26/11/2024

Có chuyện học tài thi phận?

Sau khi làm xong bài thi tuyển sinh đại học dù vui hay buồn, đa số các thí sinh đều có nỗi lo chung: Không biết đáp án chính thức sẽ như thế nào? Có làm thí sinh mất điểm không? Bài thi sẽ “bị chấm” như thế nào? Thực sự có hên xui không?

 

Có chuyện học tài thi phận?

Sau khi làm xong bài thi tuyển sinh đại học dù vui hay buồn, đa số các thí sinh đều có nỗi lo chung: Không biết đáp án chính thức sẽ như thế nào? Có làm thí sinh mất điểm không? Bài thi sẽ “bị chấm” như thế nào? Thực sự có hên xui không?

 

Có chuyện học tài thi phận ?
Giáo viên chấm thi các môn xã hội tại hội đồng chấm thi Trường ĐH Sư phạm TP.HCM – Ảnh: Đào Ngọc Thạch

 

Nhiều người sẽ cho rằng thí sinh (TS) chỉ lo hão huyền, đề thi có đáp án, biểu điểm công khai, chấm 2 vòng độc lập, lại có thanh tra các cấp chặt chẽ, điểm số không thể tự bay đi được. Tuy nhiên, với kinh nghiệm nhiều năm tham gia chấm thi tuyển sinh ĐH, theo tôi nỗi lo lắng của TS không phải không có cơ sở.

Bỡ ngỡ với thay đổi không biết trước

Nhiều TS vui mừng vì đề thi ra theo hướng mở, đáp án sẽ nhẹ nhàng và “rộng mở” hơn, thực tế thì sao?

Cấu trúc đề thi năm nay bỏ phần tự chọn khiến nhiều TS bất ngờ. Đa số TS thi khối C đều học chương trình nâng cao rất nặng nên khi đề bỏ phần phân ban, tâm lý có phần bất ổn, ảnh hưởng đến kết quả làm bài.

Không thể phủ nhận đề thi môn lịch sử năm nay khá hay, 4 câu bao gồm đủ trình độ từ nhận biết, thông hiểu đến vận dụng và sáng tạo, lại bao quát chương trình. Thế nhưng học sinh giỏi liệu có đạt điểm cao? Trong 4 câu, chỉ có câu 3 là câu nhận biết, đơn giản học bài nhưng đa số TS không làm bài được. Lý do “ai cũng hiểu chỉ có Bộ GD-ĐT không hiểu”. Các thầy cô chấm thi nói vui: “Đường quang không hỏi lại đâm quàng ngõ hẻm” hoặc nôm na hơn “Học cả con voi nhưng chỉ hỏi trúng sợi lông”!

Cách thức ra đề thi hay và mới nhưng TS không có lộ trình chuẩn bị, không được rèn luyện theo cách học mới nên rất bỡ ngỡ. Ví dụ như câu 4, đề cho dữ liệu và yêu cầu vận dụng xác định, không phải quá khó nhưng đa số TS chỉ chép lại đề mà không thực hiện được yêu cầu đề.

Đáp án còn quá chủ quan

Phần đáp án cũng khiến nhiều giám khảo băn khoăn vì đề mở nhưng đáp án không mở và tuân theo chủ quan của bộ phận ra đề.

Ví dụ ở câu 1: “Những cuộc khởi nghĩa và kháng chiến nào in đậm dấu ấn VN trong thế kỷ XX? Trình bày suy nghĩ về vai trò của nhân dân trong sự nghiệp giải phóng dân tộc”. Hướng dẫn chấm chính thức là “TS có thể đề cập đến nhiều cuộc khởi nghĩa và kháng chiến trong thế kỷ XX, nhưng phải kể được tên những cuộc khởi nghĩa và kháng chiến có ý nghĩa thời đại của dân tộc VN”. Hướng dẫn chấm cụ thể và phiếu chấm bài thi chỉ tính điểm cho 3 sự kiện: tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945; kháng chiến chống Pháp (1945 – 1954); kháng chiến chống Mỹ (1954 – 1975). Tất cả các sự kiện khác dù đúng cũng không có điểm. Vì thế, TS nào làm đúng công thức “đóng băng”, dù có kể hàng chục kết quả sai, vẫn được đủ điểm. Ngược lại, TS làm đúng yêu cầu đề nhưng không đúng hết đáp án vẫn không có điểm cao (ví dụ: kể tên khởi nghĩa Nam kỳ, khởi nghĩa Yên Bái, phong trào Đồng Khởi, Nam bộ kháng chiến…). Ai dám nói các cuộc khởi nghĩa và kháng chiến mà TS đã nêu không in đậm dấu ấn VN? Nhưng rốt cuộc vẫn không có điểm theo barem chấm. Rõ ràng đề mở mà đáp án lại “đóng”, khiến không ít giáo viên và học sinh ngậm ngùi.

May rủi nhờ giám thị !

Về quản lý chấm thi, một số trường cực kỳ nghiêm túc. Tại hội đồng chấm thi trường ĐH Sư phạm TP.HCM hay Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, tất cả giỏ xách, điện thoại, kể cả bóp ví đều phải gửi một chỗ nhất định cho bảo vệ trông coi. Tuy nhiên, không phải hội đồng chấm thi nào cũng thực hiện đúng quy định nên tình trạng đem điện thoại chụp kết quả chấm hay chép phiếu điểm cho nhau giữa các giám khảo vẫn xảy ra, thiệt hại đến TS không ít.

Về giáo viên chấm, nhiều thầy cô giảng dạy có kinh nghiệm, chuyên môn cao đi chấm thi vừa để có thu nhập vừa rút kinh nghiệm cho quá trình giảng dạy và gặp gỡ giao lưu với đồng nghiệp. Tuy nhiên, không ít giám khảo xem việc chấm thi như một cơ hội chạy sô để kiếm tiền. Có giám khảo chấm một lúc 3 trường và phải thu xếp thời gian chạy đi chấm và ráp bài như thế nào cho được nhiều nhất!

Nơi tôi chấm thi, mỗi xấp có khoảng 28 đến 30 bài, mỗi bài thi khoảng 2 tờ. Mặc dù tôi chấm bài tương đối nhanh nhưng cũng cần khoảng từ 2 đến 2 giờ 30 phút mới xong một xấp, buổi nào nhanh lắm cũng chỉ chấm được 2 xấp. Vậy mà có giáo viên, trong một ngày chấm 7 đến 8 xấp bài. Tôi có dịp quan sát một đồng nghiệp trẻ bên cạnh, cô chấm 30 bài chỉ mất đúng 32 phút, thời gian đó chỉ kịp cho tôi chấm được 6 đến 7 bài. Nhưng rồi những giám khảo đó đã bị nêu tên vì liên tục chấm chênh điểm từ 2 đến 3,5 so với giám khảo còn lại và những bài đó phải rút ra chấm lần ba, có xấp chỉ 30 bài mà phải chấm lần ba 11 đến 15 bài, chưa kể những bài còn lại chênh từ 1 đến 2 điểm cũng không ít.

Ở những hội đồng chấm thi nghiêm túc, các giám khảo này có thể bị đình chỉ chấm nhưng rất ít, đa số các hội đồng khác chỉ nhắc nhở và bỏ qua. Bi hài xảy ra khi thống nhất điểm, các giám khảo đó thường nhất trí theo điểm giám khảo còn lại, nhưng nếu cả hai cùng chấm ẩu thì sao? Số phận các  TS rơi vào những bài thi đó như thế nào?

Có lần tôi chấm một bài thi được 7 điểm nhưng giám khảo thứ hai chỉ chấm 2,5 (sau này tôi biết vị giám khảo đó bỏ sót 2 tờ bài làm của TS). Do chênh hơn 2,5 điểm theo quy chế nên phải chấm hội đồng. Kết quả hội đồng chấm em đó được 7 điểm nên lấy theo kết quả chung của hội đồng. Nhưng không phải em nào cũng may mắn như vậy. Đa số các em nếu chênh từ 1,5 đến 2,5 điểm sẽ có giám khảo thứ ba chấm. Nếu giám khảo ba chấm trùng với một trong hai giám khảo thì sẽ lấy điểm trùng, nếu không sẽ chia trung bình. Nhiều bài thi thay vì điểm 7 có thể chỉ còn từ 5,5 đến 6. Trong khi thi đại học, chỉ cần chênh nhau 0,5 điểm cũng có thể quyết định em đậu em rớt, thật xót xa!

Số mệnh đôi khi chỉ được quyết định trong tích tắc, ai nói không có chuyện học tài thi phận? Giá mà giám khảo nào cũng nghĩ được nếu chuyện đó xảy ra với con em mình, học sinh mình thì sao?

 

Vừa trả lời vừa bình luận

Xin mạn phép nêu 2 câu trả lời của TS mà chúng tôi bắt gặp trong quá trình chấm:

Câu 1: “…Trình bày suy nghĩ về vai trò của nhân dân trong sự nghiệp giải phóng dân tộc”. TS trả lời xong, mở ngoặc đơn viết: Bảo trình bày suy nghĩ cá nhân thì người viết và người ra đề, người chấm làm sao giống nhau được, nếu có giống chắc là ý tưởng lớn ngàn năm có một, có khi gặp ở La Mã.

Câu 4: “…Hiện nay, hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á cần làm gì để đảm bảo hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực?”. TS trả lời câu hỏi xong cũng mở ngoặc viết: Trả lời trên giấy vậy thôi chứ mấy ông nhà nước còn chưa chắc làm được sao hỏi để làm gì?

 

Minh Khôi