07/01/2025

Trò “Đổ nước đá” nguy hiểm sức khỏe ra sao?

Người tham gia phong trào từ thiện “Đổ nước đá” (Ice bucket challenge) cần cân nhắc kỹ những gì về sức khoẻ của mình?

 

Trò “Đổ nước đá” nguy hiểm sức khỏe ra sao?

Người tham gia phong trào từ thiện “Đổ nước đá” (Ice bucket challenge) cần cân nhắc kỹ những gì về sức khoẻ của mình?
Giới trẻ thích màn “đổ nước đá” nhưng cần cân nhắc kỹ về sức khỏe - Ảnh: Forbes

 

Tạp chí Forbes ngày 25-8 đã đưa ra nhiều nguy cơ đối với người chơi “Đổ nước đá” cũng như giới thiệu lời khuyên hữu ích của các chuyên gia.

Ice Bucket challenge lan truyền với tốc độ chóng mặt với sự tham gia của những người nổi tiếng và sự tiếp tay mạnh mẽ của truyền thông, mạng xã hội khiến mọi người quên rằng hành động này thật ra có nguy hiểm, thậm chí có thể ảnh hưởng đến tính mạng.

Nguy hiểm do hạ thân nhiệt

 

Trong vòng một tháng, phong trào từ thiện “Đổ nước đá” (Ice bucket challenge) quyên góp được 80 triệu USD cho quỹ nguyên cứu bệnh xơ cứng teo cơ.

 

Điều này liên quan đến Hypothermia – chứng hạ thân nhiệt. “Chứng hạ thân nhiệt dẫn đến tử vong được loài người để ý từ sự kiện chìm tàu Titanic và những thí nghiệm vô nhân tính của quân Đức quốc xã trong Chiến tranh thế giới thứ hai” – giáo sư Mike Tipton, nhà sinh vật học của Đại học Portsmouth, cho biết.

Từ 37ºC, cơ thể con người thường mất khoảng nửa giờ để giảm xuống dưới 35ºC, thế nên tất cả những trường hợp hạ thân nhiệt trong thời gian ngắn hơn đều dẫn đến nguy hiểm.

Việc dội xô nước lạnh từ trên đầu làm cơ thể hạ thân nhiệt đột ngột và gây phản ứng sốc với nhiệt độ lạnh. “Giống như bạn tự tin nhảy xuống hồ bơi lạnh cóng trong khi bạn bè nói dối bạn rằng nó ấm, hay như việc tắm dưới vòi hoa sen phun ra toàn nước lạnh. Bạn sẽ thở hổn hển và cơ thể của bạn hứng chịu sự gia tăng không khí không kiểm soát được” – GS. Tipton giải thích.

Phản ứng sốc như trên có thể giết chết bạn vì cướp mất kỹ năng thở đều đặn. Cơ thể phản ứng giống “nạn nhân chết đuối”

Chết đuối đứng thứ ba trong số những nguyên nhân gây tử vong do tai nạn trên toàn thế giới, cướp đi sinh mạng 10 người Mỹ mỗi ngày.

Tuy có nhiều nguyên nhân dẫn đến chết đuối, GS Tipton tin rằng có nhiều người bị chết do tác động của nước lạnh.

Ông ước tính có 20% nạn nhân chết do không chống đỡ nổi chứng hạ thân nhiệt, 20% khác chết trong quá trình cứu hộ, 60% còn lại chết do phản ứng sốc với nhiệt độ lạnh.

Nhưng chết đuối thì có liên quan gì đến Ice bucket challenge, người tham gia thử thách đâu có nhấn chìm cơ thể trong nước? Vấn đề ở chỗ gương mặt của một người bỗng nhiên bị ướt khi đang nín thở.

Việc bị dội nước lạnh lên đầu khiến cơ thể phản xạ tương tự phản ứng trong lúc lặn.

 

Diễn viên Patrick Stewart đã nâng “Ice Bucket Challenge” lên một đẳng cấp khác - Ảnh: treknews

 

Gây rối loạn nhịp tim

Nước lạnh chỉ nguy hiểm khi tiếp xúc với gương mặt và toàn bộ cơ thể, nó đẩy nhịp tim lên hơn 100 nhịp/phút. Nguy hiểm hơn, quá trình này gây rối loạn nhịp tim, kết quả dẫn đến đột tử.

Rối loạn nhịp tim rất phổ biến. “Hiện tôi quan tâm đến việc đo điện tâm đồ đối với những người thực hiện Ice Bucket Challenge. Tôi khá đảm bảo một số lượng lớn người thử thách đã phải chịu sự rối loạn nhịp tim” – GS Tipton nhận định.

Trong các nghiên cứu trước đây, 2% người khỏe mạnh có dấu hiệu rối loạn nhịp tim khi cơ thể ngâm trong nước lạnh, tỉ lệ lên đến 82% khi gương mặt bị dội nước lạnh trực tiếp.

Đột tử do tim là không thể dự báo, tuy nhiên việc cảnh báo hiểm hoạ từ hành động dội xô nước lạnh lên đầu có thể giúp ngăn chặn những trường hợp tử vong đáng tiếc.

Lời khuyên chuyên gia

Để giảm thiểu tối đa mức nguy hiểm mà Ice Bucket Challenge mang lại, phương pháp phòng tránh khá đơn giản: hãy nín thở, cúi cằm vào ngực giúp gương mặt ít bị tác động bởi nước lạnh.

Ngoài ra cũng không nên dội nhiều xô nước lạnh cùng lúc vì các phản ứng sinh lý sẽ bị kéo dài và gây nhiều nguy hiểm hơn.

Rõ ràng “đổ nước đá” là một cách hay và thú vị để gây quỹ từ thiện, nhưng những cá nhân, đặc biệt là người nổi tiếng, cần tham gia một cách có trách nhiệm hơn nữa. Nên đưa ra một lời cảnh báo hoặc làm khác đi để tránh ảnh hưởng đến sức khoẻ. Phương thức của Charlie Sheen và Patrick Stewart là ví dụ điển hình.

Charlie Sheen thay vì dùng xô nước đá, anh đã… dội một nồi chứa những tờ USD lên đầu và dùng số tiền này để ủng hộ quỹ từ thiện. Charlie Sheen bày tỏ: “Nước đá rồi sẽ tan nhưng số tiền này sẽ giúp ích cho nhiều người”.

Còn Patrick Stewart thì nâng “Ice Bucket Challenge” lên một đẳng cấp khác: ông ngồi trang trọng trên bàn làm việc và ký một tấm ngân phiếu để ủng hộ quỹ từ thiện. Sau đó ông lấy một xô đá và thưởng thức whisky với đá trong xô.

Cùng là một cách đóng góp được bắt nguồn bởi Ice Bucket Challenge nhưng cách làm của Patrick Stewart vô cùng độc đáo và để lại ấn tượng mạnh.

TRẦN KIÊN