06/01/2025

Tiếng Việt hổ lốn?

Việc tiếp thu một khái niệm bên ngoài sẽ kèm theo văn hoá gốc của chúng, vậy điều này có dẫn đến ngoại lai về văn hoá không? Làm sao giữ được mối liên hệ giữa tổ tiên và con cháu khi ngôn ngữ giữa họ không còn như nhau nữa?

  

Tiếng Việt hổ lốn?

Việc tiếp thu một khái niệm bên ngoài sẽ kèm theo văn hoá gốc của chúng, vậy điều này có dẫn đến ngoại lai về văn hoá không? Làm sao giữ được mối liên hệ giữa tổ tiên và con cháu khi ngôn ngữ giữa họ không còn như nhau nữa?


Kiểu dùng ngôn ngữ ’teen code’ của giới trẻ gây sốc cho lớp người lớn tuổi – Ảnh mang tính minh họa

Tôi có một người bạn người gốc Tây Nam bộ nên ngôn ngữ đặc chất miền Tây, rất thú vị với những câu đặc trưng như: “đi dzìa”, “mình ên”… Bẵng mấy năm không gặp lại kể từ khi anh lên thành phố làm việc, ngôn ngữ anh giờ thay đổi lạ lùng, thêm nhiều từ mới như “ô kê em”, “hôm nay tao ốp (off), tụi bây đi cốc phi (coffee) với tao không”… Hỏi ra, anh bảo bây giờ nói chuyện không kèm thêm vài từ nửa Anh nửa Tàu người ta có mà khinh!

Nhưng đó chỉ là quan điểm cá biệt. Vì hầu hết trường hợp sử dụng câu thoại nửa Anh nửa Việt hiện nay là bởi tính thông dụng của nhiều từ tiếng Anh, chẳng hạn “laptop”, “smartphone”, “setup”… Những từ ngữ này có liên hệ nhiều đến thời đại thông tin mọi người đang sống.

Bên cạnh xu hướng này, một xu hướng khác đang phổ biến trong giới trẻ, lứa tuổi ham thích sự phá cách, tìm cái mới lạ, độc đáo. Đó là việc biến đổi những từ ngữ thường dùng thành một dạng khác: “nói nhịu”, “viết nhịu” hay còn gọi là “teen code”.

Từ những thay đổi nhỏ mà người ngoài còn hiểu được như “biết rùi” đến những câu thực sự đánh đố người khác “gato” (ghen ăn tức ở), “kjh” (không gì hết). Chúng ta nghĩ gì? Nói một cách khách quan, sự biến đổi ngôn ngữ này không hề mới lạ. Dường như mỗi thời đại, lại có những từ ngữ đặc trưng ở thời đại đó.

Cách đây gần trăm năm, khi các cụ nhà ta đang sôi sục với phong trào Âu hoá, chẳng đã tiếp thu thêm những từ gốc Tây phương như “pê đan”, “coóc xê”, hay “mốt”… Dù biết vậy, nhưng đứng trước thực tế đó, nhiều người trong chúng ta vẫn có thái độ khác nhau, người lạc quan cho rằng sự biến đổi là tất yếu, ngôn ngữ không bao giờ đứng yên, đời sống hàng ngày luôn thay đổi buộc chúng ta phải sáng tạo để có từ ngữ mới phù hợp với chúng.

Tiếp thu những từ mới có nguồn gốc bên ngoài đã xảy ra hàng ngàn năm trong lịch sử ta, nhưng không vì vậy chúng ta đánh mất bản sắc dân tộc. Người cẩn thận thì sợ rằng điều gì sẽ xảy ra một khi cách nói nhịu, viết nhịu hiện nay trở thành phổ thông?

Việc tiếp thu một khái niệm bên ngoài sẽ kèm theo văn hoá gốc của chúng, vậy điều này có dẫn đến một sự ngoại lai về văn hoá không? Làm sao giữ được mối liên hệ giữa tổ tiên và con cháu họ khi ngôn ngữ giữa họ không còn như nhau nữa?

Riêng tôi không thực sự ủng hộ hay phản đối xu hướng hiện nay của ngôn ngữ. Theo tôi, sự phát triển, thay đổi của ngôn ngữ là điều tất yếu. Ngôn ngữ là sản phẩm của một xã hội, nó trở thành như thế vì xã hội đã chấp nhận nó, hoặc một đa số xã hội đã sử dụng nó. Nhưng mặt khác, tôi cũng e dè với sự thay đổi nhanh chóng của nó.

Rõ ràng, sự phổ cập của công nghệ thông tin đã làm ngôn ngữ thay đổi nhiều hơn. Điều đó không chỉ đến từ những diễn đàn, những trang mạng xã hội mà còn được tiếp tay từ giới truyền thông chính thống. Chắc chúng ta chưa quên những bài viết sử dụng từ Hán Việt vô tội vạ như “đinh tặc”, “vấn nạn”…, hoặc những từ mới toanh có giở từ điển tìm cả ngày cũng không thấy.

Bên cạnh đó, thái độ bàng quan của đa số người trong xã hội cũng góp phần cho sự biến đổi đó. Chúng ta không có quan điểm gì trước cái đang xảy ra, và rồi với thời gian, với sự vô thức, chúng ta cũng tiếp thu và sử dụng nó.

Trong xã hội nông nghiệp quá khứ, sự biến đổi ngôn ngữ chủ yếu đến từ sự chia cắt về mặt địa lý giữa các vùng miền, ngôn ngữ ngoại lai rất ít và cũng rất khó để thâm nhập, vì điều đó chẳng có lợi gì, mặt khác có thể gây hại cho tính ổn định xã hội. Còn ở thời đại hội nhập chúng ta, học hỏi và tiếp thu bên ngoài là yếu tố sống còn, nên tất yếu phải chấp nhận cái mới lạ, cái đến từ bên ngoài, nhưng liệu có phải nên học hỏi tất cả, sao chép nguyên trạng, để rồi dần che lấp, bóp méo và phủ nhận cái ta vốn có.

Chúng ta luôn đề cao việc giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, sự trong sáng của tiếng Việt. Nhưng thực chất sự truyền tải thông tin vô ý thức và thái độ bàng quan của mỗi chúng ta đang từng bước làm mòn đi cái bản sắc văn hoá truyền thống bằng chính cái cơ bản nhất của văn hoá chúng ta: tiếng mẹ đẻ.

Nhân Văn