28/12/2024

Nghề dễ bị mắng

Ai sử dụng điện thoại di động cũng nhiều lần phải nhận những cuộc gọi mời dự hội thảo, giới thiệu sản phẩm với tâm trạng bực bội, nhất là khi đang bận rộn mà bị quấy rầy. Vậy còn kẻ “chuyên quấy rầy” đó thì thế nào?

 Nghề dễ bị mắng

Ai sử dụng điện thoại di động cũng nhiều lần phải nhận những cuộc gọi mời dự hội thảo, giới thiệu sản phẩm với tâm trạng bực bội, nhất là khi đang bận rộn mà bị quấy rầy.

Vậy còn kẻ “chuyên quấy rầy” đó thì thế nào? Bà con thử nghe chuyện nghề của họ – một nhân viên bán hàng qua điện thoại (tên tiếng Anh là telesales) để thông cảm một tí. 

120 cuộc điện thoại mỗi ngày

Đó là chỉ tiêu choáng váng mà ngày làm việc đầu tiên tôi đã được sếp giao. Nhẹ nhàng đặt lên bàn tôi một xấp giấy danh sách số điện thoại dài ngoằng cỡ chừng 5.000 số, sếp dịu dàng nói với cả nhóm (chừng 10 người): “Mọi người cố gắng gọi hết danh sách trong tuần nhé!”. Bình thường lúc chưa làm công việc này, mỗi ngày tôi vẫn thường “nấu cháo” điện thoại với bạn bè 1 – 2 tiếng nên tôi đã nghĩ chuyện này cũng không quá khó. Tuy nhiên, khi bắt tay vào gọi thì mới biết là muôn trùng gian nan.

Nội dung cuộc điện thoại của tôi là giới thiệu với người ở đầu dây bên kia sản phẩm mới của công ty chúng tôi và mời họ đến dự buổi hội thảo ra mắt sản phẩm, nếu thuyết phục được họ mua luôn sản phẩm của mình thì càng tốt. Khó khăn đầu tiên làm sao để người ở đầu dây bên kia chịu nghe bạn thuyết trình lê thê về sản phẩm, trong khi bạn là người hoàn toàn xa lạ với họ. Gọi 10 cuộc điện thoại thì đã có ít nhất 6 cuộc tôi gặp phải tình cảnh bị cúp máy phũ phàng khi vừa nói câu: “Chào anh chị, em là X, đến từ công ty Y, muốn giới thiệu sản phẩm Z”. 4 cuộc còn lại thì thường 2 cuộc đã được chốt hạ: “Anh không có nhu cầu”. Khốn khổ hơn, có khách còn ra yêu cầu: “8 giờ tối chị mới rảnh, giờ đó em gọi nhé!”, chờ đến đúng 8 giờ tối, tôi gọi lại thì đầu dây bên kia: “Ủa chị nói vậy mà em cũng chờ gọi lại hả, chị không có nhu cầu đâu em!”.

Thành ra có người đồng ý nghe máy là ai nấy mừng hết lớn, bao nhiêu bí kíp ngọt ngào đều phải tung ra để mời khách đến thử sản phẩm bằng được! Sau đó, đến gần ngày diễn ra hội thảo, tôi lại phải gọi điện nhắc các khách nhớ đi, đơn giản vì lương của nhân viên bán hàng qua điện thoại phụ thuộc vào số lượng người đến dự chương trình hội thảo hoặc mua sản phẩm. Áp lực doanh số không thua gì các bạn bán hàng trực tiếp, nếu không nói rằng vì chúng tôi không gặp trực tiếp nên thuyết phục càng khó hơn. Cứ thế, dần dà, “bạn thân” mà cũng là  “kẻ thù” của tôi chính là cái điện thoại. Gọi đi gọi lại tính ra hơn 100 cuộc mỗi ngày, khan cả giọng, đầu ong ong và tai ù ù với vô số lời phiền trách, từ chối, thậm chí la mắng. Đến chiều về nhà là tôi không muốn mở điện thoại lên luôn, thiệt ám ảnh!

Nhân viên tư vấn bất đắc dĩ

Các khách hàng nhanh chóng cúp điện thoại, từ chối nghe chúng tôi giới thiệu sản phẩm, coi vậy chứ không đáng sợ bằng các khách hàng rất chịu khó nghe điện thoại và xem tôi như tư vấn viên đài 1080, có thể trả lời 1001 thứ trên đời. Chuyện là khi tuyển nhân viên vào bán hàng qua điện thoại, tiêu chí đầu tiên là nhân viên phải có giọng nói rất du dương, thánh thót, như rót mật vào tai để “dụ” khách hàng chịu cầm máy nghe. Mặt khác, chúng tôi cũng phải chịu khó trò chuyện với khách để tạo cảm giác thân thiết, có như thế khách mới đến dự chương trình của mình. Hệ quả là nhiều vị khách nghe phần giới thiệu về sản phẩm không bao nhiêu mà trút bầu tâm sự với các cô điện thoại viên thì vô số. Giới thiệu làm thẻ ngân hàng thì các anh lại than thở chuyện mỗi tháng phải “cống nạp” cho vợ bao nhiêu tiền, đi nhậu hết tiền ra sao, sếp bóc lột như thế nào…Giới thiệu sản phẩm giáo dục thì các bạn học sinh tỉ tê về việc học hành điểm thấp, làm bài sai, không biết sau này sẽ làm nghề gì… Mỗi lần như vậy, chúng tôi tai nghe điện thoại, miệng vui vẻ trả lời mà mắt cứ thấp thỏm nhìn vào danh sách số điện thoại dài ngoằng đang chờ mình, khổ tâm vô cùng mà không dám nói.

Nói đi cũng phải nói lại, công việc nào thật ra cũng có niềm vui riêng. Niềm vui của những người làm công việc bán hàng qua điện thoại là nâng cao khả năng giao tiếp một cách đáng kể khi tôi có thể nói chuyện “đa nhân cách” với hơn 100 người khác nhau mỗi ngày, với đủ thứ cách xưng hô “Em, cháu, con, chị…”. Đơn giản hơn, đó là niềm vui khi thuyết phục được khách đồng ý đến thử sản phẩm, khi gặp được những khách hàng (dù không mua sản phẩm của mình) nhưng lại rất nhẹ nhàng, lịch sự khi nghe điện thoại. Tôi đã từng gặp một khách hàng thậm chí còn nhiệt tình lưu cả số tôi, giới thiệu cho bạn bè cùng đến thử sản phẩm. Và một điều quan trọng nữa, từ ngày làm công việc này, tôi đã thôi không còn khó chịu, bực mình khi có bất kì cuộc gọi nào bắt đầu bằng: “Chào chị, em là X, đến từ công ty Z, xin phép giới thiệu sản phẩm Y”, vì tôi biết rằng, đằng sau giọng nói vui vẻ, dịu dàng đó là muôn vàn vất vả không tên mà người làm nghề bán hàng qua điện thoại đang phải đối mặt mỗi ngày…

ĐOÀN BẢO CHÂU (Ghi theo lời kể của Nguyễn Thị Hương Giang – nhân viên bán hàng qua điện thoại)