27/11/2024

Chẳng khác gì tổ chức dạy thêm

Câu chuyện chương trình “tích hợp quốc gia Anh” nay đã rõ sau khi các bên liên quan trực tiếp hay miễn cưỡng tiết lộ thông tin. Nói tóm tắt thì đây là chương trình chủ yếu nhằm để dạy tiếng Anh mỗi tuần 6 tiết cho học sinh cấp tiểu học và trung học cơ sở, trong đó có học tiếng Anh dùng trong môn toán và khoa học.

Chẳng khác gì tổ chức dạy thêm

Câu chuyện chương trình “tích hợp quốc gia Anh” nay đã rõ sau khi các bên liên quan trực tiếp hay miễn cưỡng tiết lộ thông tin.

Nói tóm tắt thì đây là chương trình chủ yếu nhằm để dạy tiếng Anh mỗi tuần 6 tiết cho học sinh cấp tiểu học và trung học cơ sở, trong đó có học tiếng Anh dùng trong môn toán và khoa học.

Sở dĩ không nói học toán và khoa học bằng tiếng Anh vì chắc chắn chỉ với 6 tiết/tuần cho cả ba môn thì không thể nào học đầy đủ đúng như chương trình quốc gia của Anh. Chỉ là học theo kiểu cưỡi ngựa xem hoa là chính.

Chương trình này không có sự hợp tác của Bộ Giáo dục Anh, cũng chẳng được cơ quan khảo thí của nơi này cấp chứng nhận, chưa được Bộ GD-ĐT kiểm định hay phê duyệt và chưa được UBND TP.HCM phê duyệt cho triển khai.

Nó chẳng khác gì chuyện một trung tâm tiếng Anh mở lớp dạy thêm cho học sinh với học phí khá đắt – trên 3 triệu đồng/tháng. Nói là không khác vì học sinh cũng phải học song song các môn đó bằng tiếng Việt (có thể được giảm một số tiết), cũng phải dự kiểm tra đánh giá như các học sinh khác và cuối cấp cũng phải thi theo chương trình tiếng Việt như các bạn không học “chương trình tích hợp”.

Những thông tin nói trên chỉ xuất hiện sau khi báo chí vào cuộc, còn trước đó thông tin không phải như thế. Đây là điểm mấu chốt vì giáo dục con người đòi hỏi sự minh bạch, trung thực, khách quan.

Nói cho cùng thì giả thử giữa Sở GD-ĐT TP.HCM và Bộ Giáo dục Anh có sự hợp tác đi nữa thì việc cho một công ty tư nhân tổ chức dạy thêm trong hệ thống công lập để thu tiền là sai nguyên tắc.

Vì thế câu chuyện chương trình có sự hợp tác của Bộ Giáo dục Anh hay không không còn quan trọng nữa rồi. Sở hợp tác với EMG hay với bất kỳ ai khác cũng không quan trọng vì với ai, học phí có rẻ hơn thì bản chất vấn đề cũng thế. Và bản thân chương trình Cambridge cũ cũng không khác là bao.

Vấn đề quan trọng là bình thường phụ huynh sẽ rất lưỡng lự, cân nhắc khi cho con đi học thêm tiếng Anh mỗi tuần 6 tiết ở một trung tâm dù họ quảng cáo dạy cả toán và khoa học bằng tiếng Anh, dù họ bảo đảm học xong là đủ sức theo học các môn này ở nước ngoài.

Đằng này cái giá khá đắt của “chương trình tích hợp” này đã được hóa giải phần nào bằng uy tín của Sở GD-ĐT, uy tín vay mượn của Bộ Giáo dục Anh (trước đây là uy tín và sự hợp tác thật sự của Cambridge), bằng thói quen tin vào hệ thống công lập, tin vào các lớp do chính nhà trường mở. Đó mới chính là bản chất của vấn đề sử dụng sai hệ thống công lập nên mới đẻ ra chuyện mập mờ thông tin.

Một yếu tố quan trọng khác là cách tổ chức một chương trình như thế phá hỏng môi trường sư phạm, bởi không thể nào chấp nhận cảnh một trường mà ban giám hiệu và đội ngũ giáo viên bị gạt qua một bên, nhường một phần cơ sở vật chất cho một bên thứ ba vào tổ chức dạy thêm cho học sinh của chính mình. Thử nghĩ trường tự mở các lớp như thế cho người ngoài vào dạy để thu tiền thì sở nghĩ như thế nào? Xin đừng tiếp tục biện bạch tương lai sẽ đào tạo giáo viên của trường cùng đảm trách nữa. Một môi trường giáo dục đúng nghĩa là tất cả các bên liên quan cùng nhau thực hiện sứ mệnh dạy và học, cùng nhau cải tiến dần để trở thành môi trường học tập tối ưu. Cũng không thể chấp nhận cảnh các em chỉ vì không đủ tiền để đóng học phí cao ngất này đành phải học ở lớp chật chội, đông đúc, dành lớp ít học sinh cho các em có tiền.

Hi vọng các cấp có thẩm quyền sẽ có quyết định sáng suốt với việc thí điểm này và có lời giải thích rõ ràng cho phụ huynh trước thềm năm học mới.

NGUYỄN VẠN PHÚ