06/01/2025

Bùng phát ‘homestay’

Du lịch nghỉ tại nhà dân (homestay) ở VN được du khách quốc tế yêu thích, nhiều tiềm năng, nhưng các chuyên gia cảnh báo “có thể sẽ trở thành nạn nhân của chính sự thành công của mình” nếu không có sự hỗ trợ của nhà nước.

 

Bùng phát ‘homestay’

Du lịch nghỉ tại nhà dân (homestay) ở VN được du khách quốc tế yêu thích, nhiều tiềm năng, nhưng các chuyên gia cảnh báo “có thể sẽ trở thành nạn nhân của chính sự thành công của mình” nếu không có sự hỗ trợ của nhà nước.

 

Bùng phát 'homestay'
Du khách tham gia làm nông ở Hội An – Ảnh: Nguyễn Tú

Trên các diễn đàn, chuyên trang du lịch nổi tiếng thế giới, nhiều du khách đã kể lại đầy hứng thú về trải nghiệm homestay tại VN.

“Tour hấp dẫn nhất châu Á”

 

 
 

Chúng tôi có vài chai bia để chia sẻ với chủ nhà, còn chủ nhà chia lại cho chúng tôi vài ly rượu gạo. Chúng tôi thấy mình được chào đón nhiệt tình và là một phần của gia đình… Đây là VN thật sự (This is real Vietnam)

 

Du khách Bruce Noble

 

 

Du khách đến từ Dublin (Ireland) có nickname Caoimhin18 viết trên trang tư vấn du lịch trực tuyến hàng đầu thế giới Tripadvisor: “Tôi đến Mai Châu một mình sau hành trình dài ở Campuchia và Thái Lan. Đã từng du lịch rất nhiều nơi trong suốt mùa hè 2013 nhưng tôi có thể khẳng định, lần đến Mai Châu là hấp dẫn nhất. Tôi ở cùng gia đình một cựu chiến binh, ông chủ rót trà cho tôi uống và cùng thưởng thức món ăn địa phương. Hơi ấm mà gia đình này mang đến cho tôi một cảm giác rất đặc biệt và nỗ lực của gia chủ tên Bình cho tôi thấy rõ nét đẹp của bản làng”. Cuối cùng, du khách này kết luận đây là tour tốt nhất ở châu Á mà mình từng tham gia (Best tour of Asia so far).

Du khách có tên Bruce Noble thì cho rằng trải nghiệm ở nhà dân ấn tượng hơn rất nhiều so với bất kỳ một khách sạn 5 sao nào. “Chúng tôi có vài chai bia để chia sẻ với chủ nhà, còn chủ nhà chia lại cho chúng tôi vài ly rượu gạo. Chúng tôi thấy mình được chào đón nhiệt tình và là một phần của gia đình… Đây là VN thật sự (This is real Vietnam)”, Noble không giấu được niềm vui sau lần ở nhà dân tại Mai Châu đầu năm 2014.

Du lịch homestay xuất hiện từ những năm 1990 khi VN mở cửa thu hút du khách quốc tế. Chị Hà Thị Chung, người dân tộc Thái ở Mai Châu (Hòa Bình), cho biết năm 1996, chị bắt đầu đón khách nước ngoài vào ở nhà sàn của mình. Đến nay, chị sở hữu 4 căn nhà sàn ở Mai Châu để phục vụ du khách. Mỗi nhà đón tối đa 20 khách cùng lúc. “Du khách tham quan làng bản, nhà sàn người Thái; ban đêm thì uống rượu cần. Nhiều đoàn khách kết hợp tham quan với từ thiện xã hội, như xây nhà, tặng quà cho gia đình nghèo. Khách được trải nghiệm không gian văn hóa bản xứ, chiêm nghiệm không khí gia đình của người VN ở vùng núi phía bắc nên rất thích thú”, chị Chung bày tỏ.

Anh Lý Tiên Khoa, chủ dịch vụ homestay Phong Phú ở cạnh bến phà Rạch Miễu cũ (Bến Tre), chia sẻ ban đầu chỉ có 1 phòng cho khách ở nay nhà anh đã có 12 phòng, mùa cao điểm đón được 24 khách cùng lúc. Du khách thuê phòng ở chung nhà, nấu cơm ăn cùng với chủ. Ban ngày thì đạp xe dạo chơi trong xóm, tham quan làng nghề, ruộng lúa, vườn dừa.

Còn anh Nguyễn Bá Trường ở cù lao An Bình (Vĩnh Long) kể năm 2001 có người bà con là hướng dẫn viên đưa khách Đức về nhà chơi. Khách ấn tượng trước không gian vườn tược làng quê nên đề nghị nhà anh mở dịch vụ homestay. Đến nay, nhà anh Trường có 10 phòng cho khách thuê. “Vào ban đêm, chúng tôi quây quần nói chuyện cuộc sống với du khách”, anh Trường tâm sự.

Ở Hội An, dịch vụ homestay phát triển theo hướng cao cấp hơn khi hầu hết các gia đình nâng cấp không gian, phòng ốc như một khu nghỉ dưỡng với tiện nghi hiện đại, có cả hồ bơi. Gia đình chị Vang, chủ Vườn Trầu homestay, cho hay từ 4 phòng nay nhà đã có 8 phòng cho khách thuê. Có khách ở tới 2 tháng, ít nhất cũng 1 tuần.

Cảnh báo của chuyên gia

 

 
 

Lợi ích của homestay

Homestay tạo công ăn việc làm cho nhiều gia đình ở khu vực nông thôn mà không đòi hỏi đầu tư nhiều; tạo cơ hội thu nhập cho người dân tộc thiểu số vì du khách rất tò mò với nền văn hóa đa dạng nhiều màu sắc của VN; tạo ra giá trị đối với việc bảo vệ và phát huy di sản văn hóa (và tự nhiên) do du khách háo hức muốn có trải nghiệm chân thực, bao gồm ẩm thực, nghệ thuật, quà tặng…

 

 

VN có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch homestay do đa dạng văn hóa vùng miền. Thực tế, homestay đang rất phổ biến tại khu vực miền núi Tây Bắc, Tây nguyên, Huế, Hội An và miền Tây. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, du lịch homestay ở trong nước phát triển tự phát, cần phải định hình, chấn chỉnh nghiêm túc.

Ông Don Taylor, chuyên gia dự án Chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội do Liên minh châu Âu tài trợ (Dự án EU), nhận xét: “Thủ đô của du lịch homestay” Mai Châu có thể sẽ trở thành nạn nhân của chính sự thành công của mình. Sự phát triển quá nhanh của dịch vụ này khiến homestay đang mất dần nét đặc sắc của riêng nó. Cụ thể, “nhiều nơi giống như các nhà khách, bữa ăn được phục vụ trên bàn ăn ở nhà sàn chứ không phải tại bàn ăn gia đình. Các dịch vụ hiện đại như tắm nước nóng vòi hoa sen hay đệm cuốn giờ đã trở thành phổ biến”, Don Taylor đánh giá.

Thương mại hóa mạnh mẽ các giá trị văn hóa đang làm thay đổi tính chất cơ bản của homestay ở VN là ăn, ở và sống cùng với người dân bản xứ. Đó là một trong những lý do chính quyền TP.Hội An ngưng tiếp nhận hồ sơ xin phép kinh doanh lưu trú gồm homestay, biệt thự du lịch, khách sạn. Động thái này nhằm ngăn chặn tình trạng xô bồ, cạnh tranh không lành mạnh nếu cứ tiếp tục phát triển nóng về dịch vụ lưu trú ở những nơi đã quy hoạch. Tuy nhiên, cũng theo địa phương này, việc điều chỉnh còn nhằm đảm bảo công bằng cho loại hình du lịch trải nghiệm vốn cần nhiều không gian sinh thái. Hiện tại, Hội An có 61 hộ dân tham gia kinh doanh homestay với 164 phòng.

Giống như nhiều sản phẩm du lịch cộng đồng, homestay ở VN thường không được xây dựng với phương pháp tiếp cận dựa vào thị trường. “Tức là không xây dựng sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu của một số thị trường nhất định, cũng như nhu cầu của du khách và các đơn vị điều hành tour. Yếu tố về cung cũng không được cân nhắc đầy đủ. Ví dụ các ngôi làng ban đầu có một vài ngôi nhà phục vụ homestay tiềm năng rồi đột nhiên phát triển quá mức đâm ra thừa”, Don Taylor cảnh báo. 

Chuyên gia này cũng chỉ ra các hạn chế khác như người điều hành homestay không được đào tạo chính thống về loại hình này, du khách muốn có trải nghiệm về văn hóa tức là có sự trao đổi giao tiếp, nhưng các thành viên trong gia đình có vốn tiếng Anh hạn chế, dẫn đến mức độ giao lưu văn hóa chỉ dừng lại ở những gì hướng dẫn viên nói hay những gì khách chứng kiến…

 

Cần có chính sách hỗ trợ

Từng tham gia nhiều chương trình khảo sát homestay, chuyên gia về du lịch Phan Đình Huê cho rằng để dịch vụ này phát triển bền vững cần có sự hỗ trợ của nhà nước. “Vai trò của nhà nước trong mảng du lịch đặc thù này rất mờ nhạt. Người dân tự làm và vì thế là rất nguy hiểm”, ông Huê khuyến cáo. Bởi lẽ một khi người dân không ý thức được sự chân thực mới là điều hấp dẫn du khách, thay đổi thiết kế nhà ở truyền thống, môi trường ô nhiễm… thì sẽ bị du khách từ bỏ. Dịch vụ homestay ở VN hiện nay hầu hết do các dự án của nước ngoài tài trợ và đào tạo người dân kinh doanh. Tuy nhiên, về tiếp thị và định hướng thị trường du khách cần có bàn tay hỗ trợ của nhà nước để có nguồn khách lâu dài và đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Theo ông Huê, du lịch homestay phát triển mạnh ở nhiều nước, chẳng hạn Malaysia, trở thành một sản phẩm thế mạnh của nước này. VN có thể cạnh tranh tốt nếu các cơ sở giữ được bản sắc địa phương trong dịch vụ của mình và nhận được hỗ trợ tích cực của nhà nước.

 

N.Trần Tâm