09/01/2025

Mỹ tính kế trị Trung Quốc tại biển Đông

Mỹ đang cân nhắc điều máy bay trinh sát và triển khai nhiều tàu bè để răn đe những hành vi gây hấn của Trung Quốc ở biển Đông.

 

Mỹ tính kế trị Trung Quốc tại biển Đông

Mỹ đang cân nhắc điều máy bay trinh sát và triển khai nhiều tàu bè để răn đe những hành vi gây hấn của Trung Quốc ở biển Đông.

Mỹ sẽ tăng cường hoạt động của máy bay trinh sát tại các vùng tranh chấp - Ảnh: US Navy
Mỹ sẽ tăng cường hoạt động của máy bay trinh sát tại các vùng tranh chấp - Ảnh: US Navy

Tại Đối thoại kinh tế và chiến lược Mỹ – Trung lần 6 vừa kết thúc tại Bắc Kinh hôm qua, phái đoàn Mỹ do Ngoại trưởng John Kerry và Bộ trưởng Tài chính Jack Lew đã trình bày quan ngại sâu sắc của Washington trước các tuyên bố đơn phương của Trung Quốc về chủ quyền ở biển Đông.

Trong lúc các quan chức Mỹ vận dụng phương thức ngoại giao để thuyết phục Bắc Kinh tuân theo luật quốc tế, tờ Financial Times cho hay Lầu Năm Góc đang phát triển chiến thuật quân sự mới để chặn đứng đà tấn công chậm chạp nhưng ổn định nhằm nuốt trọn biển Đông. Một chứng cứ cho thấy Mỹ đang áp dụng chiến lược mới là sự kiện Mỹ triển khai các máy bay trinh sát P-8A bay ngang Bãi Cỏ Mây thuộc Trường Sa. Lúc đó các tàu Trung Quốc đang cố tình chặn đường tiếp tế của Philippines cho lính thủy đánh bộ đóng trên xác tàu BRP Sierra Madre bị mắc cạn từ năm 1999. Trước đây, Mỹ vẫn duy trì hoạt động của các máy bay do thám trong khu vực, nhưng sự xuất hiện của thế hệ máy bay đời mới P-8A cho thấy Lầu Năm Góc quyết định đẩy mạnh hoạt động trinh sát tại các vùng tranh chấp. “Thông điệp ở đây là: Chúng tôi biết các người đang làm gì, hành động của các người sẽ có hậu quả. Chúng tôi thừa năng lực và ý chí. Và chúng tôi đang có mặt tại đó”, theo một cựu quan chức Lầu Năm Góc.

Đồng thời, Washington có thể sẽ công bố hình ảnh chụp cảnh tàu Trung Quốc quấy rối tàu cá Việt Nam và Philippines, buộc Bắc Kinh phải suy nghĩ kỹ trước khi có động thái không đúng mực. Một chiến thuật khác là phát triển hệ thống khu vực, cho phép các nước ở tây Thái Bình Dương trao đổi thông tin chi tiết về vị trí của tàu bè trong khu vực. Hiện Philippines, Nhật Bản cùng những nước khác đã nhận được các thiết bị radar, theo dõi hiện đại từ Mỹ và hệ thống chia sẻ thông tin có quy mô lớn hơn đã đi vào hoạt động.

Bên cạnh đó, Lầu Năm Góc có kế hoạch điều phi đội B-52 và gửi tàu hải quân đến gần các khu vực đang tranh chấp để phô trương lực lượng một cách có tính toán. Đồng thời, để đối phó trước động thái ngày càng ngang ngược hơn của Trung Quốc tại biển Đông, Mỹ cũng lên kế hoạch triển khai lực lượng tuần duyên và hộ tống tàu cá, ngư dân của các nước trong khu vực trở lại những vùng biển mà họ đã bị Bắc Kinh dùng vũ lực trục xuất một cách bất hợp pháp.

Những kế hoạch răn đe này được các quan chức Mỹ cân nhắc một phần cũng vì thất vọng trước điều được họ xem là sự bất tín của phía Trung Quốc trong vụ tranh chấp bãi cạn Scarborough ở biển Đông. Theo tờ Financial Times, vào tháng 6.2012, các quan chức cấp cao Mỹ – Trung đã nhóm họp tại bang Virginia để thảo luận về vụ đối đầu căng thẳng giữa tàu hải quân Trung Quốc với tàu cá Philippines trong suốt 2 tháng. Sau cuộc họp giữa Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Kurt Campbell và Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Phó Doanh, các quan chức Mỹ tin rằng họ đã đạt được thỏa thuận để hai bên đều rút tàu khỏi Scarborough. Kết quả là một tuần sau, tàu Philippines quay về cảng, nhưng phía Trung Quốc vẫn tiếp tục bám trụ tại đó cho đến nay và khẳng định không hề có thỏa thuận nào như vậy. “Rõ ràng là những nỗ lực của chúng tôi đã dùng đến để ngăn chặn Trung Quốc tại biển Đông là không hiệu quả”, một quan chức cao cấp của Mỹ nói. Theo tờ Financial Times, thách thức mà Lầu Năm Góc phải đối mặt là làm sao tìm được những chiến thuật hiệu quả nhưng không làm bùng phát xung đột trực tiếp với thế lực đang trỗi dậy tại tây Thái Bình Dương.

 

Ít hợp tác, nhiều bất đồng

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 10.7 đã lên án mạnh mẽ cái gọi là “ảnh hưởng rợn tóc gáy” của hoạt động tin tặc nhằm vào giới kinh doanh Mỹ khi phát biểu kết thúc cuộc đối thoại kéo dài 2 ngày với các quan chức Trung Quốc. Bất chấp yêu cầu của Mỹ, Bắc Kinh từ chối khôi phục nhóm làm việc an ninh mạng song phương. Ngoài thỏa thuận về khí hậu, dường như Mỹ – Trung không đạt được đồng thuận về những vấn đề chủ chốt khác như tranh chấp biển và tiền tệ. 

H.G

 

 

Úc sẵn sàng đương đầu Trung Quốc

Chỉ vài giờ sau khi Thủ tướng Úc Tony Abbott và đồng nhiệm Nhật Bản Shinzo Abe ký thỏa thuận tăng cường hợp tác thương mại và quốc phòng, Ngoại trưởng Úc Julie Bishop tuyên bố Canberra sẽ lên tiếng để bảo vệ hòa bình, các giá trị tự do và sự thượng tôn pháp luật, thậm chí ngay cả khi phải đương đầu với Bắc Kinh. Theo Đài ABC, bà Bishop cho hay các chính quyền trước ở Úc thường phạm sai lầm là tránh phản đối Trung Quốc vì sợ nước này công kích.  

T.M

 

Thụy Miên