04/01/2025

Bạn đã nghiện?

Rượu, bia với nhiều người chiều nào không lai rai với bạn bè là thấy thiếu thiếu. Có khi nào chợt giật mình: đã nghiện rồi! Làm sao biết mình nghiện?

 

Bạn đã nghiện?

Rượu, bia với nhiều người chiều nào không lai rai với bạn bè là thấy thiếu thiếu. Có khi nào chợt giật mình: đã nghiện rồi! Làm sao biết mình nghiện?
Ranh giới giữa “uống có trách nhiệm” và quá đà là rất mong manh - Ảnh: N.C.T
Ranh giới giữa “uống có trách nhiệm” và quá đà là rất mong manh – Ảnh: N.C.T

Những biến chứng của nghiện rượu đã được nêu liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng người ta vẫn cứ… say. Người uống vẫn cho rằng: “Tôi uống có trách nhiệm”, “chưa sao” và “tình hình vẫn tốt”, trong khi cơ thể đang gánh chịu những tác hại tiềm ẩn.

Thử một lần tự đánh giá tình hình chính xác hơn trước khi những tổn thương thực thể và tâm lý của rượu bia trở nên nặng nề hơn.

“Có vấn đề” từ khi nào?

Hãy trả lời bốn câu hỏi sau đây, nếu “dính” vào ít nhất hai câu thì rất có khả năng là thật sự “có vấn đề”:

1/Bạn có từng cảm thấy rằng mình nên giảm uống bia rượu?

2/Bạn có cảm thấy bực bội khi bị người khác phê phán việc bạn uống bia rượu không?

3/Bạn có bao giờ thấy có lỗi về việc uống bia rượu không?

4/Bạn có bao giờ phải uống bia rượu ngay khi mới ngủ dậy mới có được sự bình tĩnh hoặc để làm giảm cảm giác khó chịu của lần uống bia rượu trước?

Lạm dụng và lệ thuộc bia rượu

Nhìn chung có hai hậu quả của uống rượu bia quá mức là lạm dụng và lệ thuộc. Lạm dụng là việc sử dụng đều đặn một chất dẫn đến tổn thương nặng về tâm lý hoặc thực thể. Nếu có một hoặc hơn những biểu hiện sau đây thì người đó được xem như là lạm dụng rượu bia:

– Uống thường xuyên đến mức không thể đảm nhận các trách nhiệm như không làm việc được, bị thôi học, thường xuyên đi trễ hoặc bỏ việc, hoặc không làm việc nhà.

– Uống thường xuyên, thậm chí đang trong những tình huống có nguy cơ như lái xe hoặc thao tác máy móc.

– Có rắc rối thường xuyên với luật pháp liên quan đến việc uống rượu bia, chẳng hạn như bị bắt khi say mà tấn công người khác hoặc lái xe.

– Cứ tiếp tục uống dù đang gặp nhiều khó khăn xã hội hoặc cá nhân liên quan đến sử dụng bia rượu, đánh hoặc la mắng bạn đời/bạn tình hay cãi vã thường xuyên về việc uống bia rượu.

Nặng hơn giai đoạn lạm dụng là giai đoạn lệ thuộc, được định nghĩa là uống bia rượu thường xuyên gây tổn thương nghiêm trọng về tâm lý hoặc thực thể, biểu hiện qua việc có ít nhất ba triệu chứng của tập hợp sau trong vòng một năm:

– Cần một lượng bia rượu nhiều hơn để thỏa mãn.

– Có biểu hiện của cai khi không dùng bia rượu như rung, bứt rứt, kích động.

– Uống một thứ tương tự như bia rượu để tránh các triệu chứng của cai rượu.

– Uống nhiều hơn dự tính, hay thường xuyên hơn với lượng nhiều hơn.

– Không có khả năng giảm uống dù rất muốn.

– Mất nhiều thời gian tìm ra bia rượu để dùng.

– Giảm thời gian làm việc hoặc các hoạt động khác do dùng bia rượu, thậm chí từ bỏ các hoạt động yêu thích trước đây.

– Tiếp tục uống dù ý thức được hậu quả tâm lý và thực thể của việc dùng bia rượu.

Kết luận

Việc tự nhận định mình đang ở đâu trong việc uống quá mức bia rượu quả thật rất quan trọng. Điều này không chỉ giúp người uống tránh lạc quan một cách sai lầm về tình hình hiện tại cũng như có động cơ để tiến hành các biện pháp cai, điều trị “giảm độc” cho cơ thể và hơn hết là xây dựng lại các mối quan hệ gia đình và xã hội.

Một số điều cần chú ý thêm bao gồm:

– Các câu hỏi không giúp chẩn đoán xác định mà người uống phải đến gặp thầy thuốc để được giúp đỡ khi kết quả trả lời các câu hỏi gợi ý có vấn đề.

– Thực tế không cần phải dùng câu hỏi nào cả cho những người đã nghiện rượu rành rành như uống mỗi ngày, luôn trong tình trạng say xỉn, đi đứng không vững, giao tiếp rối loạn hoặc thậm chí đang có những biểu hiện tổn thương gan (vàng mắt, vàng da, bụng trướng to) rất có thể liên quan đến bia rượu.

Những người này cần được chăm sóc y khoa càng sớm càng tốt.

– Việc cứu chữa một tình trạng nghiện rượu có thể phải cần đến bác sĩ chuyên khoa tâm lý hoặc thậm chí tâm thần, do đó người uống không nên e ngại gõ cửa các bác sĩ này, mặc dù ai cũng biết chướng ngại tâm lý không dễ gì vượt qua.

Bệnh nhân, thân nhân và cộng đồng cần chung tay giúp đỡ “đương sự” vượt qua khó khăn.

Ngoài ra, người uống cũng nên đến khám bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa để đánh giá các tổn thương đang có do bia rượu gây ra để có kế hoạch điều trị sớm.

BS NGUYỄN THÀNH TÂM