10/01/2025

Người thầy của một thế hệ

GS Hoàng Xuân Nhị (1914 – 1990), quê Hà Tĩnh, sinh ra trong một gia đình Nho học. Năm 1936, Hoàng Xuân Nhị đi du học ở Pháp và tốt nghiệp cử nhân triết học năm 1937. Trong thời gian ở Pháp, Hoàng Xuân Nhị dịch nhiều tác phẩm văn học cổ điển Việt Nam như Lưu Bình Dương Lễ, Chinh phụ ngâm, Truyện Kiều… ra tiếng Pháp

 

Người thầy của một thế hệ

Lại đến sinh nhật 100 năm một bậc thầy của thế hệ chúng tôi – thế hệ sinh viên khoá đầu tiên của ĐH Tổng hợp Hà Nội: GS Hoàng Xuân Nhị.

Người Việt tài trí: Người thầy của một thế hệ

Giáo sư Hoàng Xuân Nhị năm 1955 – Ảnh: tư liệu

Thế hệ vàng

 

 
 

Sự kính trọng và ngưỡng mộ của chúng tôi đối với thế hệ thầy đầu tiên ở bậc ĐH là sự uyên bác, thâm hậu về tri thức. Một khối tri thức lớn, ở tầm cao. Nhưng quan trọng hơn, đó là cách sống, là quan hệ ứng xử, là phẩm chất và nhân cách của người thầy

 
 
 

 

Cùng với GS Cao Xuân Huy, GS Đặng Thai Mai, nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Phan, GS Nguyễn Mạnh Tường, nhà phê bình Hoài Thanh, GS Trương Tửu… là những bậc thầy trực tiếp hoặc gián tiếp của thế hệ chúng tôi thuộc lĩnh vực khoa học văn chương, nhân văn, khoa học xã hội.

Nhìn sang lĩnh vực sáng tạo văn chương thì đó là một đội ngũ đông đảo hơn – gồm những tên tuổi như Ngô Tất Tố, Hoàng Ngọc Phách, Khái Hưng… đến Nguyễn Tuân, Thạch Lam, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Huy Tưởng… Tất cả làm nên một thế hệ vàng – thế hệ thực hiện trọn vẹn sự nghiệp hiện đại hóa cho tổng thể đời sống văn chương – học thuật Việt Nam hiện đại bởi với vai trò mở đầu, khai sáng, đặt nền móng cho các lĩnh vực khoa học nhân văn – xã hội ở nước ta.

Trong chiến tranh, vốn học ở bậc phổ thông, thế hệ chúng tôi là rất mỏng. Chút ít tri thức tiếp nhận được là do lòng yêu, niềm ham đọc những gì có hoặc đến trong tay, bất kể là nguồn gì. Chúng tôi mang theo khát vọng được học, được đọc khi lần đầu tiên từ khu bốn ra thủ đô. Cũng lần đầu tiên được thấy, được tiếp xúc, được học những tên tuổi bậc thầy mình từng ngưỡng mộ như Cao Xuân Huy, Đặng Thai Mai, Nguyễn Mạnh Tường, Hoài Thanh, Trần Đức Thảo, Trương Tửu…

Riêng với GS Hoàng Xuân Nhị thì tuy không được đọc ông sớm, nhưng lại từng được nghe đó là bậc thầy có bằng tú tài toàn phần bản xứ, rồi có bằng thạc sĩ ở Pháp. Với cái bằng ấy ở trong nước, lại có thêm cái bằng thạc sĩ ở Pháp về, nếu được bổ nhiệm làm công chức cho chính quyền thuộc địa thì hẳn ông sẽ có một cái ghế cao với số lương rất hậu. Sống khá lâu ở Pháp, hoạt động trong phong trào Việt kiều yêu nước, ông từng có công trình viết bằng tiếng Pháp, đó là bản dịch Chinh phụ ngâm và một kịch bản về Truyện Kiều – chứng tỏ lòng yêu mến văn chương dân tộc. Sau năm 1945, ông trở về nước tham gia Ủy ban Kháng chiến – hành chính Nam bộ và làm Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa ở Nam bộ. Ông thông thạo tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Đức. Công trình về Schiller của ông là một trong số ít cuốn sách thuộc loại gối đầu giường tôi có trong quãng đầu đời sinh viên của mình.

 

 
 

GS Hoàng Xuân Nhị (1914 – 1990), quê Hà Tĩnh, sinh ra trong một gia đình Nho học. Năm 1936, Hoàng Xuân Nhị đi du học ở Pháp và tốt nghiệp cử nhân triết học năm 1937. Trong thời gian ở Pháp, Hoàng Xuân Nhị dịch nhiều tác phẩm văn học cổ điển Việt Nam như Lưu Bình Dương Lễ, Chinh phụ ngâm, Truyện Kiều… ra tiếng Pháp, dịch các tác phẩm về lịch sử văn học Nga, các tác phẩm của Maksim Gorky và Mayakovsky đăng trên tạp chí Mercure de France. Năm 1946, ông về nước tham gia kháng chiến phụ trách lĩnh vực văn hóa ở miền Nam, được giao phụ trách tờ La Voix Du Maquis (Tiếng nói kháng chiến), là tờ báo ngoại ngữ đầu tiên ở chiến khu cách mạng. Năm 1947, ông được bổ nhiệm làm Giám đốc Viện Văn hóa kháng chiến, sau làm Giám đốc Nha Giáo dục Nam bộ. Sau Hiệp định Genève, ông tập kết ra bắc, làm giáo sư tại Trường ĐH Sư phạm, ĐH Tổng hợp Hà Nội từ 1956 – 1982.

Ngoài việc giảng dạy, Hoàng Xuân Nhị nghiên cứu và dịch thuật các tác phẩm văn học Việt Nam và thế giới như: Chinh phụ ngâm (dịch sang tiếng Pháp, 1938), Truyện Kiều (Kịch nói, 1942), Maksim Gorky (1958), Mayakovsky (1961), Tìm hiểu thơ Hồ Chủ tịch (1975), Nguyên lý mỹ học Mác – Lênin, Lịch sử văn học Nga – Xô viết (5 tập, 1957 – 1962)…

 

 

Thời sinh viên, lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với một hệ giáo trình vừa rộng, vừa sâu về văn học nước ngoài, trong đó có văn học Nga và Nga – Xô viết do GS Hoàng Xuân Nhị phụ trách. Văn học Nga là khu vực hoàn toàn mới đối với thế hệ chúng tôi và có lẽ vẫn còn là mới đối với trình độ học thuật hồi bấy giờ. Được biết khi được phân công viết và giảng giáo trình này, GS Hoàng Xuân Nhị đã phải bỏ ra hơn nửa năm học tiếng Nga đồng thời qua các tài liệu tham khảo bằng tiếng Pháp, tiếng Đức mà soạn nên bộ giáo trình gồm nhiều tập cho sinh viên các khóa, ngay từ khóa đầu tiên của chúng tôi, qua bản in rônêô được phát hằng tuần.

Dễ hiểu sự kính trọng và ngưỡng mộ của chúng tôi đối với thế hệ thầy đầu tiên ở bậc ĐH là sự uyên bác, thâm hậu về tri thức. Một khối tri thức lớn, ở tầm cao. Nhưng quan trọng hơn, đó là cách sống, là quan hệ ứng xử, là phẩm chất và nhân cách của người thầy. Có lẽ khó mà tìm ra hiện tượng gì đáng chê trách ở đội ngũ giáo sư hàng đầu này, khiến cho quan hệ thầy trò luôn có một khoảng cách cần thiết, dành cho sự kính trọng. Ngoài ra, nếp sống giản dị cũng là nét quen thuộc ở họ. Tôi không nhớ lúc ấy các thầy đến trường bằng phương tiện gì, ngoài xe đạp, trong khi thế hệ sinh viên nội trú chúng tôi thường là đi bộ và tàu điện. Riêng GS Nguyễn Mạnh Tường đi bằng chiếc mobilet, ăn mặc lúc nào cũng chỉnh tề comple cà vạt; có phần khác với thầy Hoàng Xuân Nhị, ăn mặc thường xuề xòa, xoàng xĩnh như không ít người xứ Nghệ.

Những người chân chính và tử tế

Thuộc dàn giáo sư đầu tiên của ĐH Tổng hợp Hà Nội, thầy Hoàng Xuân Nhị là vị trưởng khoa đầu tiên có thâm niên dài nhất ở Khoa Ngữ văn, cho đến khi nghỉ hưu.

Tôi không có cơ hội để gần gũi thầy ngoài ba năm ở ĐH. Nên mọi chuyện đời thường, gồm cả các “giai thoại” về thầy tôi rất ít được nghe. Do vậy mà những ấn tượng về thầy cứ được giữ nguyên như buổi đầu đời. Một mái tóc cùng hai hàng lông mi sớm bạc trắng; phong thái chậm rãi, ung dung; giọng nói vang, tiếng cười rổn rảng; cử chỉ hồn nhiên, xuề xòa mà gần gũi với bất cứ ai dẫu là quen hoặc lạ có dịp được bắt tay thầy…

Trong bận rộn túi bụi của những năm 1980 để vượt qua những khó khăn tận đáy của thời hậu chiến và bao cấp; trong vất vả xoay trở với những va đập lên bờ xuống ruộng thời đầu đổi mới cho đến hết thập niên 1990 tôi ít được thông tin gì về thầy cũng như một số giáo sư khác ở ĐH.

Phải đến một lúc nào đó, khi có độ lùi thời gian cho sự lắng lại, trong lại của mạch đời, dòng đời; và cũng phải đến một tuổi đời nào đấy, tôi mới có dịp ôn, nghĩ lại những thế hệ thầy và các bậc đàn anh đi trước để thức nhận ra những điều thật đơn giản nằm trong phương ngôn, tục ngữ của dân tộc: “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “Không thầy đố mày làm nên”, “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”… Đã đành “Con hơn cha là nhà có phúc” – đó là quy luật chung của sự tiến bộ. Nhưng phải “Có cha rồi mới có con – có thầy rồi mới có trò”. Không biết đến hôm nay, trong nền kinh tế thị trường, những cách nghĩ, những phương châm ấy có còn hợp thời nữa không, có nên vận dụng nữa không? Còn đối với riêng tôi, những bậc tiền bối từ thuở vào đời, vào nghề như Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, Phạm Thiều, Vũ Ngọc Phan, Nguyễn Mạnh Tường, Hoàng Xuân Nhị, Hoàng Như Mai, Đinh Gia Khánh, Vũ Đức Phúc, Cao Huy Đỉnh… họ mãi mãi vẫn là thầy, là anh. Dẫu có chút ít danh hoặc vị này nọ, tôi không bao giờ nghĩ là mình có thể, hoặc phải vượt những người đi trước, bởi lịch sử đặt ra cho mỗi thế hệ một nhiệm vụ mới và khác. Do vậy, nếu về tri thức và chuyên môn là cái phải được kế thừa, để tiếp tục và bổ sung, thì về nhân cách và đạo lý lại là một hằng số không đổi, khiến cho các bậc tiền bối như tôi đã kể trên, luôn luôn là những tấm gương sáng cho chúng tôi soi vào, để mãi mãi không được quên ơn; để mãi mãi họ vẫn cứ là những chuyên gia đích thực, những người chân chính và tử tế, dường như bỗng trở nên vắng thiếu, thậm chí hiếm hoi trong bối cảnh bây giờ! 

GS Phong Lê