09/01/2025

Kinh tế phục hồi chậm, còn nhiều khó khăn

Kinh tế nước ta đang phục hồi tăng trưởng nhưng còn chậm và có nhiều khó khăn, thách thức. Nhu cầu đầu tư phát triển, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, quốc phòng an ninh, phòng tránh thiên tai, dịch bệnh… rất lớn nhưng nguồn lực còn hạn hẹp.

 

Kinh tế phục hồi chậm, còn nhiều khó khăn

Kinh tế nước ta đang phục hồi tăng trưởng nhưng còn chậm và có nhiều khó khăn, thách thức. Nhu cầu đầu tư phát triển, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, quốc phòng an ninh, phòng tránh thiên tai, dịch bệnh… rất lớn nhưng nguồn lực còn hạn hẹp.

Trình bày báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả phát triển kinh tế – xã hội năm 2013, tình hình triển khai thực hiện kế hoạch những tháng đầu năm 2014, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “Kinh tế nước ta đang phục hồi tăng trưởng nhưng còn chậm và có nhiều khó khăn, thách thức. Nhu cầu đầu tư phát triển, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, quốc phòng an ninh, phòng tránh thiên tai, dịch bệnh… rất lớn nhưng nguồn lực còn hạn hẹp”.

 

Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô

Theo Phó thủ tướng, kinh tế vĩ mô ổn định hơn, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm. Giá tiêu dùng tháng 4 so với tháng 12-2013 chỉ tăng ở mức 0,88%, thấp nhất trong bốn năm qua.

Chính phủ chỉ đạo tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường đối với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Giá cả, thị trường cơ bản ổn định.

Mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm. Tỉ giá, thị trường ngoại hối được duy trì ổn định. Kim ngạch xuất khẩu bốn tháng tăng 16,9%, nhập khẩu tăng 13,7%, xuất siêu khoảng 684 triệu USD.

Thu ngân sách nhà nước đạt 36,9% dự toán, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2013. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tăng 6,7%, vốn viện trợ phát triển (ODA) và vốn vay ưu đãi giải ngân tăng 6%…

Trong những tháng cuối năm, Chính phủ tiếp tục thực hiện nhất quán nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô. Tiếp tục điều hành mặt bằng lãi suất phù hợp. Phân bổ tín dụng hợp lý, phấn đấu cả năm đạt mức tăng trưởng 12-14%.

Điều hành tỉ giá linh hoạt, bảo đảm ổn định giá trị đồng VN, tăng dự trữ ngoại hối. Thực hiện các giải pháp phù hợp phát triển ổn định thị trường chứng khoán, nâng cao hiệu quả huy động vốn cho doanh nghiệp.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, tập trung chống thất thu, nợ đọng thuế và kiểm soát chặt chẽ chi ngân sách nhà nước…

Cần chính sách hỗ trợ kinh doanh kịp thời

Đưa ra khá nhiều con số cụ thể, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế do Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu trình bày cho biết: tính đến hết quý 1-2014, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng cả về số lượng và số vốn đăng ký; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng cao (48,9%), nhưng đồng thời số doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể, ngừng, tạm ngừng hoạt động vẫn tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước.

Theo báo cáo chỉ số kinh doanh VN năm 2013 do Phòng Thương mại và công nghiệp VN công bố, lòng tin giảm, sự lo ngại về thất bại khi kinh doanh là nguyên nhân khiến tỉ lệ đăng ký khởi sự kinh doanh rất thấp, cho thấy rất cần chính sách hỗ trợ kinh doanh kịp thời, mạnh mẽ hơn.

Tiến độ giải ngân gói hỗ trợ nhà ở xã hội có tác động thị trường bất động sản (30.000 tỉ đồng) đạt thấp, đến ngày 15-3 mới giải ngân được 1.322 tỉ đồng, tương đương 4,41%.

Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ có giải pháp tiếp tục xử lý hiệu quả hơn vấn đề hàng hóa tồn kho, nợ xấu doanh nghiệp, nợ xấu ngân hàng, nợ xây dựng cơ bản, nâng cao tính ổn định và lành mạnh các thị trường: tiền tệ, chứng khoán, bất động sản.

Đẩy mạnh thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, phát triển nhanh công nghiệp hỗ trợ, có các giải pháp tăng giá trị trong nước đối với các dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Tăng cường hướng dẫn và quản lý chặt chẽ xuất nhập khẩu hàng hóa qua đường tiểu ngạch tại các cửa khẩu biên giới VN với các nước láng giềng bảo đảm thông suốt và an toàn tài sản của doanh nghiệp và người dân; ngăn chặn và xử lý theo pháp luật đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém vệ sinh an toàn thực phẩm.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế còn nêu rõ: “Việc nghiên cứu, đề xuất một số chủ trương mới chưa chuẩn bị kỹ lưỡng, thiếu tính thuyết phục, gây tâm lý không tốt trong dư luận xã hội như việc đăng cai Đại hội thể thao châu Á lần thứ 18, đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư một số công trình lớn. Dịch bệnh sởi, bệnh tay chân miệng xuất hiện, diễn biến phức tạp ở nhiều tỉnh thành, trong khi đó công tác truyền thông, hướng dẫn và cách thức xử lý dịch bệnh còn lúng túng, chưa đáp ứng sự mong đợi của người dân”.

LÊ KIÊN

 

 

Đề nghị giảm giá các dịch vụ hàng không

Chiều 20-5, Quốc hội nghe các báo cáo về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2012, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hàng không dân dụng VN và dự án Luật tổ chức TAND (sửa đổi).

Liên quan đến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hàng không dân dụng VN, nhiều ý kiến trong Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng hiện nay giá một số dịch vụ hàng không ở nước ta khá cao, trong đó có nguyên nhân doanh nghiệp phải chi phí nhiều, tạo ra giá thành cao. Do đó cần có biện pháp quản lý, kiểm soát đồng bộ của cơ quan có thẩm quyền để điều chỉnh, xử lý kịp thời nhằm nâng cao chất lượng và giảm giá các dịch vụ hàng không một cách hợp lý.

Trong số các vấn đề TAND tối cao xin ý kiến Quốc hội về dự án Luật tổ chức TAND (sửa đổi) có nội dung: khi xét xử, tòa án không bị giới hạn bởi tội danh và khung hình phạt theo cáo trạng của viện kiểm sát. TAND tối cao là cơ quan xét xử cao nhất nên quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao là quyết định cao nhất, không bị kháng nghị… TAND tối cao cũng đề xuất trong dự án luật này phương án thành lập TAND sơ thẩm khu vực nhằm góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập về việc tổ chức TAND cấp huyện hiện nay.

V.V.THÀNH

Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội – Ảnh: V.Dũng