27/11/2024

Ta đang “ghè đá vào chân mình”

Bàn về giải pháp tự chủ nền kinh tế, tránh lệ thuộc vào Trung Quốc, nhiều chuyên gia, đại diện các hiệp hội, ngành hàng đã dẫn chứng hàng loạt câu chuyện thực tế cho thấy chúng ta đang tự “lấy đá ghè vào chân mình”.

Ta đang “ghè đá vào chân mình”

Bàn về giải pháp tự chủ nền kinh tế, tránh lệ thuộc vào Trung Quốc, nhiều chuyên gia, đại diện các hiệp hội, ngành hàng đã dẫn chứng hàng loạt câu chuyện thực tế cho thấy chúng ta đang tự “lấy đá ghè vào chân mình”.

Nguồn: Hội thảo tự chủ kinh tế do VCCI tổ chức – Ảnh: Đ.Dân – Đồ họa: V.Cường – Dữ liệu: C.V.K. 

Tại hội thảo về tự chủ kinh tế do Phòng Thương mại – công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 3-7, nhiều hiệp hội cho rằng có nhiều chính sách, chỉ thị rất hay nhưng không thực hiện…

Nghị quyết đúng, nhưng thực tế khác

 

“Sống cạnh Trung Quốc mà làm sản phẩm y như Trung Quốc thì khó có thể cạnh tranh được”

Ông LÊ ĐĂNG DOANH

 

Khẳng định ngành cơ khí chịu nhiều áp lực từ Trung Quốc, ông Nguyễn Văn Thụ – chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam – cho rằng muốn tự chủ kinh tế, Việt Nam phải tăng nội lực.

Tuy nhiên, ngành cơ khí Việt Nam lúc nào các nghị quyết của Đảng cũng nói khuyến khích. Thế nhưng, thực tế giai đoạn cao điểm nhiều dự án cơ khí là 2003-2011, ông Thụ nêu có 5/6 dự án nhà máy hóa chất, 2/2 dự án chế biến khoáng sản, 49/62 dự án ximăng, 16/27 dự án nhà máy nhiệt điện đã rơi vào tay nhà thầu Trung Quốc. Trong đó, các dự án Trung Quốc làm tổng thầu, họ đem vào từ người đến thiết bị.

 “Như Nhà máy alumin Nhân Cơ, giá trị hợp đồng gần 500 triệu USD, họ giao cho nhà thầu Việt Nam chỉ khoảng 50 tỉ đồng, tức chỉ trên 2 triệu USD” – ông Thụ dẫn chứng.

“Tại sao tất cả dự án quan trọng lọt vào tay nhà thầu Trung Quốc?” – đặt câu hỏi rồi ông Thụ tự vấn lại thì thấy đã có nhiều cơ chế Việt Nam đưa ra để ưu tiên hàng trong nước, thế nhưng theo ông: “Cơ chế đọc rất hay, làm chỉ thị rất nhanh. Nhưng thực thi chả ai lo”. Ông Thụ cũng dẫn chứng vừa qua Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí đã tính toán, bóc tách được 11 gói thầu có thể cho nhà thầu trong nước làm, với giá trị hơn 300 triệu USD, trong 1,2 tỉ USD vốn để làm một nhà máy nhiệt điện, nhưng theo ông Thụ, “hai năm nay không tiếp cận được chủ đầu tư để triển khai”.

Nguyên thứ trưởng Bộ Xây dựng Trần Văn Huynh cũng cho rằng tự chủ trong kinh tế được nêu nhiều nhưng ít chuyển biến, thậm chí khi thực hiện đã triệt tiêu nội lực, phát huy ngoại lực. Ví dụ, ông Huynh nêu tài nguyên nhân lực Việt Nam đã không phát huy hết, để lao động nước ngoài vào. Trong các số liệu nhập khẩu, nhập siêu Trung Quốc, ông Huynh cho rằng đáng ra cần nêu cả số liệu nhập khẩu lao động nữa vì có tình trạng “làm nhà máy điện ở Quảng Ninh gần như toàn bộ lao động là người nước ngoài”.

Phát biểu tại hội thảo, bà Đặng Phương Dung – Hiệp hội Dệt may – giải đáp câu hỏi tại sao lại phụ thuộc Trung Quốc trong ngành mình. Sản lượng bông của Việt Nam, theo bà Dung, đã giảm vì chính sách đất đai, thị trường. Ngành nhuộm chưa đủ đáp ứng nhu cầu trong nước. Tuy nhiên, bà Dung nêu có tình trạng như ở Tây Ninh, khi đưa công nghiệp dệt nhuộm vào, nhưng do lo ô nhiễm nên đã không cho doanh nghiệp nhuộm gia công cho đối tác khác, khiến họ không thể sử dụng hết công suất và kêu rất nhiều.

Ông Phạm Vũ Hà, tổng thư ký Hiệp hội Sắn (khoai mì) Việt Nam, cũng bức xúc cho rằng Việt Nam đã xuất khẩu sắn lớn thứ hai thế giới. Cây sắn đang đem lại việc làm cho 1,2 triệu lao động, là hàng nông sản xuất khẩu lớn thứ ba sau gạo và cà phê.

Tuy nhiên, đại diện Hiệp hội Sắn cho rằng Bộ Tài chính đang quy định kiểm tra 100% lô hàng xuất khẩu nông sản đã khiến tăng chi phí, thời gian giao hàng của doanh nghiệp. Tiêu thức ghi trên tờ khai hải quan cũng chưa thống nhất giữa hải quan và thuế nên doanh nghiệp bị ách tắc trong hoàn thuế VAT. Với rất nhiều lý do, ông Hà nêu 85% lượng sắn Việt Nam vẫn phải bán vào Trung Quốc.

Trong khi đó, đại diện Hiệp hội Rau quả thì nêu miền Nam có sân bay Tân Sơn Nhất là cửa khẩu xuất hoa quả tươi nhiều nhất, nhưng lại nằm ở nội ô. Vận tải hiện rất bất cập vì vận chuyển hàng tươi lại phải tuân theo giờ cấm tải!

“Trung Quốc là bậc thầy hối lộ, lại quả”

Các hiệp hội, chuyên gia đã đưa ra nhiều giải pháp để tránh phụ thuộc Trung Quốc. Ông Nguyễn Văn Thụ lấy ví dụ doanh nghiệp Việt Nam được chỉ định thầu đóng giàn khoan dầu khí, nay họ khẳng định có thể đóng cỡ như giàn khoan 981 nếu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đặt hàng. Do đó, ông Thụ đề nghị với dự án vốn ngân sách, trái phiếu… cần chỉ định thầu giúp doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh, phát triển… “Thời gian cấp bách này phải tỉnh ngộ” – ông Thụ nói.

Theo TS Lê Đăng Doanh – nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, Việt Nam mở cửa thị trường nhưng phải có hàng rào kỹ thuật. Ông Doanh cũng đặt câu hỏi tại sao Việt Nam lại giao nhiều dự án cho nhà thầu Trung Quốc và cảnh báo doanh nghiệp Trung Quốc là bậc thầy về lại quả, hối lộ. Vì vậy cần đề cao chế độ trách nhiệm cá nhân và minh bạch hơn. Ông Doanh nêu “điểm yếu tử huyệt” của Việt Nam là công nghệ cũng phụ thuộc Trung Quốc. “Sống cạnh Trung Quốc mà làm sản phẩm y như Trung Quốc thì khó có thể cạnh tranh được” – ông Doanh dẫn chứng.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nêu doanh nghiệp Việt Nam đang bị hàng Trung Quốc chèn lấn, không phát triển được, mất động lực đầu tư phụ trợ. Thậm chí có doanh nghiệp Việt Nam làm hết ở Trung Quốc, chỉ đem về Việt Nam dán nhãn Việt. Bà Lan đề nghị Nhà nước nên hỗ trợ doanh nghiệp, cụ thể doanh nghiệp nhuộm yêu cầu hệ thống nước thải tập trung thì Nhà nước đầu tư khu công nghiệp với hệ thống xử lý, tránh chỉ ưu đãi lãi suất chung chung, không thiết thực…

Theo ông Vũ Tiến Lộc – chủ tịch VCCI, tới đây VCCI sẽ làm việc với các hiệp hội, để từng hiệp hội nêu cái khó nhất cần hỗ trợ của ngành mình, từ đó sẽ tập hợp kiến nghị lên Chính phủ để tăng tự chủ kinh tế Việt Nam, giảm phụ thuộc thị trường Trung Quốc.

 

 

* Ông ĐỖ TIẾN SÂM (tổng biên tập tạp chí Nghiên Cứu Trung Quốc):

“Làm thui chột khả năng sáng tạo”

Ông cha ta đã đúc kết Trung Quốc là đại quốc tiểu nhân, nước lớn nhưng không quân tử. Trước, bây giờ, sau này vẫn đúng. Sự lệ thuộc của Việt Nam vào Trung Quốc là có rồi. Nó nguy hại là làm thui chột khả năng sáng tạo của người Việt Nam, giảm sức cạnh tranh sản phẩm Việt Nam; có thể làm hư hỏng bộ máy quản lý, kể cả cấp trung ương, địa phương. Nó khiến tăng ba nguy cơ: tụt hậu kinh tế; đe dọa chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; đe dọa môi trường hòa bình, ổn định khu vực.

Giải pháp phải tăng nội lực, đẩy mạnh hội nhập, đổi mới tư duy. Trung Quốc rất khôn, họ chọn đối tác có thể chuyển giao công nghệ như Đức. Việt Nam nên tính toán đến công thức vốn, công nghệ châu Âu, nhân lực Việt Nam và xuất khẩu sang Trung Quốc.

 

 

C.V.KÌNH