09/01/2025

Gồng mình lo trả nợ công

Trong báo cáo vừa gửi đến Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ Kế hoạch – đầu tư nhận định nợ công tuy vẫn nằm trong giới hạn an toàn, nhưng thực tế khả năng huy động và trả nợ công của VN đang rất khó khăn.

 

Gồng mình lo trả nợ công

Trong báo cáo vừa gửi đến Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ Kế hoạch – đầu tư nhận định nợ công tuy vẫn nằm trong giới hạn an toàn, nhưng thực tế khả năng huy động và trả nợ công của VN đang rất khó khăn.

Nhiều chuyên gia lo ngại trước tình trạng thu ngân sách không đủ chi thường xuyên, thậm chí một phần khoản nợ đi vay về được sử dụng chi thường xuyên.

Liên tục phải vay nợ mới để trả nợ

Cụ thể, bộ này dẫn chiếu khối lượng huy động vốn trái phiếu chính phủ (TPCP) rất lớn, bình quân trên 400.000 tỉ đồng/năm. Trong ba năm tới huy động bằng khoảng 8-9% GDP, bao gồm huy động để bù đắp bội chi, đảo nợ (vay nợ mới để trả nợ cũ) và để đầu tư. Trong khi việc huy động trong nước chủ yếu là vay ngắn hạn và trung hạn, chiếm tới 80%, vay dài hạn chỉ chiếm 20%, dẫn đến tần suất, mức trả nợ sẽ rất cao.

“Riêng số tiền huy động TPCP năm nay để đảo nợ lên đến 70.000 tỉ đồng. Như vậy, có thể nói chúng ta liên tục phải đi vay nợ mới để trả nợ cũ. Thu ngân sách không đủ chi thường xuyên, thậm chí một phần khoản nợ đi vay về được sử dụng chi thường xuyên, hay nói cách khác là ăn vào tiền đi vay. Nghĩa vụ trả nợ là cực kỳ khó khăn” – TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, tỏ ra rất lo ngại khi chia sẻ như vậy.

Đến hết quý 1, theo Bộ Tài chính, đã huy động được 83.014 tỉ đồng TPCP, bằng 35,8% kế hoạch cả năm. Số tiền này được dùng để phục vụ đầu tư phát triển, tức Nhà nước sẽ đầu tư cho các dự án, công trình thiết yếu như cầu đường, bệnh viện, trường học… Còn về cơ cấu số vốn huy động TPCP, nhiều năm nay trên 80% tổng số vốn TPCP được các ngân hàng thương mại mua.

Về khả năng huy động vốn, Bộ Tài chính cho biết kế hoạch huy động TPCP trong quý 2 khoảng 80.000-100.000 tỉ đồng.

Bộ Tài chính cũng thừa nhận huy động vốn TPCP sẽ gặp khó khăn trong quý 2 do các ngân hàng thương mại đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng. Chính vì vậy, nguồn vốn khả dụng để mua TPCP của các ngân hàng thương mại sẽ giảm.

Cần phải hạn chế bội chi

Ông Mai Xuân Hùng – phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội – cho rằng nợ công rất đáng báo động khi đạt đến con số 90 tỉ USD.

Đó là cách tính của chúng ta. Nhưng nếu tính cả số nợ của doanh nghiệp nhà nước với hơn 1 triệu tỉ đồng và 45.000 tỉ đồng nợ xây dựng cơ bản thì sao? Cộng đầy đủ ba con số trên, như cách tính của các nước, thì hẳn nợ công đã thật sự quá đáng ngại.

Cùng quan điểm, ông Trần Đình Thiên – viện trưởng Viện Kinh tế VN – cho rằng nguy cơ nợ công không nằm ở con số nợ mà đang chứa đựng ở nhiều nguy cơ khác.

Cụ thể, quan niệm chưa đúng về nợ công khi chưa tính số nợ của doanh nghiệp nhà nước, tốc độ tăng nợ lớn; cơ cấu nợ không phù hợp khi nợ ngắn hạn quá lớn nên áp lực trả nợ cao.

Cộng thêm nữa là năng lực trả nợ của Chính phủ cũng như doanh nghiệp không bảo đảm độ an toàn. Như nghĩa vụ trả nợ đã vượt qua “lằn ranh đỏ” khi lên tới 26,7% thu ngân sách, trong khi quy định chỉ là 25%.

Để giảm nợ công, giảm chi trả nợ, theo ông Hùng, không còn cách nào khác là Chính phủ cần phải hạn chế bội chi ngân sách trong giai đoạn này, siết chặt kỷ luật tài khóa.

Như năm 2013, do thu ngân sách khó khăn, đến quý 4 Chính phủ đã kiến nghị Quốc hội cho phép tăng bội chi từ 4,8% lên 5,3% GDP, nghĩa là bội chi tăng thêm 33.500 tỉ đồng so với dự toán.

Tuy nhiên đến cuối năm, thu ngân sách vượt dự toán. Nhưng điều cần phải xem xét là đến năm 2014, con số bội chi vẫn được giữ nguyên mức 5,3%. Điều đó cho thấy gánh nặng trả nợ là rất lớn.

LÊ THANH