12/01/2025

Trung Quốc sai lầm khi cưỡng đoạt chủ quyền của Việt Nam

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho biết: TQ đã sai lầm khi quyết tâm cưỡng đoạt chủ quyền của Việt Nam, bất chấp những điều tối thiểu mà một quốc gia trong thế giới văn minh phải thực hiện.

 

Trung Quốc sai lầm khi cưỡng đoạt chủ quyền của Việt Nam

“Điều chúng ta cần là giữ vững độc lập tự chủ, chủ quyền lãnh thổ, đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển. Đừng ai động vào hai giá trị thiêng liêng ấy của chúng ta”.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh – thứ trưởng Bộ Quốc phòng – Ảnh: Việt Dũng

Vừa trở về từ Đối thoại Shangri-La (Singapore), thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh dành riêng cho Tuổi Trẻ một cuộc phỏng vấn về những vấn đề liên quan đến tình hình biển Đông.

Trung Quốc áp đặt cách hành xử mới

* Thưa ông, đã hơn một tháng trôi qua kể từ khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, họ không ngần ngại đe doạ bạo lực và sử dụng bạo lực, đã gây ra hậu quả như đâm chìm tàu cá, đâm thủng tàu chấp pháp của Việt Nam. Là một tướng lĩnh quân đội, tâm trạng ông thế nào?

 

“Điều mà quốc tế lo ngại chính là những tiền lệ hôm nay xảy ra với Việt Nam thì ngày mai có thể sẽ xảy ra với nước khác, hôm nay xảy ra trên biển thì ngày mai sẽ xảy ra trên bộ và ngày kia sẽ xảy ra trên không. Và như vậy vấn đề chủ quyền của Việt Nam tự nhiên không phải là vấn đề của riêng Việt Nam nữa. Bảo vệ lẽ phải của Việt Nam, vì vậy cũng là bảo vệ chân lý chung, lợi ích chung của thời đại”

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh

 

– Cảm nghĩ đầu tiên của tôi? Tôi nghĩ đây là một bước đột phá mới của Trung Quốc muốn thật sự chiếm lĩnh lợi thế và lợi ích trên biển Đông trong phạm vi đường chín đoạn mà họ tự ý vẽ ra.

Đứng trước tình hình như vậy thì chúng ta thấy rằng rõ ràng chủ quyền của Việt Nam bị đe doạ, nói rộng ra là an ninh quốc gia, độc lập tự chủ, hoà bình ổn định của chúng ta bị đe doạ. Chúng ta hết sức quan ngại trước hành động nghiêm trọng này.

Nhân dân ta bày tỏ thái độ rõ ràng, Nhà nước ta bày tỏ thái độ thiện chí rõ ràng là Trung Quốc cần phải dừng lại để đàm phán, giải quyết dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Dư luận quốc tế, rõ nhất là tại hội nghị Shangri-La vừa rồi, cũng đều thấy rằng những hành động của Trung Quốc là vi phạm luật pháp quốc tế, bất chấp đạo lý của thời đại và vi phạm những gì Trung Quốc đã cam kết với Việt Nam.

Mới đây thôi, năm 2012, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã ký với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng biên bản về cách ứng xử trên biển Đông của hai nước.

Tất cả những điều đó đều bị Trung Quốc bỏ qua. Họ đã sai lầm khi quyết tâm cưỡng đoạt chủ quyền của Việt Nam, bất chấp những điều tối thiểu mà một quốc gia trong thế giới văn minh phải thực hiện.

* Ông có cắt nghĩa được tại sao Trung Quốc làm điều này khi mà một nước lớn, đặc biệt là một quốc gia có ghế trong Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc lại hành xử như vậy?

– Bạn hỏi tôi tại sao họ làm như vậy thì tôi cũng không trả lời được. Nếu tôi là một người Trung Quốc thì tôi cũng không bao giờ làm như vậy. Vì sao thế?

Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam với tuyên bố là khai thác dầu khí, và lý do là Việt Nam đã khai thác quá nhiều rồi, bây giờ đến lượt Trung Quốc.

Ô hay, Việt Nam khai thác trên vùng biển của Việt Nam cơ mà, tại sao lại phải chia cho Trung Quốc? Với tư cách một nước lớn, đông dân nhất thế giới, với một giấc mơ Trung Hoa và họ nói là trỗi dậy hòa bình, vậy thử hỏi là một vài giếng dầu (nếu có) có giá trị gì so với đại cục?

Nhìn rộng hơn, những vấn đề ở biển Hoa Đông, hay tại bãi cạn Scarborough với Philippines thì Trung Quốc được gì so với hình ảnh Trung Quốc không còn là một đất nước trỗi dậy hòa bình nữa.

Thay vào đó là một đất nước đơn phương dùng sức mạnh, bất chấp luật pháp quốc tế để cưỡng bức nước khác, điều này tôi nghĩ rằng lợi thì ít mà hại thì nhiều.

Vậy Trung Quốc muốn gì? Ở đây tôi nghĩ và tôi hi vọng điều ấy đừng xảy ra là Trung Quốc muốn đây chỉ là bước đột phá đầu tiên để áp đặt cách hành xử mới trong quan hệ quốc tế, đó là dùng sức mạnh, đe dọa vũ lực để chiếm lĩnh những lợi ích không phải của họ.

Đây là điều không thể chấp nhận được trong thế giới hiện đại. Tôi xin nhấn mạnh rằng Trung Quốc sẽ không có lợi gì trong những cách hành xử như vậy. Tôi muốn hỏi những người láng giềng Trung Quốc là một vài mỏ dầu ấy có làm cho Trung Quốc giàu lên không? Hay một vài mỏ dầu ấy chỉ làm xấu đi hình ảnh Trung Quốc?

Với tư cách một người láng giềng, tôi muốn nói rằng Trung Quốc hãy dừng lại, hãy đi con đường phát triển chính đáng của mình. Họ có thể trở thành một cường quốc, thậm chí là cường quốc số 1 thế giới, nếu họ thật sự đi theo con đường phát triển hòa bình.

 

Một cú đâm mạnh của tàu Trung Quốc vào tàu cảnh sát biển 2016 trên vùng biển Hoàng Sa – Ảnh: My Lăng

 

Chiến lược “hạm mà không pháo”

* Trước đây ông từng lo ngại chiến lược “ngoại giao pháo hạm” của các nước lớn khi can dự vào biển Đông, phải chăng hành động này của Trung Quốc xảy ra đúng với điều lo ngại đó?

– Với những gì Trung Quốc thực hiện trong thời gian qua thì tôi lại nghĩ từ ấy không phù hợp lắm. Ở đây điều đang xảy ra là chiến lược ngoại giao “hạm mà không pháo”, dùng sức mạnh phi quân sự hoặc bán quân sự để áp đặt ý đồ và tham vọng của mình.

Trên thế giới văn minh thì chắc không ai thiết kế tàu biển dùng vào mục đích đâm nhau và thiết kế vòi rồng để tấn công người khác.

Đó là chưa kể Trung Quốc đã điều tàu tên lửa, tàu quân sự bao vây vòng ngoài để đe dọa. Sự thật những ngày vừa qua là Trung Quốc đã dùng vũ lực phi quân sự để đe dọa, trấn áp lực lượng chấp pháp và ngư dân Việt Nam. Có lẽ chúng ta phải tìm ra một từ ngữ nào mới để mô tả chiến lược của Trung Quốc.

* Ông cũng từng nói rằng một trong những đặc trưng của ý thức hệ của Việt Nam và Trung Quốc là Đảng Cộng sản lãnh đạo, nếu có được một người bạn XHCN rất lớn ở bên cạnh hợp tác cùng có lợi thì sẽ rất thuận lợi cho Việt Nam. Nhưng, “ý thức hệ” trong tình hình hiện nay cho thấy điều gì, thưa Thứ trưởng?

– Cho đến nay tôi vẫn giữ quan điểm này. Việt Nam cũng như Trung Quốc đang đi theo chế độ XHCN, dù muốn dù không thì vẫn có sự đồng cảm, tương đồng nhất định.

Đó cũng chính là nguyên nhân mà cho đến giờ phút này chúng ta vẫn kêu gọi thiện chí và tính toán chính xác của Trung Quốc.

Tuy nhiên, nếu họ để chủ nghĩa dân tộc cực đoan, lợi ích phi lý lấn át bản chất CNXH thì không có nghĩa là cứ cùng ý thức hệ thì sẽ hợp tác với nhau đầy đủ.

Ý thức hệ XHCN có bao giờ cho phép anh đi ngược lại chân lý, đạo lý thời đại, bất chấp luật pháp quốc tế, ngang nhiên xâm phạm chủ quyền của nước khác đâu.

Chúng ta đang sống trong thời đại mà muốn bình đẳng thì luật pháp quốc tế, các chuẩn mực chung phải được tuân thủ, không được xâm phạm lợi ích của nhau.

* Nhưng thực tế Trung Quốc đang “bật xinhan bên trái, bẻ tay lái sang phải”?

– Điều này cũng không nên kết luận vội vàng. Chúng ta không nói chữ Trung Quốc chung chung, bởi vì nhân dân Trung Quốc, những đảng viên chân chính của Đảng Cộng sản Trung Quốc, tôi tin là họ không nghĩ như vậy.

Vấn đề ở đây là lãnh đạo Trung Quốc, truyền thông Trung Quốc có phản ánh đúng tình hình hay không, hay vẫn nói rằng Việt Nam đang xâm lấn lợi ích của Trung Quốc? Việt Nam khiêu khích Trung Quốc?

Đây là việc mà dư luận quốc tế và chính Việt Nam phải làm cho nhân dân Trung Quốc hiểu là Việt Nam mong muốn hòa bình, hữu nghị, hợp tác với Trung Quốc trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau.

Tôi tin rằng nếu người dân Trung Quốc hiểu đầy đủ những gì xảy ra trên thực tế thì họ sẽ không đồng tình với những hành động mà Trung Quốc gây ra thời gian qua.

* Liệu có ai tin rằng Việt Nam đang khiêu khích Trung Quốc?

– Tất cả những người chứng kiến thực tế đều thấy rằng không đúng như vậy. Chính vì chúng ta minh bạch, không có gì phải giấu giếm, cho nên chúng ta đã mời phóng viên trong nước và quốc tế lên tàu, đến thực địa chứng kiến tình hình và chúng ta đã để các phóng viên tự do tác nghiệp và bình luận.

Đến thời điểm này, tôi chưa thấy phóng viên nào có mặt tại hiện trường phản ánh rằng Việt Nam quấy rối hoặc khiêu khích Trung Quốc.

 

Những vết thủng trên tàu cảnh sát biển 2016 được gia cố lại bằng những vật liệu thô sơ – Ảnh: My Lăng

 

“Có thể xảy ra với nước khác”

* Thưa ông, ông đã nghe gì về dư luận xung quanh phát biểu của Bộ trưởng Phùng Quang Thanh tại Shangri-La?

– Bạn hãy tưởng tượng trong một không khí rất “nóng”, căng thẳng tại diễn đàn Shangri-La vừa rồi, đặc biệt là khi các đại diện của Mỹ, Nhật… có những phát biểu hết sức thẳng thắn, thì có một số người mong muốn rằng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam cần “rắn” hơn.

Nhưng hãy điềm tĩnh lại thì nhiều người sẽ đồng tình rằng sự mềm mỏng nhưng luôn giữ nguyên tắc của Bộ trưởng Phùng Quang Thanh là thể hiện thiện chí và mong muốn hòa bình của Việt Nam.

Chúng ta lại nhớ rằng trong các cuộc chiến tranh gian khổ và ác liệt mà Việt Nam phải đối mặt trong thế kỷ 20, Bác Hồ và các nhà lãnh đạo quân đội Việt Nam luôn luôn khẳng định quân đội của chúng ta là quân đội của hòa bình. Việt Nam xây dựng quân đội không phải để đi gây hấn, gây sự.

Trong tình hình hiện nay, mọi cách hành xử của chúng ta phải hết sức bình tĩnh, tính toán kỹ càng. Chúng ta không bao giờ tự gây căng thẳng với Trung Quốc, chúng ta không muốn làm xấu mặt Trung Quốc, chúng ta không tranh hơn thua với Trung Quốc – điều chúng ta cần là giữ vững độc lập tự chủ, chủ quyền lãnh thổ, đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển.

Đừng ai động vào hai giá trị thiêng liêng ấy của chúng ta. Còn Việt Nam có kiên quyết hay không, xin hãy đọc lại lời phát biểu bế mạc Hội nghị T.Ư 9 của Tổng bí thư và phát biểu của Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội của chúng ta đã thể hiện tại các diễn đàn khác nhau trong thời gian vừa qua.

* Những nhà lãnh đạo quân đội và lãnh đạo Quốc hội Trung Quốc đã tham dự Hội nghị Shangri-La 2014, khi nghe các quan khách quốc tế ủng hộ chủ trương, giải pháp của Việt Nam về tình hình biển Đông thì họ đã nổi cáu. Ông bình luận gì trước phản ứng này của Trung Quốc?

 

“Tôi ngạc nhiên trước cách hành xử của họ”

*Cá nhân ông có bất ngờ trước việc Trung Quốc chủ động tạo ra cái gọi là sự kiện giàn khoan không?

– Tôi không bất ngờ trước việc Trung Quốc đưa giàn khoan xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, mà tôi ngạc nhiên trước sự tính toán sai lầm của Trung Quốc, đặc biệt là cách hành xử của họ. Cách hành xử ấy có thể đem đến lợi thế trong chốc lát dựa vào sức mạnh, nhưng nó không thể tồn tại lâu dài vì dòng chảy chính của xã hội loài người là hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển. Đấy cũng chính là phát ngôn của lãnh đạo Trung Quốc và họ phải chứng minh là họ cũng đi theo cái dòng chảy ấy.

 

– Trước hết tôi muốn nói về không khí Shangri-La năm nay. Họ đề cập đến nhiều vấn đề về an ninh, nhưng tâm điểm biển Đông đã chiếm rất nhiều thời gian, phát biểu của các nhà lãnh đạo quốc phòng và các chính khách, học giả.

Tôi chưa thấy một ai nói là Việt Nam sai, yêu cầu Việt Nam phải làm thế này, thế kia. Lý do rất đơn giản ở chỗ là những gì Việt Nam làm đã thể hiện trên cơ sở luật pháp quốc tế quá rõ ràng.

Những ý kiến nói rằng Trung Quốc thế nọ, thế kia và đôi khi làm cho đại diện đoàn Trung Quốc mất bình tĩnh là do họ không hiểu được ý muốn của những người tham gia hội nghị.

Tôi cho rằng không phải quan khách quốc tế công kích Trung Quốc, mà điều họ lo ngại chính là những tiền lệ hôm nay xảy ra với Việt Nam thì ngày mai có thể sẽ xảy ra với nước khác, hôm nay xảy ra trên biển thì ngày mai sẽ xảy ra trên bộ và ngày kia sẽ xảy ra trên không.

Và như vậy vấn đề chủ quyền của Việt Nam tự nhiên không phải là vấn đề của riêng Việt Nam nữa. Bảo vệ lẽ phải của Việt Nam, vì vậy cũng là bảo vệ chân lý chung, lợi ích chung của thời đại.

Trong thế giới văn minh không thể có chuyện một quốc gia ngang nhiên giẫm đạp lên chân lý, luật pháp quốc tế và đơn phương dùng vũ lực để ép buộc quốc gia khác.

* Ông trả lời báo chí rằng chúng ta kiên trì thực hiện các biện pháp hòa bình thì đến lúc nào đó Trung Quốc sẽ thay đổi. Ông tin Trung Quốc sẽ thay đổi thật ư?

– Tôi luôn tin yếu tố lợi ích quốc gia sẽ được Trung Quốc cân nhắc kỹ càng với tính toán chiến lược dài hơi của người Trung Quốc nói chung và ban lãnh đạo Trung Quốc nói riêng.

Lịch sử Trung Quốc cũng đã chứng minh điều này. Lịch sử hàng ngàn năm của họ đã trải qua rất nhiều thăng trầm, nhưng khi nào Trung Quốc tạo được mối quan hệ tốt đẹp với thế giới bên ngoài, không thể hiện tham vọng bá quyền phi lý bằng những hành xử thiếu tính toán thì Trung Quốc ổn định và phát triển.

* Nhưng rõ ràng là với việc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Trung Quốc đã cố tình tạo ra một giai đoạn mới trong quan hệ giữa hai nước?

– Nói như vậy cũng đúng. Đó là họ đã vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm chính những gì lãnh đạo của họ đã cam kết với lãnh đạo Việt Nam.

Tuy nhiên, tôi muốn nói rằng giai đoạn này ngắn hay dài, có đem lại những hậu quả xấu hơn hay không thì còn tùy thuộc vào Việt Nam, vào ứng xử của Trung Quốc, và đặc biệt là tùy thuộc vào phản ứng của cộng đồng quốc tế.

Trung Quốc không thể đứng một mình và nói rằng họ muốn làm gì thì làm. Cá nhân tôi luôn mong muốn Trung Quốc phát triển hòa bình bởi điều này cũng có lợi cho Việt Nam.

“Nếu họ đem chiến tranh đến thì ta buộc phải bảo vệ đất nước”

* Thưa ông, những ngày này đường dây nóng giữa bộ quốc phòng hai nước đã hoạt động như thế nào?

– Cho đến nay đường dây nóng về nguyên tắc đã được thỏa thuận, nhưng về mặt kỹ thuật thì đang được xúc tiến. Tuy nhiên, chúng ta luôn chủ động đề nghị trao đổi qua nhiều kênh khác nhau.

Đó là các cuộc gặp giữa Bộ trưởng Phùng Quang Thanh với lãnh đạo cấp cao quân đội Trung Quốc, các cuộc gặp riêng ở Nay Pyi Taw (Myanmar) và cuộc gặp mới đây của tôi với phó tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc tại Shangri-La…

Cá nhân tôi trong các cuộc gặp ấy luôn nói đi nói lại rằng Việt Nam luôn muốn duy trì, củng cố mối quan hệ với Trung Quốc. Chúng tôi chỉ có một yêu cầu kiên quyết là Trung Quốc dừng hoạt động giàn khoan Hải Dương 981 và rút ra ngoài thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Trước mắt là giảm bớt căng thẳng, rút toàn bộ tàu quân sự và máy bay trên thực tế, không có hành vi chủ động đâm va tàu Việt Nam và đặc biệt là không được đe dọa, xâm phạm tính mạng ngư dân Việt Nam bởi đó là hành động vô nhân đạo. Sau đó hai nước sẽ ngồi đàm phán với nhau.

* Chúng ta rất thiện chí khi đã tiến hành mấy chục cuộc giao thiệp qua con đường ngoại giao, nhưng đổi lại Trung Quốc vẫn gia tăng các hành vi bạo lực và đe dọa bạo lực. Vâng, mọi sự chịu đựng có giới hạn, nếu họ cứ tiếp tục sử dụng bạo lực, thậm chí thực hiện một cuộc tấn công chớp nhoáng thì chúng ta phải làm gì?

– Ở đây có hai mặt của vấn đề. Mặt thứ nhất là chúng ta phải kiên trì thực hiện các biện pháp hòa bình, kiên trì giữ quan hệ với Trung Quốc và không cắt đứt.

Như tôi đã nói ban đầu, Trung Quốc sẽ không thể nói “không” mãi được khi Việt Nam đấu tranh kiên trì, mạnh mẽ và được cộng đồng thế giới lên tiếng ủng hộ.

Mặt thứ hai là chúng ta phải kiên trì bám biển, bám ngư trường, kiên trì đấu tranh trên thực địa và chúng ta tìm ra biện pháp đấu tranh mà không để các hành động vũ lực, thô bạo của Trung Quốc ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của lực lượng chấp pháp và của ngư dân ta trên biển.

Chúng ta mong những việc như vậy kết thúc sớm và chúng ta ngồi vào bàn đàm phán với Trung Quốc. Nhưng chúng ta cũng sẵn sàng kiên trì lâu dài thực hiện quyền bảo vệ chủ quyền trên biển, bảo vệ ngư dân và tuyên truyền, cản phá để Trung Quốc hiểu được một điều là không bao giờ Việt Nam khoanh tay nhìn Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của mình.

* Thông thường có ba cách để giải quyết tình hình như hiện nay: một là thông qua đàm phán chính trị, hai là quân sự đối đầu và ba là đấu tranh pháp lý. Về đàm phán chính trị, đến nay Trung Quốc không bày tỏ thiện chí; quân sự thì chắc chắn là cả hai bên đều không muốn; vậy phải chăng chỉ còn cách thứ ba?

– Nói vậy là thiếu chính xác. Không thể vạch ra ba con đường và chỉ chọn một. Để bảo vệ chủ quyền thì chúng ta có nhiều biện pháp được sử dụng cùng lúc, đồng bộ.

Việc đầu tiên chúng ta phải làm là củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, sự đồng lòng của toàn dân, cả nhân dân trong nước và kiều bào ở nước ngoài, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ để tiếp tục phát triển.

Thứ hai là chúng ta phải có giải pháp tốt trên thực địa để khẳng định Việt Nam không bao giờ làm ngơ trước những sai phạm của Trung Quốc, mặc dù họ nhiều tàu hơn nhưng không vì thế mà chúng ta mất ý chí.

Thứ ba là chúng ta tăng cường tuyên truyền trên các diễn đàn quốc tế để nói lên sự thật và lẽ phải.

Thứ tư là chúng ta vẫn duy trì quan hệ với Trung Quốc, bởi đấu tranh gì thì cuối cùng hai bên vẫn phải ngồi lại với nhau, nhưng phải trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và trên cơ sở luật pháp quốc tế thì mới mong giải quyết được vấn đề.

Gần đây có nhiều người đề cập đến giải pháp kiện ra tòa án quốc tế. Tôi cho rằng đây cũng là một biện pháp đấu tranh hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Nói cách khác đây thực chất cũng là một biện pháp đấu tranh chính trị dưới góc độ pháp lý. Chúng ta phải sử dụng đồng thời các biện pháp nêu trên để buộc Trung Quốc ngồi vào bàn đàm phán và cùng đưa ra một giải pháp mà đôi bên cùng chấp nhận được.

Còn đụng độ quân sự ư? Chúng ta sẽ làm mọi biện pháp để không xảy ra điều đó. Rõ nhất là vừa qua tàu chúng ta bị tàu Trung Quốc hung hăng đâm, va nhưng chúng ta đã không sử dụng phương pháp thô bạo mà họ đã thực hiện với chúng ta.

Họ đâm chìm tàu ngư dân của ta nhưng ta không đâm chìm tàu ngư dân của họ. Tôi nghĩ đó là sức mạnh, là nhân đạo của Việt Nam chứ không phải là chúng ta sợ.

Còn nếu khi Trung Quốc hay bất kỳ một nước nào khác đem chiến tranh đến với chúng ta thì buộc lòng chúng ta phải bảo vệ đất nước mình.

Tôi tin rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc không lựa chọn phương án này, và nếu như họ lựa chọn thì đó sẽ là sai lầm lớn nhất trong thế kỷ này, sai lầm mang tính chất chiến lược toàn cầu của họ.

Trung Quốc sẽ không bao giờ trở thành một cường quốc, một quốc gia đáng được tin cậy và tôn trọng nếu họ gây chiến với Việt Nam.

* Có người cho rằng một khi đã đem nhau ra tòa thì khác nào bát nước hắt đi, không nhìn mặt nhau nữa. Nhưng cũng có người nghĩ rằng đó là giải pháp văn minh trong một thế giới văn minh, ông nghĩ sao?

– Kiện đâu phải để là cắt hết, đâu phải là tôi kiện để ông đi tù. Kiện là việc lựa chọn tòa án quốc tế để họ phân xử ai đúng ai sai.

Phán quyết của tòa sẽ khiến thế giới hiểu minh bạch, rõ ràng và cũng sẽ giúp Việt Nam và Trung Quốc có cơ sở pháp lý vững chắc để đàm phán xử lý các vấn đề trên biển. Nếu Trung Quốc khăng khăng rằng họ đúng thì hãy cùng với Việt Nam ra tòa án quốc tế.

Nói rằng kiện sẽ mất hết quan hệ, tôi cho rằng nghĩ như vậy cũng không phải. Thực tế là trong năm nước thành viên cố định của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc thì có bốn nước đã dính vào các vụ kiện quốc tế. Tất nhiên, kiện hay không là chuyện phải tính toán rất kỹ, trừ khi Trung Quốc buộc chúng ta phải kiện và điều này thời gian sẽ trả lời.

ĐÀ TRANG – LÊ KIÊN