10/01/2025

Yêu sách của Trung Quốc ‘có vấn đề’

Yêu sách chủ quyền thâu tóm gần trọn biển Đông mà Trung Quốc đưa ra là “có vấn đề” và những động thái của Bắc Kinh đang gây căng thẳng trong khu vực.

 

Yêu sách của Trung Quốc ‘có vấn đề’

Yêu sách chủ quyền thâu tóm gần trọn biển Đông mà Trung Quốc đưa ra là “có vấn đề” và những động thái của Bắc Kinh đang gây căng thẳng trong khu vực.


Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (bìa phải) thăm Vạn Lý Trường Thành sau khi đến Trung Quốc ngày 8.7 - Ảnh: Reuters

Đó chính là lời nhận xét của một quan chức cao cấp Mỹ tháp tùng phái đoàn của Ngoại trưởng John Kerry và Bộ trưởng Tài chính Jack Lew tham dự Đối thoại kinh tế và chiến lược Mỹ – Trung lần thứ 6, tổ chức tại Bắc Kinh từ 9 – 10.7, theo AFP. Nguyên văn câu nói của quan chức này là: “Sự mơ hồ liên quan đến đường 9 đoạn là có vấn đề”.

Không dừng lại ở đó, các quan chức Mỹ đồng thời bày tỏ sự lo ngại ngày càng tăng cao về “sự sẵn sàng sử dụng quân đội, lực lượng bán quân sự, các lực lượng tuần duyên để đẩy mạnh các tuyên bố chủ quyền của mình”. Quan chức cao cấp nói trên cũng quan ngại về những vụ đụng độ gần đây tại biển Đông, khi Trung Quốc cho tàu đâm tàu Việt Nam, dùng vòi rồng và thậm chí bắt ngư dân. Trung Quốc từng cam kết sẽ dùng biện pháp ngoại giao và hòa bình để giải quyết tranh chấp tại biển Đông, “chúng tôi muốn Trung Quốc tôn trọng cam kết và giữ chữ tín như đã nói”, theo quan chức Mỹ.

Đấu khẩu Mỹ – Trung

Có thể thấy Mỹ – Trung bước vào cuộc Đối thoại kinh tế và chiến lược lần thứ 6 trong bối cảnh quan hệ song phương có nhiều bất đồng vì những hành vi hung hăng của Bắc Kinh ở biển Đông, biển Hoa Đông cũng như hoạt động gián điệp kinh tế qua mạng. Không khí căng thẳng thể hiện trong phát biểu của quan chức hai nước trước thềm đối thoại. Theo Reuters dẫn lời một số quan chức tháp tùng ông Kerry, Ngoại trưởng Mỹ sẽ nhấn mạnh mối quan ngại ngày càng tăng cao của Washington đối với “hành vi có vấn đề” của Trung Quốc ở biển Đông. Nhân dịp này, phía Mỹ sẽ kêu gọi Trung Quốc và các nước liên quan trình bày chứng cứ củng cố những tuyên bố về lãnh hải nhằm bảo đảm rằng mọi việc được xử lý dựa trên luật quốc tế. “Thái độ mù mờ về các tuyên bố có thể gây nên bất ổn và dẫn đến đối đầu hoặc nghiêm trọng hơn là xung đột”, một quan chức Mỹ nói với Reuters.

Trong khi đó, tờ The Washington Post dẫn lời Phó tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Tôn Kiến Quốc cáo buộc Mỹ khuyến khích các quốc gia trong khu vực khiêu khích Trung Quốc. “Rõ ràng tranh chấp là chuyện của hai phía song Mỹ đã chọn đứng về một phía và không hề vô tư”, ông Tôn nói. Còn theo AFP, Trợ lý Ngoại trưởng Trung Quốc Trần Trạch Quang nhấn mạnh rằng Mỹ “đã đưa ra vài nhận xét và hành động sai lầm về vấn đề lãnh hải và gián điệp mạng, dẫn đến ảnh hưởng tiêu cực cho quan hệ song phương”.

Thách thức song phương

Đối thoại kinh tế và chiến lược sẽ là cơ hội để hai nước kiểm tra xem liệu hội nghị thường niên này có đủ sức đưa ra những thỏa hiệp song phương để hướng đến tăng cường quan hệ hai nước, hay cũng chỉ như những diễn đàn ngoại giao khác. Đại diện cho phái đoàn Mỹ là Ngoại trưởng John Kerry và Bộ trưởng Tài chính Jack Lew, trong khi phái đoàn chủ nhà do Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì và Phó thủ tướng Uông Dương dẫn đầu. Tờ The Washington Post dẫn lời giới quan sát nhận xét quan hệ Mỹ – Trung đang đứng trước thử thách khó khăn nhất kể từ khi Tổng thống Richard Nixon thăm Trung Quốc năm 1972. “Quan hệ Mỹ – Trung hiện xấu hơn giai đoạn sau khi bình thường hóa quan hệ và Đông Á ngày nay trở nên ít ổn định nhất kể từ sau Chiến tranh lạnh”, Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Boston (Mỹ) Robert Ross nói.

Theo Reuters, hai bên dự kiến sẽ thảo luận tổng cộng đến 60 vấn đề khi nghị trình họp được khởi động từ tối 8 – 10.7. Ngoài các vấn đề trọng tâm như tranh chấp lãnh thổ và gián điệp mạng, các quan chức sẽ tranh luận về việc định giá của đồng nhân dân tệ, lâu nay được áp đặt theo hướng có lợi cho xuất khẩu Trung Quốc, cũng như những lời than phiền từ các công ty Mỹ cho rằng họ luôn phải đối mặt với sự đối xử bất bình đẳng khi hoạt động tại Trung Quốc, đến mối đe dọa thường trực từ vấn đề hạt nhân ở bán đảo Triều Tiên.

 

Philippines lo ngại về luật mới của Trung Quốc

Luật Bảo vệ các cơ sở quân sự do Trung Quốc đơn phương thông qua và có hiệu lực từ ngày 1.8 có thể trở thành thảm họa thật sự nếu Bắc Kinh cương quyết áp dụng tại những khu vực đang tranh chấp trên biển Đông, theo một chuyên gia quân sự Philippines. Theo Đài ABS-CBN News, nhà phân tích quân sự Rommel Banlaoi nhận định nếu Trung Quốc quyết định áp dụng trong phạm vi “đường lưỡi bò”, nước này có thể sẽ sử dụng đến quân đội để thực thi đạo luật.

Trước đó, theo tờ South China Morning Post, Trung Quốc có thể sẽ sử dụng vũ lực đối với những hoạt động nghi là do thám trong các “khu vực cấm”. Ông Banlaoi nhận xét đây có thể là một nỗ lực của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng ở biển Đông đồng thời kêu gọi Bắc Kinh xác định rõ ràng các “khu vực cấm” theo định nghĩa trong đạo luật. Trong khi đó, trang GMA News dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose ngày 8.7 cho biết Manila đang nghiên cứu những ý đồ đằng sau đạo luật mới của Trung Quốc trước khi đưa ra phản ứng. 

H.G

 

Thụy Miên