09/01/2025

“Đi tìm sự sống ngoài Trái đất”

Trong khuôn khổ hội nghị quốc tế “Khoa học các hành tinh ngoài Hệ Mặt trời”, Tuổi Trẻ sẽ tổ chức buổi giao lưu trực tuyến mang chủ đề “Đi tìm sự sống ngoài Trái đất” lúc 17g ngày 25-4 với sự tham gia của hai khách mời là giáo sư Michel Mayor và PGS.TS Phan Bảo Ngọc.

“Đi tìm sự sống ngoài Trái đất”

Trong khuôn khổ hội nghị quốc tế “Khoa học các hành tinh ngoài Hệ Mặt trời”, Tuổi Trẻ sẽ tổ chức buổi giao lưu trực tuyến mang chủ đề “Đi tìm sự sống ngoài Trái đất” lúc 17g ngày 25-4 với sự tham gia của hai khách mời là giáo sư Michel Mayor và PGS.TS Phan Bảo Ngọc.

GS Michel Mayor nói chuyện với sinh viên – Ảnh: Trường Đăng 

GS Michel Mayor (72 tuổi) là nhà vật lý thiên văn người Thụy Sĩ, hiện là giáo sư khoa vũ trụ học Đại học Geneva. GS Mayor tốt nghiệp ngành vật lý tại ĐH Lausanne và lấy học vị tiến sĩ về vật lý thiên văn tại ĐH Geneva. Từ năm 1998-2004 ông giữ chức vụ giám đốc Đài quan sát Geneva. Ông còn là viện sĩ Viện hàn lâm Khoa học Pháp và Mỹ.

GS Mayor là người đầu tiên tìm ra hành tinh ngoài Hệ Mặt trời 51 Pegasi b. Khám phá của ông đã tác động đến lý thuyết hình thành các hệ hành tinh và mở ra hướng nghiên cứu mới trong thiên văn hiện đại. Ông đã được trao nhiều giải thưởng quốc tế trong sự nghiệp nghiên cứu của mình và được nhiều đại học danh tiếng trên thế giới trao bằng giáo sư danh dự. Ông cũng là một trong những giáo sư nằm trong danh sách ngắn của hội đồng Nobel.

Còn PGS.TS Phan Bảo Ngọc, 39 tuổi, tốt nghiệp Đại học Huế năm 1997 và ở lại trường giảng dạy. Sau đó, ông sang Pháp học thạc sĩ tại Đại học Paris VI, nhận bằng tốt nghiệp năm 2000 và bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ cũng tại Đại học Paris VI. Sau thời gian nghiên cứu sau tiến sĩ tại Viện Thiên văn và thiên văn vật lý, Đài Loan, ông về Việt Nam. Hiện PGS.TS Phan Bảo Ngọc đang giảng dạy tại ĐH Quốc tế (ĐHQG TP.HCM).

Năm 2008, nhà vật lý trẻ Việt Nam – TS Phan Bảo Ngọc – và cộng sự đã quan sát được hiện tượng giải phóng phân tử carbon oxide (CO) từ một sao lùn nâu có tên ISO-Oph 102 bằng kính thiên văn radio. Công bố của ông đã gây chấn động giới thiên văn quốc tế vì sự giải phóng các dòng phân tử như CO chỉ quan sát được ở các ngôi sao thông thường có khối lượng lớn hơn rất nhiều lần so với sao lùn nâu. Phát hiện này cũng mở ra một hướng mới cho việc nghiên cứu quá trình hình thành sao lùn nâu. Trước đó, vào năm 2001, cũng chính ông đã tìm ra phương pháp “Chuyển động riêng rút gọn cực đại”, mở ra hướng mới trong việc tìm kiếm các sao lùn. Với phương pháp này, ông và các cộng sự đã khám phá thêm 80% số lượng sao lùn nâu. Dù có nhiều cơ hội làm việc tốt ở nước ngoài nhưng ông vẫn quyết định trở về quê hương. Với những đóng góp cho ngành vật lý, năm 2007 PGS.TS Phan Bảo Ngọc đã được giải thưởng danh tiếng Henri Chrétien do Hội Thiên văn Mỹ trao tặng, đây là giải thưởng GS Trịnh Xuân Thuận đã nhận năm 1992.

Tuổi Trẻ trân trọng mời bạn đọc yêu thích thiên văn học quan tâm đến chủ đề này đặt câu hỏi giao lưu với GS Michel Mayor và PGS.TS Phan Bảo Ngọc bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh, trên tuoitre.vn và tuoitrenews.vn.

TUỔI TRẺ

 

 

Gần 1.300 người giao lưu với GS Mayor tại Quy Nhơn

Chiều 24-4, tại hội trường Trung tâm Văn hóa tỉnh Bình Định, GS Michel Mayor đã có buổi thuyết trình và giao lưu với gần 1.300 học sinh, sinh viên, giảng viên, giáo viên và những người yêu thích thiên văn tại thành phố Quy Nhơn. Buổi giao lưu do Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Bình Định phối hợp Trung tâm Quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành ICISE tổ chức.

“Những thế giới khác trong vũ trụ và cuộc tìm kiếm những anh em song sinh ngoài Trái đất” là chủ đề bài thuyết trình của GS Mayor. Trong bài nói chuyện của mình, GS Mayor tổng kết lại lịch sử nghiên cứu ngành khoa học các hành tinh ngoài Hệ Mặt trời, kể lại câu chuyện ông phát hiện hành tinh đầu tiên ngoài Hệ Mặt trời, các phương pháp nghiên cứu tìm kiếm ngoại hành tinh, các phương tiện công nghệ trong tương lai của ngành khoa học này.

Theo GS Mayor, câu chuyện về những ngoại hành tinh đã được các nhà triết học cổ đại đưa ra và ngày nay, với sự phát triển của khoa học công nghệ con người đã tìm kiếm và có những bằng chứng xác thực về sự tồn tại của các hành tinh này.

H.NHUNG