cồn)

6. Dây garo.

7. Phác đồ cấp cứu sốc phản vệ

 

 

DIỆU NGUYỄN