11/01/2025

Chúng ta không khoan nhượng!

“Lực lượng cảnh sát biển đã chuẩn bị tinh thần và ý chí để đấu tranh dài ngày, với tư tưởng tiến công và biện pháp linh hoạt. Đó chính là thái độ không khoan nhượng của chúng ta”.

 

Chúng ta không khoan nhượng!

“Lực lượng cảnh sát biển đã chuẩn bị tinh thần và ý chí để đấu tranh dài ngày, với tư tưởng tiến công và biện pháp linh hoạt. Đó chính là thái độ không khoan nhượng của chúng ta”.

* Giàn khoan có thể xâm phạm nhiều nước

 

“Lực lượng cảnh sát biển đã chuẩn bị tinh thần và ý chí để đấu tranh dài ngày, với tư tưởng tiến công và biện pháp linh hoạt. Đó chính là thái độ không khoan nhượng của chúng ta” – Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm (tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam) – Ảnh: Quang Định

 

Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm, tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, khẳng định trong cuộc giao lưu trực tuyến với chủ đề “Bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam” do Tuổi Trẻ tổ chức ngày 14-5.

Hàng trăm câu hỏi đã được bạn đọc báo Tuổi Trẻ gửi về cho thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm trong cuộc giao lưu diễn ra hơn hai giờ đã thể hiện sự quan tâm rất lớn của người dân trước tình hình đang diễn ra trên biển Đông.

“Chúng ta không thể vi phạm luật pháp quốc tế như Trung Quốc”

Bạn đọc Trần Đình Đăng cũng như nhiều bạn đọc khác bày tỏ rất lo lắng cho an nguy của lực lượng cảnh sát biển và kiểm ngư tại khu vực giàn khoan trái phép Hải Dương 981 khi có thông tin phía Trung Quốc đã đưa tàu chiến và máy bay tiêm kích ra để bảo vệ giàn khoan, trong khi chúng ta chưa có tàu quân sự tại đây. Một bạn đọc khác băn khoăn khi thông qua hình ảnh được công bố thấy tàu cảnh sát biển của Việt Nam có phần nhỏ bé so với tàu Trung Quốc.

 

“Chúng tôi khẳng định rằng Việt Nam hiện nay có tất cả các loại tàu phục vụ theo chức năng của cảnh sát biển nhằm đáp ứng trong mọi tình huống”

Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm

 

Chia sẻ tâm trạng này của người dân, thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm thông tin: “Đúng là Trung Quốc đã đưa tàu chiến và máy bay vào để bảo vệ sự vi phạm của họ. Đây là điều thông lệ và tập quán quốc tế không thể chấp nhận. Với hoạt động của Trung Quốc rất quyết liệt như vậy thì những khó khăn, nguy hiểm đối với lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư đang tác nghiệp ở đây là hoàn toàn có thể”. Tuy nhiên, ông Đạm cũng cho rằng chúng ta không thể vi phạm luật pháp quốc tế là đưa tàu quân sự để ra giải quyết những vụ việc như thế này, như Trung Quốc đã vi phạm. Trước nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, các lực lượng, trong đó có lực lượng cảnh sát biển, đang hoạt động với quyết tâm và nỗ lực rất cao. “Đây là trách nhiệm của chúng tôi trước Đảng, trước dân tộc” – ông Đạm khẳng định.

Về chuyện “tàu lớn tàu nhỏ”, ông Đạm thông tin thêm: hiện nay cảnh sát biển có rất nhiều loại tàu. Để bảo vệ có các loại tàu tuần tiễu, để thực thi pháp luật trên biển có các tàu tuần tra, kiểm soát, để thực hiện các biện pháp nhân đạo như các hoạt động cứu hộ, cứu nạn trên biển, xử lý thảm họa, phòng chống cháy nổ có loại tàu đa năng cứu hộ. “Chúng tôi khẳng định rằng Việt Nam hiện nay có tất cả các loại tàu phục vụ theo chức năng của cảnh sát biển nhằm đáp ứng trong mọi tình huống. Việc sử dụng phương tiện như thế nào phải có tính toán, có bước đi. Chúng tôi mong rằng người dân hãy luôn tin tưởng, ủng hộ lực lượng cảnh sát biển” – thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm tuyên bố.

Linh hoạt, quyết liệt

“Đại diện cảnh sát biển từng trả lời trên báo rằng nếu Trung Quốc tiếp tục khiêu khích thì mình sẽ không khoan nhượng. Vậy cụ thể việc không khoan nhượng này như thế nào, ông có thể nói rõ cho người dân yên tâm?” – bạn đọc Đỗ Mai Hoàng đặt vấn đề. Có chung mối quan ngại này, bạn đọc Nguyễn Vũ Thành và Ngô Quang Thắng thắc mắc tại sao đến bây giờ chưa thấy thông tin Cảnh sát biển Việt Nam sử dụng biện pháp mạnh, và nếu Trung Quốc ngày càng lấn tới, chúng ta sẽ phải làm thế nào?

“Vi phạm của Trung Quốc là nghiêm trọng và cố tình. Chắc chắn là một quốc gia lớn, là ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc thừa hiểu những việc làm của họ là sai phạm, vi phạm Công ước Luật biển 1982 nhưng họ đang phớt lờ” – thiếu tướng Đạm nói, đồng thời khẳng định lực lượng cảnh sát biển vẫn đang thực hiện thẩm quyền, biện pháp thực thi của cảnh sát biển cũng quyết liệt và phù hợp với thái độ chủ động, tích cực, kiên quyết. Ông Đạm cũng thông tin với bạn đọc: lực lượng cảnh sát biển đã chuẩn bị tinh thần và ý chí để đấu tranh dài ngày với tư tưởng tiến công và biện pháp linh hoạt. Đó chính là thái độ “không khoan nhượng” của chúng ta.

Ngoài ra, theo thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm, những ngày qua do tác động của vòi phun nước, có chín kiểm ngư viên bị thương nhẹ, nhưng cả chín người này hiện nay sức khỏe đã ổn định vẫn đang bám trụ thực hiện nhiệm vụ trên các tàu kiểm ngư. Công tác hậu cần, chăm sóc y tế, tiếp tế cho các tàu trên biển cũng được thực hiện tốt, đảm bảo sức khỏe cho lực lượng làm nhiệm vụ cũng như các phóng viên báo đài trong và ngoài nước đang tác nghiệp trên biển.

MAI HƯƠNG

Clip “Cảnh sát biển chuẩn bị tinh thần, ý chí để đấu tranh dài ngày

Tiếp tục trang bị hiện đại cho lực lượng kiểm ngư

“Nếu Trung Quốc vẫn duy trì giàn khoan Hải Dương 981 và các hoạt động của họ trong vùng biển của ta và tiếp tục hung hăng như thời gian qua thì các lực lượng của ta có biện pháp gì để ngăn chặn mạnh hơn không?”.

>> Nếu Trung Quốc không rút giàn khoan, chúng ta sẽ làm gì?

 

“Chúng ta đã, đang và tiếp tục có các biện pháp thích hợp, kiên quyết đấu tranh đến khi Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng biển Việt Nam” – Ông Hà Lê (phó cục trưởng Cục Kiểm ngư Việt Nam) – Ảnh: Hữu Khá

 

Nhiều bạn đọc đã đặt câu hỏi như vậy với ông Hà Lê, phó cục trưởng Cục Kiểm ngư Việt Nam, trong buổi giao lưu sáng 14-5 do Tuổi Trẻ tổ chức. Trả lời câu hỏi này, ông Lê nói những ngày qua, phía Trung Quốc vẫn duy trì các hành động khiêu khích như sử dụng vòi rồng phun nước, đâm va vào các tàu thực thi nhiệm vụ trong đó có các tàu kiểm ngư. Các lực lượng của Việt Nam vẫn kiên trì, kiên quyết bám trụ, sử dụng các biện pháp tuyên truyền hòa bình để yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng biển Việt Nam.

Thêm tàu, thêm trang thiết bị hiện đại

Tuy nhiên theo ông Lê, căn cứ tình hình thực tiễn, lực lượng kiểm ngư sẽ có các biện pháp thích hợp để đối phó với các hành vi của Trung Quốc. Chủ trương của kiểm ngư là kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền. Phối hợp với các cơ quan chức năng khác thông qua nhiều biện pháp để buộc Trung Quốc rút giàn khoan và các tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam.

Ông Lê cũng cho biết đến nay hầu hết các tàu kiểm ngư Việt Nam đều đã bị phía Trung Quốc đâm va với tốc độ cao, góc tiếp cận lớn, phun nước áp lực cao, thậm chí còn sử dụng các vật cứng ném sang tàu kiểm ngư Việt Nam. Hành động này đã làm hư hại các tàu kiểm ngư Việt Nam. Cục Kiểm ngư đã có phương án khắc phục tại chỗ. “Đến nay tất cả các tàu kiểm ngư vẫn đang tiếp tục thực hiện nhiệm vụ. Các kiểm ngư viên và thuyền viên tàu kiểm ngư vẫn an toàn. Trong thời gian tới, lực lượng kiểm ngư sẽ tiếp tục được trang bị thêm các tàu kiểm ngư và trang thiết bị hiện đại để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ” – ông Lê cho biết.

 

Bà con ngư dân tổ chức mittinh hòa bình trên biển

Ông Hà Lê cho biết tại khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép, trong quá trình khai thác thủy sản, bà con ngư dân đã tổ chức mittinh hòa bình trên biển để phản đối và yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng biển Việt Nam để hoạt động khai thác thủy sản hợp pháp của ngư dân Việt Nam được diễn ra bình thường trên ngư trường này. Lực lượng kiểm ngư và Cảnh sát biển Việt Nam đã có phương án đảm bảo an toàn cho bà con ngư dân.

 

Tại buổi giao lưu, đông đảo bạn đọc nói rằng do Trung Quốc hung hăng và điều nhiều tàu ra bảo vệ giàn khoan trái phép, về phía Việt Nam ngoài cảnh sát biển và kiểm ngư ra, Việt Nam có nên huy động thật nhiều tàu của bà con ngư dân ra gần giàn khoan của Trung Quốc để vừa đánh cá vừa kết hợp với cảnh sát và kiểm ngư bảo vệ chủ quyền? Về vấn đề này, ông Hà Lê nói bà con ngư dân rất phẫn nộ với hành động ngang ngược của Trung Quốc và sẵn sàng tham gia cùng các lực lượng chức năng đấu tranh bảo vệ chủ quyền. Hiện tại hoạt động khai thác thủy sản của ngư dân Việt Nam tại ngư trường Hoàng Sa vẫn đang diễn ra.

Chủ động đối phó bất kỳ tình huống nào

Tại thời điểm quá căng thẳng này, nhiều bạn đọc đặt câu hỏi trong trường hợp Trung Quốc sử dụng vũ khí quân sự tấn công tàu kiểm ngư, cũng như tàu cảnh sát biển Việt Nam thì chúng ta có nổ súng đáp trả hay không? Ông Lê trả lời: “Trong lịch sử dân tộc Việt Nam đã trải qua rất nhiều cuộc chiến tranh, vì vậy chúng ta hiểu rất rõ cái giá phải trả khi chiến tranh xảy ra. Chúng ta không muốn chiến tranh, chúng ta muốn hòa bình ổn định, hợp tác và cùng phát triển. Tuy nhiên, dân tộc Việt Nam chưa hề khuất phục trước bất kỳ thế lực xâm lược nào. Chúng ta đã, đang và tiếp tục có các biện pháp thích hợp kiên quyết đấu tranh đến khi Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng biển của Việt Nam. Sự chia sẻ, quan tâm đặc biệt của nhân dân trong thời gian qua là động lực để lực lượng kiểm ngư tiếp tục thực hiện nhiệm vụ. Chúng tôi xin hứa sẽ không phụ niềm tin và sự chia sẻ của toàn thể nhân dân Việt Nam. Tôi xin khẳng định chúng ta đang chủ động triển khai các phương án và không e ngại”.

Ông Lê cũng cho biết pháp lệnh số 07/2013/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho phép lực lượng kiểm ngư được trang bị vũ khí quân dụng và công cụ hỗ trợ để thực hiện nhiệm vụ. Nhưng tất cả các tàu kiểm ngư và kiểm ngư viên tham gia đấu tranh bảo vệ chủ quyền tại khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 hiện vẫn kiềm chế và không sử dụng vũ khí.

Kết thúc buổi giao lưu, ông Lê cũng cho biết theo đề án thành lập lực lượng kiểm ngư sẽ có lực lượng kiểm ngư tại các tỉnh thành ven biển. Tuy nhiên trong giai đoạn đầu, trước mắt mới thành lập lực lượng kiểm ngư thuộc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và tại các vùng. Hiện tại Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đang trình Thủ tướng đề án tổng thể phát triển lực lượng kiểm ngư đến năm 2020 định hướng đến 2030, trong đó có đề nghị Chính phủ thành lập tổ chức kiểm ngư tại các địa phương.

HỮU KHÁ