Chủng sinh giữ vai trò phó tế được không?
Liệu có là đúng khi một chủng sinh giúp xứ được phép làm phận vụ của một thầy phó tế trong Thánh lễ không? Thưa cha, con hỏi như thế vì chuyện đã xảy ra tại giáo xứ của con. Chủng sinh này, chưa được truyền chức phó tế, đã tham gia vào mọi phần vụ mà một thầy phó tế thường làm nếu thầy hiện diện ở đó.
|
|
Giải đáp phụng vụ: Chủng sinh giữ vai trò phó tế được không?
Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma. Hỏi: Liệu có là đúng khi một chủng sinh giúp xứ được phép làm phận vụ của một thầy phó tế trong Thánh lễ không? Thưa cha, con hỏi như thế vì chuyện đã xảy ra tại giáo xứ của con. Chủng sinh này, chưa được truyền chức phó tế, đã tham gia vào mọi phần vụ mà một thầy phó tế thường làm nếu thầy hiện diện ở đó. Trong bối cảnh này, liệu một giáo dân có thể làm như vậy nếu cha xứ cho phép không? Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma (GIRM) nói gì về việc này? Có hướng dẫn nào không, thưa cha? – E. C. , Kabwe, Zambia. Đáp: Trên nguyên tắc, mỗi thừa tác viên có thể thực hiện các phận vụ, và chỉ các phận vụ ấy mà thôi, tương ứng với thừa tác vụ riêng của mình. Do đó, một chủng sinh không thể thực hiện các phận vụ như thế, vì chúng chỉ dành riêng cho phó tế hay linh mục. Tuy nhiên, nếu chủng sinh ấy đã lãnh nhận tác vụ giúp lễ (Acolyte), thì thầy có thể thực thi các phận vụ mà một thầy có tác vụ giúp lễ có thể làm khi vắng mặr thầy phó tế. Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma (GIRM) mô tả các phận vụ này như sau: “98. Thầy giúp lễ lãnh tác vụ để phục vụ bàn thờ, giúp vị tư tế và thầy phó tế. Công việc chính của thầy là chuẩn bị bàn thờ và các bình thánh; thầy còn là thừa tác viên ngoại thường cho giáo dân rước lễ. Trong việc giúp bàn thờ, thầy giúp lễ có những phần vụ riêng (x. nn. 187-193) mà thầy phải thi hành. “100. Nếu không có thầy giúp lễ, các thừa tác viên giáo dân có thể phục vụ bàn thờ và giúp vị tư tế và phó tế. Họ mang thánh giá, nến, hương, bánh, rượu, nước, và ngay cả được cử cho giáo dân rước lễ với tính cách thừa tác viên ngoại thường. “187. Các phần việc mà thầy giúp lễ có thể làm thuộc nhiều loại khác nhau; lại có nhiều phần việc phải làm cùng một lúc. Vậy nên phân phối các phần việc đó cho nhiều người. Nhưng nếu chỉ có một thầy giúp lễ có mặt, thầy sẽ thi hành những gì quan trọng hơn; còn các việc khác, thì trao cho những người giúp lễ khác. “Nghi thức đầu lễ “188. Khi tiến ra bàn thờ, thầy giúp lễ có thể mang thánh giá đi giữa hai người giúp cầm nến cháy. Khi tới bàn thờ, thầy đặt thánh giá gần bàn thờ, để thành thánh giá bàn thờ, nếu không thì đem cất vào nơi xứng đáng. Rồi thầy về chỗ của mình trong cung thánh. “189. Trong suốt buổi cử hành, nhiệm vụ của thầy giúp lễ là đến gần vị tư tế, hoặc phó tế, mỗi khi cần, để đưa sách và giúp các ngài trong những gì cần thiết. Do đó, nên hết sức dành cho thầy một chỗ thuận tiện, để thầy dễ dàng lo phần việc của mình nơi ghế ngồi hay tại bàn thờ. “Phụng vụ Thánh Thể “190. Nếu không có thầy phó tế, thì sau lời nguyện cho mọi người, và khi vị tư tế còn ở tại ghế, thầy giúp lễ đặt khăn thánh, khăn lau chén, chén thánh và Sách Lễ lên bàn thờ. Rồi, nếu cần, thầy giúp vị tư tế tiếp nhận lễ phẩm do giáo dân dâng tiến, và, nếu tiện, đưa bánh rượu tới bàn thờ và trao cho vị tư tế. Nếu có xông hương, chính thầy đưa bình hương cho vị tư tế và giúp ngài xông hương lễ phẩm, thánh giá và bàn thờ. Rồi thầy xông hương vị tư tế và giáo dân. “191. Thầy có thừa tác vụ giúp lễ có thể giúp vị tư tế cho giáo dân rước lễ, nếu cần, với tư cách một thừa tác viên ngoại thường. Nếu cho rước lễ dưới hai hình, mà không có thầy phó tế, thầy cho họ rước Máu Thánh; nếu giáo dân rước lễ theo cách chấm, thì thầy cầm chén thánh. “192. Cho rước lễ xong, thầy có thừa tác vụ giúp lễ giúp vị tư tế hoặc phó tế lau và sắp xếp các bình thánh. Khi không có thầy Phó tế, thầy giúp lễ mang các bình thánh tới bàn phụ, tráng lau và sắp xếp các bình thánh tại đó. “193. Lễ xong, thầy giúp lễ cùng với các thừa tác viên khác, làm một với phó tế và vị tư tế, trở về phòng thánh theo kiểu đoàn rước cùng một cách và thứ tự như khi đi ra. (Bản dịch Việt ngử của Lm. Phanxicô Xaviê Nguyễn Chí Cần, Giáo phận Nha Trang). Từ các khoản trên, dường như có thể rằng một chủng sinh giữ vai trò của một thầy phó tế, mà không nhất thiết phải là trường hợp trên đây. Nếu chủng sinh chưa phải là một thầy giúp lễ lãnh tác vụ, chủng sinh ấy có thể phục vụ bên cạnh linh mục, giúp cha với sách lễ tại bàn thờ, trao đĩa thánh cho cha, và nếu cần, có thể giúp cha cho giáo dân rước lễ, với tư cách một thừa tác viên ngoại thường. Nếu chủng sinh đã là một thầy giúp lễ, thì sau đó thầy mang các bình thánh tới bàn phụ, tráng lau và sắp xếp các bình thánh tại đó. Nếu chủng sinh chưa là một thầy giúp lễ, thì chính linh mục tráng lau các bình thánh. Tuy nhiên, chủng sinh này không có thể thực hiện bất kỳ phận vụ nào chỉ dành riêng cho thừa tác viên có chức thánh. Do đó, trong Phụng Vụ Lời Chúa, chủng sinh không thể đọc Tin Mừng hay ban bố bài giảng. Huấn thị “Redemptionis Sacramentum” nói rõ như sau: “63. Trong buổi cử hành Phụng Vụ thánh, bài đọc Tin Mừng “là tột đỉnh của phụng vụ Lời Chúa”, theo truyền thống của Giáo Hội, được dành cho thừa tác viên có chức thánh. Nên, một giáo dân, kể cả một tu sĩ, không được phép công bố Tin Mừng trong cử hành Thánh Lễ, kể cả trong các trường hợp khác, mà quy tắc không có rõ ràng cho phép. “64. Bài giảng, được ban bố trong cử hành Thánh Lễ và là thành phần của chính phụng vụ, “thường do chính linh mục chủ tế hay một linh mục đồng tế mà ngài nhờ đảm trách, hay đôi khi, nếu là hợp thời, cũng do một phó tế, nhưng không bao giờ do một giáo dân. Trong những trường hợp đặc biệt và có lý do chính đáng, bài giảng cũng có thể do một Giám mục hay một linh mục tham dự cử hành, dù các ngài không thể đồng tế”. “66. Việc cấm giáo dân giảng trong lúc cử hành Thánh Lễ cũng liên quan đến các chủng sinh, các sinh viên thần học, đến tất cả những ai thi hành chức vụ “phụ tá mục vụ”, và đến bất cứ nhóm, phong trào, cộng đoàn hay hiệp hội giáo dân nào” (Bản dịch Việt Ngữ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam) Trong Phụng vụ Thánh Thể, thầy giúp lễ không chuẩn bị chén thánh, bằng cách rót sẵn rượu và nước vào chén, nhưng chỉ trao bình rượu và bình nước cho linh mục mà thôi. Hoặc thầy cũng không giúp linh mục trong việc nâng cao chén thánh cho phần Vinh tụng ca kết thúc. Chính linh mục, chứ không phải thầy giúp lễ, mời gọi tín hữu chúc bình an cho nhau, và đọc lời “Lễ xong, chúc anh chị em đi bình an” vào cuối Thánh Lễ. Nếu linh mục cho phép hoặc bảo chủng sinh thực hiện bất kỳ chức năng nào dành riêng cho mình, ngài đã phạm sai lầm. Điều này cũng là thiếu khôn ngoan, nên chủng sinh cần phải từ chối làm như vậy. Trong một số trường hợp, thậm chí việc này có thể được coi là một sự tiếm quyền của các phận vụ thánh, vốn có thể ngăn trở hoặc trì hoãn sự chấp thuận cho chủng sinh lãnh nhận chức thánh. (Zenit.org 6-5-2014) Nguyễn Trọng Đa http://vietcatholic.info/News/Html/124893.htm |