12/01/2025

Biếm hoạ đi cùng thời cuộc

“Chỉ cần xem tranh là hiểu” – đó là chia sẻ của hoạ sĩ nhiều tuổi nhất triển lãm biếm hoạ Hướng về biển Đông – Phạm Tấn Phú (85 tuổi). Và 86 bức biếm hoạ là 86 thông điệp về một Trung Quốc tham tàn, mưu đồ thống trị trên biển Đông.

Biếm hoạ đi cùng thời cuộc

“Chỉ cần xem tranh là hiểu” – đó là chia sẻ của hoạ sĩ nhiều tuổi nhất triển lãm biếm hoạ Hướng về biển Đông – Phạm Tấn Phú (85 tuổi). Và 86 bức biếm hoạ là 86 thông điệp về một Trung Quốc tham tàn, mưu đồ thống trị trên biển Đông.

Đại sứ CHLB Đức tại Việt Nam Jutta Frasch (phải) đang chăm chú theo dõi một tác phẩm tranh biếm họa “Hướng về biển Đông” – Ảnh: Nguyễn Khánh 

Và cũng hiếm có cuộc triển lãm (kéo dài đến ngày 7-7) nào khiến người xem cười thoả mãn như thế. “Các hoạ sĩ như nói hết gan ruột mình” – một người xem chia sẻ.

Trực diện và gai góc

“Triển lãm lần này khiến những người chưa hiểu rõ vấn đề sẽ thức tỉnh hơn. Nó thôi thúc tình cảm của những người yêu Tổ quốc, những người yêu nghệ thuật”

Nhà phê bình NGUYỄN ĐỖ BẢO

Đi sát những diễn biến thời sự, từ sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 đến các phát ngôn, phản ứng, hành động của phía Trung Quốc, các hoạ sĩ biếm đã cho người xem thấy được bản chất của phía Trung Quốc trên tất cả mọi phương diện. Những hình ảnh hài hước nhưng quyết liệt khiến nhiều người xem thật sự thích thú. “Xem triển lãm xong tôi thấy rất đã. Các hoạ sĩ đã rất dũng cảm khi nói trực diện vào vấn đề người dân đang quan tâm, nói rõ được âm mưu bá quyền của Trung Quốc chứ không cần phải ám chỉ hay gọi chệch đi” – ông Nguyễn Trọng Tín (Hoàn Kiếm, Hà Nội) bày tỏ. Cái cảm giác “rất đã” ấy được chia sẻ râm ran tại nhà triển lãm 16 Ngô Quyền (Hà Nội) chật kín người. “Phải nói rõ ra như thế này mới đúng chứ” – một người xem phát biểu sau khi xem tranh.

“Bày tỏ thái độ với những vấn đề của đất nước là trách nhiệm của mỗi hoạ sĩ, đặc biệt là trong thời điểm đầy biến động này. Cái hay của biếm hoạ là thể hiện được nhiều tầng nghĩa nhưng lại dễ hiểu với nhiều người. Bức biếm hoạ của tôi xuất phát từ một phát biểu của lãnh đạo Trung Quốc: Trung Quốc không có gen xâm lược. Nhưng thực chất đó chỉ là một tuyên bố dối trá. Bởi vì lịch sử hàng nghìn năm nay cho thấy dù không có gen xâm lược nhưng Trung Quốc có gen xâm lấn và xâm lăng” – hoạ sĩ Còm chia sẻ.

Được gọi là kỷ lục của triển lãm, hoạ sĩ Phạm Tấn Phú là người nhiều tuổi nhất và có nhiều tranh nhất. Ở tuổi 85 và có hơn 40 năm gắn bó với biếm hoạ, hoạ sĩ Phạm Tấn Phú vẫn luôn sôi sục với những vấn đề thời sự. Đó là một cây cọ chưa bao giờ biết mệt mỏi, từ những đề tài chống Mỹ, chiến tranh biên giới đến các vấn đề tiêu cực trong xã hội ngày nay. “Tôi vẽ từ lâu lắm rồi, muốn thể hiện những bức xúc của mình bằng ngôn ngữ mà mình thích nhất là biếm hoạ. Những bức tranh này giúp tôi diễn đạt tâm tư của mình một cách chính xác nhất, mạnh mẽ nhất. Trung Quốc với đủ loại tàu lớn, hiện đại, súng ống, giàn khoan… đi ức hiếp những nước nhỏ hơn. Rõ ràng đó là thái độ kẻ mạnh bắt nạt kẻ yếu. Và biếm hoạ không cần nhiều lời, chỉ cần trông tranh đã hiểu rõ ý nghĩa mà hoạ sĩ muốn gửi gắm” – hoạ sĩ Phạm Tấn Phú chia sẻ.

Thông điệp quyết liệt

Hào hứng với những chú thích hài hước, hình ảnh giàn khoan cắm cờ cướp biển hay hình ảnh những con rắn ngụp lặn trên biển, Minh Quân (học lớp 5 Trường tiểu học Bế Văn Đàn, Hà Nội) nói: “Cháu thích xem tranh biếm hoạ vì mỗi bức đều có thông điệp riêng”. “Những con rắn nanh nhọn này thể hiện sự tham lam của Trung Quốc” – một cậu bé khác tranh luận với bạn. Chỉ trỏ, hình dung, tưởng tượng và cười khoái chí, những công chúng nhỏ tuổi của biếm hoạ không hề bàng quan với những vấn đề nóng bỏng của đất nước.

“Không hề né tránh, những bức biếm hoạ nói một cách sát sườn nhất, trực diện vào những vấn đề gai góc nhất đang diễn ra trên biển Đông. Chúng ta đã có ở đây những bức tranh chất lượng để thể hiện tiếng nói, thái độ của mình” – nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Đỗ Bảo bày tỏ. “Triển lãm lần này khiến những người chưa hiểu rõ vấn đề sẽ thức tỉnh hơn. Nó thôi thúc tình cảm của những người yêu Tổ quốc, những người yêu nghệ thuật. Từ đó, họ sẽ chung tay đấu tranh quyết liệt hơn nữa để Trung Quốc phải rút giàn khoan về nước”.

Còn hoạ sĩ Dzím nhận định: “Đó là cái hay của biếm hoạ, phản biện vui vẻ nhưng cũng rất sâu sắc. Ai cũng có thể hiểu và tiếp nhận”. Có lẽ nhờ vậy mà công chúng của biếm hoạ cũng bất kể tuổi tác, nguồn gốc, từ trẻ em đến người già, từ người Việt đến các vị khách nước ngoài. “Phải đưa triển lãm này đi nhiều nơi, để người dân Việt Nam xem và bạn bè quốc tế hiểu thông điệp quyết liệt của chúng ta” – nhà phê bình Nguyễn Đỗ Bảo đề nghị.

Vừa trở về từ chuyến đi Trường Sa, thượng tá Mai Quang Huy (Cục Chính trị – Bộ tư lệnh Hải quân) cũng có mặt tại triển lãm. “Thật sự tôi rất mong muốn những bức biếm hoạ được trưng bày rộng rãi tới mọi tầng lớp nhân dân. Biếm hoạ dễ cảm, dễ hiểu. Những bức tranh này đã nói lên được sự sai trái, thủ đoạn của Trung Quốc trong việc xâm chiếm biển Đông”, thượng tá Mai Quang Huy nói.

HÀ HƯƠNG