09/01/2025

Thoát khỏi ‘kiếp sống tầm gửi’

Một bộ phận bạn trẻ thừa nhận có thói quen ỷ lại, chẳng chịu cố gắng mà thường dựa vào sự giúp đỡ của người khác.

 

Thoát khỏi ‘kiếp sống tầm gửi’

Một bộ phận bạn trẻ thừa nhận có thói quen ỷ lại, chẳng chịu cố gắng mà thường dựa vào sự giúp đỡ của người khác.

 
Giới trẻ hiện đại thì không ỷ lại – Ảnh: N.H

Lê Quân, học sinh (HS) Trường THPT Trần Phú (Q.Tân Phú, TP.HCM), không ngần ngại trả lời: “Đã có bạn lo rồi” khi được hỏi về kế hoạch ôn thi học kỳ sắp đến.

Ông Phan Tùng, phụ huynh (Q.2, TP.HCM), cho hay: “Nhà tôi có hai đứa đang học THPT, nhưng chưa biết tự lo. Tất tần tật mọi chuyện, từ dọn phòng riêng, thức dậy đúng giờ, ủi đồ… đều mặc định để mẹ lo giúp và ỷ lại trong mọi hoàn cảnh”.

Bà Mỹ Thanh, giáo viên Trường THPT Hùng Vương (TP.HCM), phản ánh đa số HS hiện nay tiếp thu kiến thức một cách máy móc, thường ỷ lại vào sách hướng dẫn, sách giải chứ không có tư duy phản biện, không bao giờ thử suy nghĩ để hiểu tường tận lý do vì sao kết quả là như vậy. “Chính vì học vẹt, nghe sao chép vậy nên dù đã hướng dẫn cách làm bài, giải thử nhưng khi ra đề tương tự, chỉ thay đổi số liệu thì các em lúng túng và không làm được”, bà Thanh kể.

Còn theo thạc sĩ tâm lý học Ngô Toàn, Trung tâm Phúc Tuệ (thuộc Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội), hiện tượng này không chỉ có ở lứa tuổi HS. Nhiều sinh viên, thậm chí không ít công chức trẻ, cũng có thói quen không tốt này. Họ ỷ lại từ những việc nhỏ nhặt cho đến cả những công việc lớn lao.

Nhiều chuyên gia tâm lý cũng cho biết trong quá trình tham vấn tâm lý thường xuyên nhận được yêu cầu của giới trẻ khi gặp phân vân không biết phải làm sao do bản thân thường hay ỷ lại. Ngoài ra, có cả những phụ huynh nhận ra thói ỷ lại tồn tại trong con em mình nên đã dẫn đến các trung tâm mong tìm cách cải thiện.

Thạc sĩ tâm lý Ngô Toàn cho rằng sự ỷ lại, dựa dẫm vào người khác sẽ dẫn đến những tác động bất lợi, gây hại, quấy nhiễu tiến trình trưởng thành, phát triển bản thân của giới trẻ. Có thể dẫn đến việc mắc phải một số rối loạn tâm thần dưới dạng nghiện ngập; gặp các vấn đề phiền muộn về cảm xúc; hoặc tỏ thái độ hỗn láo, bộc lộ hành vi chống đối…

Cũng theo ông Toàn, xóa bỏ thói quen không tốt này bằng việc trị liệu đôi khi không thể đem lại hiệu quả. Bởi một phần nguyên nhân là lỗi của phụ huynh. Họ bảo bọc, cưng chiều con thái quá đã vô hình trung củng cố thêm cho sự ỷ lại, phụ thuộc.

Vì lẽ đó, giải pháp phù hợp là thay vì “nghĩ hộ, làm thay”, phụ huynh hãy khuyến khích con em nâng cao tinh thần trách nhiệm và tự khám phá đời sống theo cách riêng, bằng những cách đơn giản như: hạn chế cho tiền một cách thoải mái; tập thói quen không bảo bọc; nên sử dụng quyền nói “bố mẹ đã nghĩ lại” về một lời hứa nào đó trước đây; giúp đỡ con cái giải quyết khủng hoảng, khuyến khích con cái hướng đến tự giải quyết vấn đề với câu hỏi: “Ý kiến của con là gì?”…

Bà Minh Tâm, phụ huynh HS (Q.Gò Vấp, TP.HCM), khuyên: “Thương con mà cung phụng, chu cấp đầy đủ, bảo bọc thái quá thì khác nào hại con. Vậy nên ngay từ nhỏ, nên tập cho con tính tự lập, tự quyết định và chịu trách nhiệm”.

Từ năm cuối ĐH, nếu như bạn bè cùng giảng đường đều cố gắng rải hồ sơ tìm việc ở khắp các công ty, thì Huỳnh Anh, cựu sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho rằng “chuyện xin việc đã có bố lo”. Vì dửng dưng như thế nên sau 3 năm, trong khi bạn bè đã có công việc ổn định thì chàng trai này vẫn thất nghiệp. Tai hại hơn khi giờ đây Huỳnh Anh ngậm ngùi, tự thú: “Vì có thói quen ỷ lại nên không thể rèn được bản lĩnh đương đầu với các tình huống trong cuộc sống. Hễ gặp khó khăn là cảm thấy bị mất phương hướng và không biết xoay xở giải quyết như thế nào. Giá như lúc đó biết tự lập chứ đừng dựa dẫm, ỷ lại thì cuộc đời đã khác rồi”.

Đã từng là người trong cuộc, nhưng sau đó thoát khỏi “kiếp sống tầm gửi dựa dẫm vào người khác”, như chính mình thừa nhận, Trúc Dương, sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, chia sẻ kinh nghiệm: “Thử so sánh xem đạt điểm cao giữa bài kiểm tra mà bản thân tự làm và một bài nhờ sao chép thì bài nào đáng tự hào hơn? Và cần nhớ rằng không cha mẹ nào có thể che chở cho mình suốt đời được, nên đừng bao giờ ỷ lại mà tự bản thân hãy luôn quyết tâm, cố gắng trong mọi tình huống”.

 

Bình luận

“Dường như thói quen không tốt này ngày càng lây lan trong giới trẻ”.

 

 

 

 (Đặng Thanh Tùng, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)

“Bản thân mình cảm thấy ngày càng thụ động, lười hơn chỉ vì đã từng ỷ lại. Ỷ lại chỉ khiến chúng ta ngày càng thụt lùi mà thôi”.

 

 

 

 (Lê Tuấn Đại, sinh viên Trường ĐH Văn Lang)

“Giới trẻ hiện đại là không ỷ lại”.

 

 

 

 (Mã Kiều Khanh, HS Trường THPT Trưng Vương TP.HCM)

 

 

Khi người ta trẻ: Đừng để phải hối hận

“Mình không làm cũng sẽ có người khác làm thay”. Đó là suy nghĩ ỷ lại của tôi những ngày còn trẻ.

Khi đó, tôi được chăm sóc và bảo bọc trong vòng tay của cha mẹ, từ sinh hoạt gia đình cho tới học hành ở trường. Lúc gặp khó khăn tôi thường nhờ ba mẹ. Làm bài tập thì “nhờ vả” sách giải để đối phó thầy cô. Hễ chuyện gì khó khăn thì tôi sẽ tìm mọi cách để nhờ giải quyết. Mọi thứ trong cuộc sống của tôi diễn ra dường như rất dễ dàng, vì làm gì cũng có người giúp.

 

 
Minh họa: văn Nguyễn

 

Nhưng khi bước vào giảng đường đại học, tôi phải xa nhà và xuống thành phố học. Do cứ nghĩ mọi thứ sẽ đơn giản và dễ dàng như ở nhà, nhưng “đời không như là mơ” nên tôi gặp hàng tá khó khăn và luôn phải nhờ sự trợ giúp của người khác, từ chuyện học, làm việc nhóm, cho đến chi tiêu, sinh hoạt hằng ngày… cũng chỉ vì “giữ lại trong người” thói quen ỷ lại.

Cho tới khi tôi xin được việc làm đầu tiên, vẫn cái tính ỷ lại đó, tôi nghĩ: “Mình không làm cũng sẽ có người khác làm thay”. Rồi tôi trễ hạn nộp báo cáo và mất việc. Lúc ấy, tôi mới chợt nhận ra rằng không nên nhờ vả người khác nếu mình có thể làm được. Từ đó, tôi quyết tâm tự làm mọi việc từ chính đôi tay của mình. Dù kết quả có như thế nào cũng là của chính mình.

Hãy tự tạo cho mình thói quen tự lập. Đồng thời làm hết sức, cố gắng đến mức có thể. Hãy có chủ kiến, tự xử lý công việc của mình chứ đừng bao giờ ỷ lại vào người khác để không phải hối hận về sau, bạn nhé!

Phan Nguyễn Minh An

 

Nhật Hạ