27/01/2025

Sinh viên: im lặng là vàng

Liệu đây có phải là thực trạng của sinh viên trong việc tiếp nhận thông tin: chỉ thích nghe một chiều, không có ý kiến lẫn phản biện lại?

Sinh viên: im lặng là vàng

Liệu đây có phải là thực trạng của sinh viên trong việc tiếp nhận thông tin: chỉ thích nghe một chiều, không có ý kiến lẫn phản biện lại?

Sinh viên Trường ĐH Y dược TP.HCM hăng hái đặt câu hỏi, phát biểu tại một hội thảo về kỹ năng sống – Ảnh: Giang Phạm 

“Trong các buổi trò chuyện, giao lưu với giới trẻ, tỉ lệ những bạn đặt câu hỏi luôn dưới 10%. Thậm chí có những lần tôi chẳng thấy cánh tay nào giơ lên… nên lần này được vậy là khá rồi” – ông Trần Hùng Thiện (giám đốc Công ty tư vấn GCOMM) khẳng định sau một buổi giao lưu với sinh viên vào cuối tháng 5 vừa qua.

Sự im lặng đáng sợ

Là người có thâm niên giảng dạy, chia sẻ kinh nghiệm với sinh viên nên phần trình bày của ông Thiện cùng một diễn giả khác đã khiến giảng đường đầy ắp tiếng cười. Tuy nhiên, khi phần trò chuyện của diễn giả kết thúc, bước vào phần đặt câu hỏi từ người nghe thì không gian đang rôm rả phút chốc… lặng im như tờ! Sau nhiều nỗ lực động viên từ hai diễn giả, lác đác vài cánh tay giơ lên. Nhìn quanh phía dưới hầu hết là những gương mặt cúi gằm hoặc ánh mắt ngó lơ. Số lượng sinh viên tham gia đặt câu hỏi ít đến mức một giảng viên sau đó phải đứng lên kêu gọi sinh viên chủ động hơn.

Đây cũng là trường hợp mà bà Công Huyền Tôn Nữ Thiên Phụng (giám đốc nhân sự Tập đoàn Nam Long) gặp phải khi đi giao lưu với sinh viên một trường ĐH lớn ở phía Nam. Không khí chỉ trở nên nhẹ nhõm hơn khi một giảng viên chủ động “hỏi mồi” vài câu, các cánh tay khác theo đó mới rụt rè giơ lên…Trước tình hình các câu hỏi quá èo uột, bà Phụng quyết định treo “giải thưởng” 500.000 đồng cho câu hỏi hay nhất với hi vọng mọi người đặt câu hỏi nhiệt tình, sâu sát hơn.

 

Do phương pháp học “thầy đọc, trò chép”?

Theo ThS xã hội học Trần Thị Ngọc Nhờ (giảng viên ĐH KHXH&NV TP.HCM), vấn đề trên có thể được lý giải:

“Văn hóa Á Đông và VN đề cao tính cộng đồng, tính tập thể, do đó tính cá nhân dần mờ nhạt” – bà phân tích. Trải qua nhiều ý thức hệ, yếu tố này làm cá nhân bị ràng buộc trong một khuôn mẫu cứng nhắc, cá nhân không được tự do thể hiện chính mình do sợ bị cộng đồng chỉ trích, phê phán… “Chưa kể là phương pháp học truyền thống “thầy đọc, trò chép” ăn sâu từ tiểu học đến đại học dẫn đến sự thụ động, ngại phát biểu, thể hiện quan điểm ở người học.

 

Đem câu chuyện này hỏi một số giảng viên, hầu hết đều cho biết “không quá ngạc nhiên”. “Nhất là ở những phần đặt câu hỏi mà người hỏi phải tìm hiểu nội dung trước hoặc mang tính phản biện” – ThS Trần Nguyên Khang (giảng viên ĐH KHXH&NV TP.HCM) cho biết. Bà Quỳnh Như, một giảng viên ĐH, thậm chí khẳng định chẳng muốn dành thời gian cho phần đặt câu hỏi trong chương trình nữa. “Mất thời gian cho cả đôi bên khi cả buổi chỉ có được vài ba câu hỏi mang tính đối phó, đôi khi chẳng có câu hỏi nào. Mỗi lần như vậy tôi lại thêm hoài nghi, nặng lòng về chất lượng bài giảng của mình” – bà giải thích. Đó cũng là tâm trạng của ông Lê Xuân Bình (quản lý các chương trình thi quốc tế của Hội đồng Anh tại VN), người đồng hành cùng nhiều buổi giao lưu với giới sinh viên.

Vì sao?

Điều nghịch lý là tuy rất thờ ơ với việc đặt câu hỏi ngay trong phần giao lưu nhưng khi kết thúc hội thảo, buổi học thì rất đông bạn trẻ lại tìm đến giảng viên, diễn giả để… đặt câu hỏi! “Chuyện này khá phổ biến. Điều này phản ánh sự thật là các bạn có nhiều câu hỏi muốn được giải đáp nhưng ngại nói lên giữa đám đông” – ông Bình và ông Thiện nhận định.

Nhớ lại khoảng thời gian còn ngồi ở giảng đường ĐH Ngoại thương TP.HCM, bà Nguyễn Thùy Liên (chủ tịch HĐQT Công ty ProSales) cho biết: “Tôi từng giống những bạn trẻ trên, từng sợ câu hỏi của mình chưa đủ “chín”, có thể trở thành trò cười hoặc bị người khác đánh giá thấp”.

Theo bà Phụng, một trong những nguyên nhân chính là người Việt với ảnh hưởng của văn hóa Á Đông thường có khuynh hướng trở nên nhút nhát, mắc cỡ và thiếu tự tin giữa đám đông. “Vấn đề trên không chỉ xảy ra với giới trẻ mà ở cả người lớn. Hầu hết ai cũng có nỗi sợ mơ hồ với câu hỏi “người khác sẽ nghĩ gì khi nghe mình hỏi điều này?”. Chuyện này rất ít khi xảy ra ở người nước ngoài” – bà Phụng nhìn nhận. Theo bà, sở dĩ có chuyện này là vì với người nước ngoài, chuyện đặt câu hỏi là điều rất bình thường. “Họ hỏi không phải vì không biết mà đôi khi họ muốn làm rõ vấn đề hơn, khơi gợi cho những câu hỏi khác để mọi người cùng tranh luận, đào sâu vấn đề. Lối suy nghĩ đó khiến người hỏi luôn thoải mái, tự tin” – bà Phụng nói.

Mất nhiều hơn được

“Cái trước tiên là bạn mất câu trả lời thoả đáng từ người trình bày. Đôi khi có độ chênh nhất định về kiến thức giữa người nói và người nghe hoặc do áp lực thời gian mà diễn giả chỉ có thể chia sẻ chung chung… để lại nhiều thắc mắc cho bạn. Vậy tại sao bạn không tận dụng phần đặt câu hỏi?” – ông Bình nói.

Còn theo ông Thiện thì diễn giả, giảng viên đôi khi truyền đạt kiến thức chủ yếu dựa trên kinh nghiệm sống nên mọi chia sẻ đều chỉ có tính tương đối. “Thay vì mãi thắc mắc, kềm nén trong lòng câu hỏi “tại sao?”, “điều đó có đúng không?”… sao bạn không tận dụng tối đa cơ hội để hiểu rõ vấn đề, cải thiện khả năng lập luận, sự tự tin của bản thân?” – ông Thiện phân tích. “Diễn giả, giảng viên sẽ biết ơn bạn vì có thể họ sẽ học được thêm điều gì đó từ câu hỏi của bạn” – bà Phụng bổ sung.

Một giám đốc nhân sự khác cho biết việc này cũng ít nhiều ảnh hưởng đến cơ hội nghề nghiệp của các bạn sinh viên. “Làm sao tôi có thể tin tưởng, đánh giá cao hay tuyển dụng các bạn khi các bạn không làm được một việc đơn giản là đặt câu hỏi cho điều mình đang thắc mắc. Những người thường chôn mình trong “vỏ bọc an toàn” là những người khó thể tiến xa” – chị chia sẻ sau một hội thảo nghề nghiệp vào đầu tháng 6.

CÔNG NHẬT