Hạt giống tốt

Những dụ ngôn trong Phúc Âm là những truyện kể ngắn gọn được Đức Giêsu dùng để loan báo những mầu nhiệm Nước Trời. Khi sử dụng những hình ảnh và những tình huống trong cuộc sống thường nhật, Chúa «muốn chỉ cho chúng ta nền tảng thật sự của mọi sự.

 Hạt giống tốt

Kinh Truyền Tin
Dinh Tông Toà Castelgandolfo
Chúa Nhật XVI TN, 17/7/2011

Anh chị em thân mến,

Những dụ ngôn trong Phúc Âm là những truyện kể ngắn gọn được Đức Giêsu dùng để loan báo những mầu nhiệm Nước Trời. Khi sử dụng những hình ảnh và những tình huống trong cuộc sống thường nhật, Chúa «muốn chỉ cho chúng ta nền tảng thật sự của mọi sự. Người chỉ cho chúng ta… Thiên Chúa là Đấng hành động, là Đấng bước vào trong cuộc đời của chúng và muốn nắm lấy bàn tay chúng ta» (Đức Giêsu thành Nazareth, phần một, 2007). Qua loại diễn từ này, vị thầy thần linh mời gọi chúng ta nhận ra trước tiên tối thượng quyền của Thiên Chúa Cha: nơi nào không có Thiên Chúa hiện diện, thì nơi đó chẳng có gì tốt lành cả. Đây là một ưu tiên mang tính quyết định cho tất cả mọi sự. Vương quốc Nước Trời có nghĩa là quyền chủ tể của Thiên Chúa và điều đó có nghĩa là ý muốn của Thiên Chúa phải được xem là tiêu chuẩn hướng dẫn cuộc đời chúng ta.

Chủ đề bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay là Nước Trời. «Trời» không chỉ được hiểu theo nghĩa là vượt lên trên chúng ta, bởi vì khoảng không gian vô tận này cũng có hình thái nội tâm của con người. Đức Giêsu so sánh Nước trời như một cánh đồng lúa mì, để làm cho chúng ta hiểu rằng một cái gì đó thật bé nhỏ và được giấu kín, tuy nhiên lại có một sức mạnh sống động không thể nào kềm chế được mà Chúa đã gieo vào lòng chúng ta. Dầu cho đủ loại chướng ngại, hạt giống vẫn phát triển và trở nên chín vàng. Hạt giống trở nên tốt tươi chỉ khi nào mảnh đất cuộc đời được cấy trồng theo ý Thiên Chúa. Chính vì thế trong dụ ngôn hạt giống tốt và cỏ lùng (Mt 13,24-30), Đức Giêsu cảnh tỉnh chúng ta rằng sau khi ông chủ gieo hạt, «trong khi mọi người đang ngủ», thì «kẻ thù của ông» đã đến và gieo cỏ lùng. Điều này có nghĩa là chúng ta phải sẵn sàng duy trì ơn Chúa mà mình đã lãnh nhận ngày chịu phép rửa tội, tiếp tục nuôi sống đức tin vào Chúa, Ngài sẽ ngăn cản không cho điều dữ bén rễ sâu. Khi chú giải dụ ngôn này, Thánh Âu Tinh đã ghi nhận «vào lúc khởi đầu, nhiều người là cỏ lùng rồi sau đó mới trở nên lúa tốt», và ngài nói thêm: «nếu họ không được Chúa khoan dung chờ đợi, thì khi còn sống xấu xa, họ đã không có được sự thay đổi đáng khen này» (Quaest. septend. in Ev. sec. Matth., 12, 4: PL 35, 1371).

Các bạn thân mến, sách Khôn Ngoan – được bài đọc I hôm nay trích dẫn – nhấn mạnh đến chiều kích của hữu thể thần linh và nói: “Lạy Chúa, ngoài Chúa ra, chẳng còn thần nào khác, Chúa là Đấng chăm sóc mọi người… Chính do sức mạnh của Chúa mà Chúa hành động công minh, và vì chúa làm bá chủ vạn vật, nên Chúa nương tay với mọi loài” (Kg 12,13.16); và Thánh vịnh 85 xác nhận điều này: “Chúa nhân từ và hay tha thứ, giàu tình thương đối với những ai kêu cầu Ngài…” (Tv 85, c. 5). Do đó, nếu chúng ta là con cái của một người Cha vĩ đại và tốt lành như thế, thì chúng ta hãy cố gắng trở nên giống như Ngài! Đó chính là mục đích mà Đức Giêsu đã đeo đuổi khi Người ra đi rao giảng; quả thật Người nói với những ai lắng nghe Người: «Vậy, anh em hãy nên trọn lành như Cha anh em trên trời là Đấng trọn lành» (Mt 5,48). Chúng ta hãy tin tưởng hướng về Đức Trinh Nữ Maria mà ngày hôm qua chúng ta kêu cầu dưới tước hiệu Đức Bà Núi Camêlô, xin Mẹ giúp chúng ta trung thành bước đi theo Đức Giêsu và như thế, sống như con cái thật sự của Thiên Chúa.