26/11/2024

Thoảng vui lại buồn

Tin vui nhất với những người quan tâm đến giáo dục ngày hôm qua không phải là một thành tích giáo dục vang dội nào, mà lại là quyết định xin lùi thời hạn trình Quốc hội đề án đổi mới chương trình – sách giáo khoa của Bộ GD-ĐT.

 

Thoảng vui lại buồn

Tin vui nhất với những người quan tâm đến giáo dục ngày hôm qua không phải là một thành tích giáo dục vang dội nào, mà lại là quyết định xin lùi thời hạn trình Quốc hội đề án đổi mới chương trình – sách giáo khoa của Bộ GD-ĐT.

Đề án này thực chất đã được trình Quốc hội vào tháng 5-2011, với kinh phí dự kiến đến 70.000 tỉ đồng, và Quốc hội đã không thông qua. Sau ba năm tu chỉnh, đề án được trình lại ngày 14-4-2014, nhưng không có con số về kinh phí. Chỉ đến khi bị truy vấn, con số 34.000 tỉ đồng mới lộ ra.

Chênh lệch giữa hai con số trên là hạng mục xây dựng cơ sở vật chất 35.000 tỉ đồng trong dự thảo lần trước đã bị gỡ bỏ trong dự thảo lần này. Và một lần nữa, Quốc hội lại không thông qua. Dư luận cũng một phen nổi sóng. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nói đây là một sơ suất. Chưa rõ sơ suất trong tính toán, trong giải trình hay sơ suất vì đã để lộ ra công luận?

Người quan tâm đến cải cách giáo dục thở phào vì một đề án dở tạm thời không được triển khai. Chính phủ có lẽ cũng thở phào vì chưa phải chi một khoản tiền quá lớn, khi nợ công ngày càng tăng cao, và dự kiến trong năm nay phải vay 400.000 tỉ đồng để trả nợ và chi tiêu. Nhưng đó chỉ là cái thoảng qua, vui gượng. Còn xét về đại thể, đây là một câu chuyện buồn cho giáo dục.

Sau ba năm, kế hoạch cải cách giáo dục đầy tham vọng vẫn giậm chân tại chỗ, chưa thoát khỏi khâu dự thảo. Đến khi nào mới xong dự thảo, mới có thể triển khai, ba năm như khoảng thời gian vừa rồi, hay lâu hơn nữa? Nếu nhìn sâu hơn sự kiện này là một sự mất mát lớn cho ngành giáo dục và cho cả xã hội.

Cái mất đầu tiên là thời gian. Ai tính được trong ba năm chờ đợi đó, xã hội đã thiệt hại bao nhiêu vì chờ đợi và vì chất lượng giáo dục đã không được cải thiện?

Cái mất thứ hai là niềm tin. Sau ba năm, đề án trình lên vẫn không được thông qua bởi lý do tương tự như lần trước, dù đã có nghị quyết trung ương làm cơ sở để thực hiện. Chất lượng đề án cũng không thay đổi gì nhiều. Đặc biệt tư duy giáo dục vẫn y như cũ.

Trọng tâm của giáo dục vẫn đặt trên nền tảng cũ, vẫn dồn sức cho làm chương trình và sách giáo khoa theo kiểu “Dạy cái gì?” và “Học cái gì?”, thay vì “Dạy thế nào?” và “Học thế nào?” và hầu như bỏ qua “Học để làm gì?”.

Cấu trúc hệ thống cũng không có gì thay đổi: vẫn là 12 năm học được chia thành ba cấp. Việc phân luồng rất mờ nhạt. Phân khúc giáo dục đại học đang rất lạc hậu, cần đổi mới tức thì để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng ngay nhu cầu của xã hội thì bị bỏ quên.

Hai yếu tố tối cần thiết để có thể cải cách giáo dục thành công, là hình mẫu con người mà hệ thống giáo dục hướng đến trong 10-20 năm tới, và xã hội tương lai mà mọi người muốn sống trong 20-30 năm tới ra sao, rất mờ nhạt trong đề án này.

Cái mất thứ ba là khí thế. Nếu đã coi cuộc đổi mới giáo dục này là “trận đánh lớn” thì khí thế rất quan trọng. Khí thế sẽ tạo ra đồng thuận trong cả hệ thống để hướng đến cùng một mục tiêu. Nay chưa đánh mà đã vỡ trận thế này thì ai còn khí thế để đi tiếp? Việc cải cách liệu có được hào hứng đón nhận, triển khai hay chỉ làm cho xong việc.

Để xảy ra cơ sự này là do đâu? Lỗi tại năng lực con người, hay tại ý thức trách nhiệm của người chủ sự và đội ngũ cộng sự? Lẽ nào Bộ trưởng Phạm Vũ Luận chỉ xin rút đề án về làm lại là hoàn thành trách nhiệm của mình?

Trong Bộ GD-ĐT, còn ai làm giáo dục hay chỉ làm những dự án rất nhiều tiền? Phải chăng, tư duy giáo dục đã trở thành tư duy dự án, thời của giáo dục đã trở thành thời của dự án? Như thế, sự nghiệp cải cách giáo dục sẽ đi về đâu?

GIÁP VĂN DƯƠNG