Tại sao chỉ cấm bán rượu bia từ sau 22 giờ?
Việc cấm bán rượu bia là rất đúng và đáng lẽ phải được làm từ rất lâu rồi. Có điều, tại sao chỉ cấm bán rượu bia sau 22 giờ, trong khung giờ 22 giờ – 6 giờ sáng? Hơn nữa, việc cấm này rồi có khả thi hay không, hay lại “đánh trống bỏ dùi” như các luật lệ khác?
Tại sao chỉ cấm bán rượu bia từ sau 22 giờ?
Việc cấm bán rượu bia là rất đúng và đáng lẽ phải được làm từ rất lâu rồi. Có điều, tại sao chỉ cấm bán rượu bia sau 22 giờ, trong khung giờ 22 giờ – 6 giờ sáng? Hơn nữa, việc cấm này rồi có khả thi hay không, hay lại “đánh trống bỏ dùi” như các luật lệ khác?
|
Trong xóm nhà tôi có hai gia đình trẻ với hai ông chồng/hai ông bố hiền lành. Trong cuộc sống, tôi thấy họ luôn thân thiện với hàng xóm, nhẹ nhàng với vợ con, thế nhưng buổi tối nào trong ngày làm việc cũng thấy họ về trễ với mùi bia rượu và khuôn mặt đỏ lựng. Có hôm một ông còn đi lộn nhà, vào mở cửa một ngôi nhà khác vì quá xỉn.
Một lần gặp họ về nhà trong trạng thái tỉnh táo sau giờ làm việc, tôi hỏi: “Sao nhậu hoài vậy mấy em?”. Cả hai đều nhăn nhó than: “Không muốn uống đâu chị ơi, tại công việc buộc phải vậy thôi”.
Họ là hai cán bộ công chức đang đương nhiệm. Một người là giảng viên; một người là thành viên Ban giám đốc của một khu công nghiệp.
“Tại công việc buộc phải vậy”, “Tại làm ăn phải nhậu”… là những câu biện hộ thường nghe từ những người đàn ông vốn không thích rượu bia nhưng buộc phải uống. Thật ghê gớm khi “làn sóng nhậu” xâm lấn đến cả những người vốn ghét rượu bia hoặc thâm tâm không muốn uống. Sự buộc phải uống này lặp đi lặp lại và một ngày nào đó chắc chắn sẽ biến đổi họ, nếu không tính cách thì cũng là sức khoẻ. Hãy nhìn chung quanh xem, đàn ông trẻ ở Việt Nam (trên dưới 40 tuổi) có bụng bự ngày càng nhiều.
Vì thế thật dễ hiểu khi mới đây, quy định cấm bán rượu bia sau 22 giờ do Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) soạn thảo trong Luật Phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia đang nhận được sự đồng tình của dư luận. Tuy nhiên, có hai vấn đề cần phải được làm sáng tỏ.
Thứ nhất, việc cấm bán rượu bia là rất đúng và đáng lẽ phải được làm từ rất lâu rồi, tuy nhiên, như ông bà ta vẫn nói: Muộn còn hơn không. Chỉ có điều tại sao chỉ cấm bán rượu bia sau 22 giờ, trong khung giờ 22 giờ – 6 giờ sáng?
Trên thực tế, rượu bia ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM được tiêu thụ nhiều nhất sau giờ làm việc, tức sau 17 giờ. Nếu quy định cấm cán bộ công chức uống rượu bia trong giờ hành chính đã phát huy hiệu lực ở một số tỉnh thành và ở một số cơ quan công quyền, thì việc “bù khú” ở các quán ăn nhà hàng sau 17 giờ đang là hiện tượng phổ biến và đáng báo động. Bất kỳ chuyện gì cánh đàn ông cũng kéo nhau ra quán ăn, nhà hàng sau giờ làm việc để “làm vài ly”. Đây là hình ảnh xấu xí của bộ mặt đô thị ở Việt Nam, nếu so sánh với Singapore hay Thái Lan thì những nước này không hề có cảnh đàn ông “bù khú” với nhau sau giờ làm việc ở các quán ăn nhà hàng.
Nhìn đội ngũ tiếp viên của các hãng rượu bia tràn ngập các quán ăn nhà hàng sau giờ làm việc mới hiểu tại sao có con số tiêu thụ 3 tỉ lít bia một năm của người Việt. Số các nhãn hàng bia/rượu tham gia tiếp thị tại các quán ăn nhà hàng trong khu vực trung tâm thành phố ngày càng nhiều dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt.
Bên cạnh mức chiết khấu hoa hồng cao cho các quán ăn nhà hàng, các hãng rượu bia dù nội hay ngoại cũng có đội ngũ tiếp thị “chân dài” trong bộ đồng phục ngắn và bó sát. Lương của các cô phụ thuộc vào tài khui bia/rượu, đồng nghĩa với việc mời chào các quý ông uống càng nhiều càng tốt. Việc tán tỉnh, sàm sỡ các cô khi các quý ông này say xỉn là điều dễ xảy ra.
Ai cũng thấy, khung giờ 22 giờ – 6 giờ sáng không phải là cao trào nhậu của các quý ông Việt, mà chỉ là thời gian khách du lịch lui tới các quán bar. Thế thì việc cấm bán rượu bia trong khung giờ này đúng là “rất nhẹ” (như câu trả lời của bà Vũ Thị Minh Hạnh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách y tế, một trong số thành viên tổ biên tập xây dựng dự thảo luật trên, cho rằng: “Khi xây dựng dự thảo này, chúng tôi đã bàn rất kỹ và thấy Việt Nam dự định cấm bán rượu bia từ 22 giờ – 6 giờ sáng là rất “nhẹ”…) giống như “giơ cao đánh khẽ” của Nhà nước mà thôi, vì thực ra cấm mà không đụng đến “giờ vàng” của các quán ăn nhà hàng.
Nếu mục đích của ngành y tế khi soạn thảo dự luật này là nhằm bảo vệ sức khoẻ cho đàn ông Việt và ngăn chặn những tác hại lâu dài về mặt xã hội (như tai nạn giao thông, bạo hành gia đình, xâm hại tình dục và nảy sinh những tội ác khác…) thì nên chọn khung giờ cấm bán rượu bia từ 17 giờ - 22 giờ ở các thành phố lớn.
Riêng các huyện ngoại thành và các tỉnh, nơi chăn nuôi/ trồng trọt/đánh bắt còn là nghề nghiệp chính, cấm bán rượu bia trong khung giờ từ 8 giờ sáng - 20 giờ là thích hợp nhất, nhằm ngăn chặn những cơn nhậu triền miên bất tận của các chàng trai nông thôn từ nhà người này sang nhà người khác vào những khi giỗ chạp hoặc nông nhàn.
Thứ hai, điều băn khoăn là việc cấm này rồi có khả thi hay không, hay lại “đánh trống bỏ dùi” như các luật lệ khác là cấm hút thuốc lá nơi công cộng hay phạt tiền khi đổ rác bừa bãi?
Có lẽ để hiệu quả nhất, trong năm đầu Nhà nước chỉ nên áp dụng thí điểm trước ở các thành phố lớn, bắt đầu kiểm soát chặt chẽ việc bán rượu bia ở một số khu vực tập trung quán ăn nhà hàng và có mức xử phạt cao đối với điểm vi phạm.
Đội ngũ thực thi việc kiểm soát tốt nhất là giao cho địa phương huy động lực lượng thanh niên tình nguyện có huấn luyện với mức thưởng phạt công minh rõ ràng để không xảy ra việc coi đây là “đặc quyền” để nhũng nhiễu làm ăn. Song song đó là việc truyền thông liên tục để nâng cao nhận thức của người dân về việc giữ gìn sức khỏe và hạnh phúc gia đình.
Khi đã cấm bán rượu bia thành công ở các khu vực ăn nhậu trọng điểm, Nhà nước cần phải tiếp tục nhân rộng ra những điểm bán ở cửa hàng/siêu thị… và tiến dần đến ngoại thành và các tỉnh.
Vì sức khoẻ giống nòi và vì sự an toàn của môi trường xã hội, thiết nghĩ dự thảo này càng sớm đi vào thực tế càng tốt.
Cát Văn