26/11/2024

Giúp bé có giấc ngủ ngon vào ban đêm

Chào các bác sĩ, Con gái tôi hiện đã được 5 tháng rưỡi tuổi. Tuy nhiên, cháu vẫn hay thức đêm. Tôi đã không cho cháu ngủ ngày nhiều, ban ngày cháu thức khoảng 9 tiếng… Việc cháu bé thức đêm đã khiến cho gia đình tôi rất mệt mỏi. Các bác sĩ hãy hướng dẫn cho tôi với.

 Giúp bé có giấc ngủ ngon vào ban đêm

Chào các bác sĩ, Con gái tôi hiện đã được 5 tháng rưỡi tuổi. Tuy nhiên, cháu vẫn hay thức đêm. Tôi đã không cho cháu ngủ ngày nhiều, ban ngày cháu thức khoảng 9 tiếng. Cháu bắt đầu đi ngủ lúc 10 rưỡi tối, nhưng ngủ không say, khoảng 30 lại khóc một lần và phải bế ru cháu ngủ. Đến khoảng 3h sáng cháu bắt đầu thức dậy và chơi đến khoảng 6 h sáng rồi bắt đầu ngủ say. Tôi đã hỏi ý kiến bác sĩ nhi khoa, sau khi loại trừ hết các nguyên nhân, bác sĩ cho cháu uống siro Brocan một lần 30 phút trước khi đi ngủ tối một lần 5ml. Nhưng cháu vẫn ngủ không ngon giấc và vẫn thức đêm. Ban ngày cháu ngủ rất ngon, không quấy khóc và gọi dậy rất khó khăn và cháu rất khó chịu khi phải thức dậy. Bác sĩ cho tăng liều lên 8ml nhưng cũng không tác dụng với cháu. Cháu hiện nay vẫn bú mẹ (nhưng ít) và ăn sữa bột công thức, cháu bé chưa ăn dặm. Việc cháu bé thức đêm đã khiến cho gia đình tôi rất mệt mỏi. Các bác sĩ hãy hướng dẫn cho tôi với.

(Pham Thi Minh Thu)

 

Trả lời: 

Giải quyết rối loạn giấc ngủ ở trẻ 4-12 tháng tuổi

Nguyên nhân của rối loạn giấc ngủ là lịch ngủ bất thường và thiếu ngủ. Điều này thường xảy ra trong gia đình mà bố mẹ đi làm về muộn, muốn chơi khuya với con, hoặc cố giữ con chơi khuya để tránh dậy sớm. 

 

1. Lịch ngủ bất thường

Để trẻ không thức dậy sớm, các bà mẹ thường thực hiện một số biện pháp như: 

– Cho cháu đi ngủ muộn.

– Khi bạn sắp đi ngủ thì đánh thức con dậy cho ăn rồi mới cho con đi ngủ.

– Cho ăn xam chậm về đêm để cháu phải thức muộn và hôm sau khỏi dậy sớm. 

Tuy nhiên, cả 3 biện pháp trên thường không thành công.

Để trẻ ngủ ngon và thức dậy đúng giờ, cha mẹ cần thiết lập cho các cháu một lịch ngủ bình thường: 

– Thức dậy lúc 6-7 giờ sáng.

– Giấc ngủ ngắn thứ hai vào đầu buổi chiều.

– Giấc ngủ đêm bắt đầu lúc 7- 9 giờ tối. 

Dần dần trẻ sẽ quen với lịch này. Nếu vào thời điểm ngủ ngắn mà cháu không ngủ ngay, hãy đặt cháu nằm một mình rồi đi ra. Giấc ngủ ngắn buổi chiều có thể bị chậm lại nếu buổi sáng cháu khóc, ngủ nhiều. 

 

2. Thiếu ngủ

Thiếu ngủ cũng có thể do trẻ hay dậy sớm. Trẻ lứa tuổi này thường ngủ khoảng 7-9 giờ, dậy lúc 5-7 giờ sáng. Nửa đêm, cháu thức giấc một lần và cần được cho bú. Việc thức dậy của cháu như cái đồng hồ báo thức. Những trẻ được ngủ nghỉ tốt thì không có vấn đề gì nhưng những trẻ quá mệt hay dậy sớm. Cách khắc phục là giúp cháu lấy lại thời gian ngủ hoặc rút ngắn thời gian thức của cháu lúc ban chiều.

Lý do trẻ thức đêm

– Rối loạn giấc ngủ sau đau bụng.

– Tắc nghẽn một phần đường thở trong khi ngủ.

– Rối loạn tổ chức giấc ngủ kết hợp với mệt mạn tính.

– Bố mẹ hay thức đêm.

Nếu đứa trẻ ngủ ngày tốt, có lịch ngủ bình thường, lại không quá mệt, chỉ đơn thuần hay thức dậy hoặc mải chơi trong đêm, cha mẹ phải giúp cháu biết tự ru mình ngủ lại khi tỉnh giấc. Kỹ năng này cũng giúp chúng dễ rơi vào giấc ngủ đêm.

Phương pháp giảm thức đêm

– Làm giảm dần thức đêm:

Nội dung phương pháp này giống như giúp một người tập xe máy: Đầu tiên giữ thăng bằng, sau buông tay ra, để người tập tự đi một mình. Đối với trẻ hay thức đêm cũng vậy, đầu tiên là thức cùng với cháu (không chăm sóc gì cả), cho cháu uống sữa, sau thức ngắn dần đồng thời chai sữa cũng pha loãng dần rồi chỉ cho bú nước. Cuối cùng là giảm thời gian tiếp xúc và không đáp lại yêu cầu của cháu, để cháu ngủ theo ý muốn.

– Dứt điểm:

Cần lập một chương trình cai thức đêm cho cháu. Thoạt đầu, bác sĩ nhi khoa giải thích tầm quan trọng của giấc ngủ đêm và giấc ngủ ngày điều hoà đối với bố mẹ cháu, sau đó đến giờ ngủ, cả ngủ ngày và ngủ đêm, đặt cháu xuống giường cho cháu ngủ một mình.

Trong vài hôm đầu, cháu sẽ khóc nhiều nhưng mẹ không được vào, để từ từ cháu sẽ ngủ. Vài hôm sau cháu quen dần, tự ngủ được và hết khóc.

 

Tóm lại:

– 3 tháng tuổi: Trẻ ngủ theo nhu cầu.

– Từ 4 đến 8 tháng tuổi: Trẻ ngủ theo nhịp sinh học bản thân, gồm 1 giấc ngủ đêm (từ 7-9 giờ tối đến 5-7 giờ sáng) và 2 giấc ngủ ngày (giữa sáng và đầu chiều).

– Từ 9 đến 12 tháng tuổi: Thời lượng ngủ ít hơn trước do trẻ trưởng thành lên, nghịch ngợm nhiều. Trẻ ít ngủ ngày do bên ngoài nhiều kích thích, lo âu xa mẹ, lịch ngủ bất thường… dẫn đến thiếu ngủ. Phải bảo vệ giấc ngủ ngày và đêm của trẻ. Những trẻ trước đó có hội chứng đau bụng thường hay thức đêm, phải chữa bằng các phương pháp “làm giảm dần” và “dứt điểm”.

 

Chúc bạn và gia đình sức khoẻ.