Bệnh nhân tăng, phí điều trị cũng tăng

Mỗi năm, ước tính tại VN có hơn 116.000 ca bệnh ung thư mới, trong khi chi phí điều trị bệnh ung thư ngày càng tăng.

 

Bệnh nhân tăng, phí điều trị cũng tăng

Mỗi năm, ước tính tại VN có hơn 116.000 ca bệnh ung thư mới, trong khi chi phí điều trị bệnh ung thư ngày càng tăng.

Ngày 22-5, tại hội thảo “Bảo hiểm ung thư tại VN – thu hẹp khoảng cách từ sáng kiến đến việc tiếp cận điều trị ung thư” được tổ chức tại Sở Y tế TP.HCM, TS.BS Phạm Xuân Dũng, phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, cho biết số ca mắc bệnh ung thư mới tăng theo thời gian. Riêng tại TP.HCM mỗi năm có 5.000-5.500 ca ung thư mới. Số bệnh nhân ung thư đến điều trị tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM tăng 10% mỗi năm.

Mỗi năm tiếp nhận 13.000 bệnh nhân ung thư mới

 

Chi phí điều trị các bệnh ung thư rất lớn

Chi phí điều trị một ca ung thư vú giai đoạn nhẹ chỉ cần phẫu thuật đã là 80 triệu đồng, giai đoạn nặng từ 650-700 triệu đồng, chi phí điều trị ung thư gan giai đoạn nặng là 820 triệu đồng, ung thư trực tràng giai đoạn sớm là 150-170 triệu đồng, ung thư đại tràng – dạ dày giai đoạn nặng từ 300-700 triệu đồng, ung thư buồng trứng giai đoạn sớm 120-200 triệu đồng…

Hoặc chi phí điều trị một ca ung thư cổ tử cung được phát hiện ở giai đoạn sớm thấp hơn so với nhiều loại bệnh ung thư khác, chỉ 25-50 triệu đồng, nhưng 70% người bệnh mắc bệnh ung thư cổ tử cung lại ở những vùng quê nên chi phí này vẫn là gánh nặng cho bệnh nhân.

Nhìn tổng thể, thu nhập bình quân đầu người tại VN chưa tới 2.000 USD/năm, nhưng chi phí điều trị các bệnh ung thư kể trên cho thấy gánh nặng chi phí điều trị bệnh ung thư là không nhỏ.

 

Theo ông Dũng, mỗi năm Bệnh viện Ung bướu TP.HCM tiếp nhận 13.000 bệnh nhân ung thư mới. Trong khi số giường thực kê tại bệnh viện này chỉ là 700 giường nhưng số bệnh nhân nằm điều trị mỗi ngày lên đến 1.500 người.

Không chỉ số bệnh nhân ung thư gia tăng, mà ông Dũng dự báo chi phí điều trị các bệnh ung thư sẽ tiếp tục tăng.

10 năm trước, khi điều trị cho bệnh nhân ung thư, các bác sĩ cố gắng cứu sống bệnh nhân, hiện nay bác sĩ còn quan tâm tạo điều kiện cho người bệnh điều trị xong trở về sinh hoạt, làm việc như bình thường.

Người bệnh được tiếp cận với những phương pháp điều trị tiên tiến như xét nghiệm hiện đại; phẫu thuật không giống như xưa mà là tái tạo, tạo hình, nội soi, vi phẫu; hóa trị cũng sử dụng những loại thuốc mới để đạt hiệu quả tốt hơn.

Chính vì vậy chi phí điều trị cho bệnh nhân ung thư ngày càng tăng. Cứ sau 10 năm, chi phí điều trị bệnh ung thư lại tăng gấp đôi.

Ông Vũ Xuân Bằng, phó trưởng ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (thuộc Bảo hiểm xã hội VN) cũng nhận xét số bệnh nhân mắc bệnh ung thư đến điều trị tại các bệnh viện ngày càng đông.

Chi phí Bảo hiểm xã hội VN chi trả cho bệnh nhân mắc bệnh ung thư trong năm 2013 cao hơn nhiều so với năm 2012.

Trong năm 2012, chi phí cho bệnh nhân bảo hiểm y tế điều trị bệnh ung thư mà Bảo hiểm xã hội VN chi trả là 2.762 tỉ đồng thì năm 2013 đã lên đến 3.374 tỉ đồng.

Ông Bằng cho biết có những bệnh nhân ung thư điều trị với chi phí 1,4 tỉ đồng trong một năm. Trong chi phí mà Bảo hiểm xã hội chi trả cho bệnh nhân ung thư thì thuốc chiếm 80% tổng chi phí điều trị.

Bác sĩ Phạm Xuân Dũng cho rằng với mức chi trả như BHYT hiện nay, các bệnh nhân ung thư đều được tiếp cận hầu hết loại thuốc đắt tiền.

Tuy nhiên, chi phí điều trị cho bệnh nhân ung thư cứ ngày một gia tăng, điều này làm ông Dũng lo lắng lâu dài một mình quỹ BHYT sẽ không chịu nổi gánh nặng này. Vì vậy, cần có chiến lược cho việc phòng chống và điều trị ung thư.

Do môi trường sống, thực phẩm…

Bệnh ung thư đang là sát thủ sau bệnh tim mạch gây số ca tử vong nhiều thứ hai trong các bệnh lý.

Bác sĩ Đặng Huy Quốc Thịnh, phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu, cho biết ngoài nguyên nhân như dân số gia tăng, các phương tiện chẩn đoán bệnh ung thư ngày càng hiện đại thì những nguyên nhân chính khiến bệnh ung thư tăng trong những năm gần đây là do môi trường sống ô nhiễm (khói từ xe hơi, khói thải từ nhiều nhà máy công nghiệp…); nhiều thực phẩm được chế biến bằng những hóa chất độc hại.

Ngoài ra, do cuộc sống bận rộn, nhiều gia đình không còn ăn bữa ăn truyền thống như trước mà ra hàng quán ăn nhiều hơn. Khi ăn hàng quán nhiều càng có nguy cơ ăn phải thực phẩm không an toàn, ăn nhiều thịt, chất béo nhưng ít rau xanh.

Cuộc sống công nghiệp cũng làm mọi người ít hoạt động, ngồi nhiều, đi lại bằng ôtô, xe máy…và ít chú trọng đến việc tập luyện.

Chưa kể, VN còn là 1 trong 15 nước hút thuốc lá nhiều nhất thế giới. Nam giới hút thuốc lá nhiều làm những người xung quanh hít khói thuốc thụ động.

Hiện nay bệnh ung thư phổi đang gia tăng nhanh tại VN ở cả hai giới nam và nữ. Bên cạnh đó, nước ta cũng đứng đầu Đông Nam Á về tiêu thụ rượu, bia. Tất cả những yếu tố này đã góp phần làm bệnh ung thư gia tăng nhanh trong những năm gần đây.

Để phòng bệnh ung thư, mỗi người dân cần có chế độ ăn uống hợp lý, nên ăn ít chất béo mà nhiều rau xanh, trái cây, cần vận động, tập thể dục thường xuyên, mỗi ngày.

Ngoài ra, cần khám sức khỏe định kỳ hằng năm để nếu có bệnh sẽ được phát hiện sớm, việc điều trị sẽ kịp thời, hiệu quả.

THÙY DƯƠNG

 

Tình trạng quá tải tại khoa xạ 2 khu E Bệnh viện Ung bướu TP.HCM – Ảnh: Quang Định