26/11/2024

Tôi có lỗi khi em phạm tội

Khi em có nguy cơ bị tuyên án tử hình, lúc này tôi mới giật mình suy nghĩ lại. Nếu ngày xưa tôi kiên nhẫn hơn, đừng vội buông tay quá sớm…

 

Tôi có lỗi khi em phạm tội

Khi em có nguy cơ bị tuyên án tử hình, lúc này tôi mới giật mình suy nghĩ lại. Nếu ngày xưa tôi kiên nhẫn hơn, đừng vội buông tay quá sớm…
Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần

 

1. Tôi là một người đã có thâm niên mười năm đứng lớp, đã trải qua bao vui buồn của đời giáo viên. Nhưng có một câu chuyện khiến tôi mãi day dứt không yên cho đến hiện tại.

Tôi là một giáo viên có uy tín trong tập thể nhà trường cũng như đạt được sự tín nhiệm của ban giám hiệu về công tác chủ nhiệm lớp.

Có một nhìn nhận rằng hễ lớp nào tôi chủ nhiệm sẽ rất ngoan, hiền, đạt kết quả tốt trong phong trào, không có học sinh yếu kém.

Chính vì sự nhìn nhận ấy khiến tôi cố gắng rất nhiều trong công tác chủ nhiệm và cũng vô hình trung tạo thành áp lực rất lớn cho tôi. Lúc nào tôi cũng muốn lớp chủ nhiệm của mình phải ngoan, nề nếp và đứng nhất nhì trong thi đua.

Vào năm học 2011-2012, tôi được phân công chủ nhiệm lớp 11 – một lớp có kết quả học tập yếu kém, quậy phá nhất khối 10 năm trước.

Khi phân công lớp này cho tôi, ban giám hiệu đã hi vọng tôi sẽ thay đổi được các em. Chính sự kỳ vọng đó đã khiến tôi hăng say tìm mọi cách để thay đổi lớp học.

Bằng kinh nghiệm và sự nhiệt tình của mình, lớp tôi chủ nhiệm đã có sự thay đổi đáng kể, các em ngoan hơn, chịu học hơn, nề nếp hơn.

Tuy nhiên, thành tích thi đua hằng tuần của lớp vẫn không khả quan khiến tôi rất sốt ruột. Bởi vì trong lớp tôi có một học sinh vẫn chưa thay đổi, em vẫn cúp tiết thường xuyên, muốn học thì học muốn nghỉ thì nghỉ, vô lớp không bao giờ chịu chép bài, giờ học thì ngủ gật, không ngủ thì nói chuyện, phá phách.

Sau khi tìm hiểu thì biết cha em nghiện rượu nặng, mất sức lao động, khi uống rượu vào là đánh đập mẹ em. Còn mẹ đi bán ve chai kiếm sống.

Trong gia đình, em không sợ cha, không sợ mẹ, không ai quản được em. Tôi đã gặp riêng em, tâm sự có, ngọt ngào có, phân tích có, nghiêm khắc có nhưng em vẫn không thay đổi mặc dù tôi đã cố gắng hết sức. Chỉ vì mình em mà thành tích của lớp không tốt nên tôi rất bực mình.

2. Từ từ, do chạy theo thành tích tôi đã mất dần sự kiên nhẫn, tôi không thể chấp nhận một em học sinh như vậy làm ảnh hưởng đến uy tín của mình. Tôi bắt đầu nghĩ đến việc đuổi học em, lúc đầu tôi vẫn trăn trở đuổi học em thì em sẽ ra sao, em sẽ đi đâu về đâu?

Nhưng những lời mắng vốn, trách móc của giáo viên bộ môn về em ngày càng nhiều đã khiến tôi nóng nảy, bực tức. Tôi tự biện hộ rằng đuổi học em sẽ tốt cho các bạn còn lại trong lớp, “cái ung thì cần phải cắt bỏ để tránh lây lan”.

Với lập luận đó, tôi đã mời mẹ em đến và khéo léo yêu cầu bà rút học bạ cho em chuyển sang học nghề (để không bị trừ điểm vì giảm sĩ số).

Mẹ em nước mắt lưng tròng rút học bạ, còn tôi hả hê vì đã giải quyết xong vấn đề. Sau đó, tôi nghe các học sinh trong lớp kể rằng em không học nghề mà chuyển sang đi bán trứng vịt, chăn vịt. Em còn nhắn rằng khi vịt lớn sẽ tặng tôi cặp vịt.

Thành tích lớp tôi được cải thiện ngay sau khi em nghỉ học khiến tôi thấy mình đúng và không bận lòng về em nữa. Sau một thời gian, thỉnh thoảng tôi vẫn nghe em đánh lộn với người này người kia. Khi nghe, tôi chép miệng: đúng là bất trị.

Sang năm, học mới, chủ nhiệm lớp mới, mải mê với công việc tôi gần như đã quên hẳn em. Nhưng một hôm tôi lại nhận được tin dữ từ lớp cũ, trong một lần đi dự đám cưới do bị khiêu khích em đã đâm trọng thương một người và đâm chết một người. Em đã bị bắt ngay sau đó và có nguy cơ bị tuyên án tử hình.

Đến lúc này tôi mới giật mình suy nghĩ lại, nếu ngày xưa tôi kiên nhẫn hơn, đừng trọng sĩ diện hơn thì có đuổi học em không? Em có thật là bất trị như tôi nghĩ không? Em có thay đổi được không? Mãi mãi không có câu trả lời? Vì tôi đã đuổi học em, tôi đã vội buông tay quá sớm. Tôi không đủ tình thương để bao dung, uốn nắn em.

3. Khi nghe tòa tuyên án, tôi đã khóc rất nhiều, rất nhiều. Em ơi! Tôi thật lòng xin lỗi em, xin lỗi mẹ em bởi vì xét đến cùng tôi cũng là người phải chịu trách nhiệm việc em gây ra.

Chính tôi đã đẩy em rời khỏi mái trường để sớm bước vào cuộc sống phức tạp khi mà em chưa đủ kỹ năng sống, để rồi nhận lấy kết quả đau lòng là tù chung thân. Tôi mong em sẽ cải tạo tốt để có cơ hội làm lại từ đầu nghe em.

Sự việc của em đã khiến tôi trăn trở vô cùng. Và đã khiến tôi tự rút ra cho mình một bài học kinh nghiệm là đối với học sinh cá biệt, mình đừng vội buông tay quá sớm, đừng vội nản lòng, đừng mất kiên nhẫn, hãy thương các em bằng cả tấm lòng để có thể thay đổi các em.

Đừng đẩy các em ra khỏi mái trường khi mình còn có thể giáo dục. Nếu không thể làm cho các em học giỏi, ngoan hiền thì ít nhất khi giữ các em còn học tại trường, mình vẫn có thể hạn chế sai phạm của các em. Tôi đã, đang và sẽ khắc phục sai lầm của mình.

VO HONG PHUONG