Thầy hãy dạy thêm lớp khác
Nhiều bạn vẫn chia sẻ rằng mong năm sau còn được thầy dạy dỗ. Nhưng tôi lại khác, tôi mong muốn thầy có thể dạy nhiều lớp học sinh hơn nữa để ngọn lửa ấy, nhiệt huyết ấy vẫn luôn cháy sáng và nối dài thêm…
Thầy hãy dạy thêm lớp khác
Thầy Đặng Văn Bích cùng các học trò Trường THPT Lê Quý Đôn – Ảnh: H.L. |
Với một cô bé trước giờ chỉ thích viết lách, hay mơ mộng như tôi thì chẳng thể nào ngồi yên một chỗ với những con số và công thức toán rắc rối. Ấy thế mà thầy cô cấp III ở đây, dưới mái trường này đã làm tôi hoàn toàn thay đổi. Người thầy đã thật sự tác động lớn đến những suy nghĩ đầu đời của tôi chính là thầy Đặng Văn Bích, giáo viên dạy toán Trường THPT Lê Quý Đôn, Q.3, TP.HCM.
Những tiết toán sôi động
Chắc có lẽ không chỉ mình tôi mà cả lớp cũng cảm nhận được điều đó. Chưa bao giờ tôi thấy được một tiết học toán sôi động như vậy. Ai cũng giơ tay xin được lên bảng. Được trình bày bài giải cho cả lớp xem đấy là cách thầy dạy cho chúng tôi tự tin hơn vào chính mình, học cách trình bày sao cho thật rõ ràng. Đồng thời, điều này đã tiếp thêm động lực cho chúng tôi cố gắng học tập, chuẩn bị bài đầy đủ ở nhà.
Nhìn thầy trên bục giảng cũng là lúc tôi ngưỡng mộ thầy nhất. Thầy giảng từ từ, dạy cho chúng tôi tính cẩn thận khi làm từng phép toán. Từng chút một, thầy như con ong cần mẫn lấp đầy những lỗ hổng, bồi thêm cho chúng tôi những kiến thức mới. Mỗi lời giảng của thầy đều thêm vào câu: “Phải không mấy đứa?” cùng ánh mắt hạnh phúc, khó có thể diễn tả hết được. Điều này đã dần trở thành câu nói riêng khiến thầy đặc biệt hơn những giáo viên khác. Đã là học sinh của thầy, chắc hẳn không ai quên được ánh mắt chan chứa tình yêu thương ấy.
Bây giờ tôi có thể ngồi hàng giờ bên những bài toán. Điều mà trước nay quả là một việc quá khó khăn đối với tôi. Chính thầy đã truyền cho tôi sự thích thú đam mê với những con số chứ không còn gò ép, bó buộc trong bốn chữ “bài tập về nhà”. Chính thầy đã cho tôi hiểu được cảm giác căng đầu ra giải một bài toán khó, để rồi hò reo sung sướng khi đáp án dần hiện ra trên trang giấy. Những cảm giác ấy lần đầu tiên tôi mới thật sự được trải nghiệm.
“Sai thì làm lại”
Nhớ có lần thầy gọi tôi lên bảng giải bài tập. Do bất cẩn, tôi đã không kiểm tra lại bài làm dẫn đến đáp số sai. Lúc sửa bài, thầy phát hiện. Lúc đó vừa giận mình bất cẩn, vừa cảm thấy xấu hổ, tôi nằm gục xuống bàn khóc. Tôi còn nhớ thầy chỉ bảo thế này: “Sai một lần thì mình làm lại. Có gì đâu mà phải khóc”. Sai thì làm lại. Câu nói ấy đến bây giờ tôi vẫn luôn ghi nhớ mỗi khi gặp khó khăn trong cuộc sống.
Thầy ít nói, sống trầm lặng. Gần đến ngày thi cử, chúng tôi hay chọc thầy: “Thầy ơi, chúc tụi con thi tốt đi thầy”. Thầy chỉ cười rồi quay đi. Hơn ai hết, thầy trò chúng tôi hiểu nụ cười ấy có ý nghĩa như thế nào. Rằng mọi kiến thức thầy dạy cho chúng tôi hằng ngày từng chút đã tạo nên một nền tảng vững chắc để chúng tôi bước vào kỳ thi không chút lo lắng. Những kiến thức ấy đã thay lời chúc của thầy theo chúng tôi vào phòng thi.
Thầy chỉ là một giáo viên bình thường, trước nay vẫn vậy, không lẫn vào đâu được. Một năm được học với thầy đã tạo một dấu ấn sâu đậm trong cuộc đời đi học của tôi.
Câu chuyện về thầy là cuốn sách không có hồi kết.
TRẦN HÀ LAM
Cô Đỗ Thị Bích Duyên (hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn, Q.3, TP.HCM): “Người bạn lớn” của học trò Thầy Bích công tác tại trường đã gần 20 năm, hiện thầy là nhóm trưởng khối 10 của tổ toán. Với kinh nghiệm lâu năm trong công tác giáo dục, thầy là một người vững về chuyên môn và nắm bắt tâm lý học trò theo cách rất riêng của mình. Trong giảng dạy, thầy thường hướng dẫn các em từ dễ đến khó, linh hoạt khi chỉ dẫn cho học sinh giỏi, khá lẫn trung bình nhằm giúp các em không ngừng tiến bộ. Bên cạnh đó thầy còn rất cần mẫn tìm hiểu, ứng dụng công nghệ thông tin, cập nhật kiến thức để những bài giảng của mình thêm sinh động, không nhàm chán với học trò. Thầy Bích còn là một người hiểu tâm lý người học, gần gũi, thân thiện với các em như một người bạn lớn và an ủi, động viên mỗi khi các em gặp khó khăn trong học tập. MỸ DUYÊN |