09/01/2025

Tạo kênh để học trò phản biện

Không thể cấm học trò chơi Facebook (FB), càng không thể cấm các em thể hiện tâm tư, tình cảm, lý lẽ, bức xúc của mình trên mạng xã hội. Thực tế cho thấy nếu nhà trường tạo được những kênh tương tác hiệu quả, chuyện “ẩn danh” nói xấu thầy cô trên FB sẽ được hạn chế.

 

Tạo kênh để học trò phản biện

Không thể cấm học trò chơi Facebook (FB), càng không thể cấm các em thể hiện tâm tư, tình cảm, lý lẽ, bức xúc của mình trên mạng xã hội. Thực tế cho thấy nếu nhà trường tạo được những kênh tương tác hiệu quả, chuyện “ẩn danh” nói xấu thầy cô trên FB sẽ được hạn chế.
Niềm vui, nỗi buồn trong học tập đều được học sinh thời nay chia sẻ trên mạng xã hội – Ảnh: Như Hùng

 

 

“Học trò ngày nay có tính độc lập và phản biện rất cao, đặc biệt là học trò thành phố, nơi các em được cập nhật về kiến thức, công nghệ rất tốt. Nếu không được định hướng, các em sẽ tự cho mình quyền được phán xét, bêu xấu người khác với công cụ là mạng xã hội mà không lường trước hậu quả của nó” – một chuyên viên Sở GD-ĐT TP.HCM nhận xét.

Nhu cầu bức thiết

 

“Người thầy không chỉ đóng vai trò người truyền giảng tri thức mà còn phải trở thành một chuyên viên tâm lý biết tôn trọng, thấu hiểu và lắng nghe các em thay vì chỉ áp đặt theo ý mình”

Thầy Nguyễn Hữu Thanh

 

Giáo viên nặng lời, cư xử chưa chuẩn mực, cách dạy chưa phù hợp, cho bài tập, cho điểm theo kiểu “làm khó học sinh”…, tất cả những điều này, từ khi có mạng xã hội, đều được học sinh đem “xả” trên công cụ đắc lực này. Ở đó, học trò có thể giấu tên mà thông tin lại được lan truyền nhanh nhất, được nhiều người biết đến nhất.

Theo một số học sinh ở các trường THPT Kim Liên, Đống Đa (Hà Nội), việc nói xấu thầy cô đều xuất phát từ việc “cô cho điểm sai”, “cô không công bằng”, cách cô mắng mỏ, thậm chí xúc phạm học sinh… Cũng có trường hợp nói xấu chỉ vì không thích cách cô ăn mặc, nói năng hoặc do cô quá nghiêm khắc…

Thầy Nguyễn Hữu Thanh, trợ lý thanh niên Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM), cho rằng: “Ở lứa tuổi học trò có những phản ứng mang tính bộc phát, tức thời không kiểm soát khi không hài lòng với cách xử lý của thầy cô hoặc bất đồng với bạn bè. Các em chọn cách lấy thầy cô, bạn bè để công kích, bình phẩm, chế giễu. Những thông tin không đẹp, không biết đúng sai này cứ lan nhanh, vô tình ảnh hưởng đến danh dự của thầy cô và nhà trường, tạo thành những vết hằn khó phai mờ trong quá trình giảng dạy và giao tiếp giữa cả thầy lẫn trò. Điều này xuất phát từ việc định hướng chưa tốt của nhà trường cho chính các em học sinh và chính bản thân các em chưa được trang bị văn hóa giao tiếp, ứng xử trong việc sử dụng công cụ mạng xã hội”.

Chuyện “học sinh nói xấu thầy cô” không phải là chuyện hi hữu nữa nên không ít thầy cô giáo ở Hà Nội khi được hỏi về chuyện này đều cho biết họ không bất ngờ. Nhưng ứng xử, suy nghĩ của mỗi người lại khác nhau.

Cô Hồng Mai, một giáo viên THCS, nói: “Nếu bỏ công đi tìm hiểu trên FB thì không khó tìm được những phát ngôn gây sốc về thầy cô, hoặc có thể bắt gặp học sinh nói xấu chính mình. Nên để đỡ “sốc” thì coi như không biết điều đó”. Tuy nhiên có nhiều thầy cô giáo cũng lập FB để kiểm soát học sinh.

Về việc này, Huy Anh, một học sinh lớp 11 ở Hà Nội, thừa nhận: “Nhiều thông tin bọn em tám chuyện trên FB, cô chủ nhiệm đều biết. Có những buổi sinh hoạt lớp cô chỉ mang nội dung chúng em chat trên FB để mắng mỏ. Trong đó có khá nhiều thông tin cô suy diễn. Em nghĩ đó không phải cách hay. Vì học sinh nếu thấy ấm ức và không phục thầy cô thì có nhiều chỗ, nhiều cách để nói xấu lắm”. Theo Huy Anh, “có những bạn đặt ký hiệu cho thầy cô giáo. Trong giới học sinh chúng em ai cũng biết bạn đó nói về ai nhưng cô thì không có bằng chứng để truy”.

Tại TP.HCM cũng có trường hợp học trò công khai nói xấu thầy chủ nhiệm trên FB, khi bị mời lên phòng giám thị lập biên bản và gửi thông tin về phụ huynh thì ngay hôm sau xuất hiện một trang FB mới với một cái tên khác phản ứng gay gắt việc này, cho rằng nhà trường xâm phạm quyền tự do của học sinh.

“Xả” mà không sợ trù dập

Tạo cho học sinh nhiều kênh để trình bày tâm tư, nguyện vọng của mình, phản biện những điều các em cho là chưa đúng – đây là giải pháp nhiều trường đã và đang thực hiện để hạn chế việc học sinh mang tất cả mọi điều lên mạng xã hội.

“Ngoài hộp thư “Điều em muốn nói”, cứ mỗi năm hai lần trường tổ chức đối thoại giữa ban giám hiệu và học sinh. Đó có thể là cán bộ lớp, cũng có thể là những học sinh bình thường được mời ngẫu nhiên. Các em được khuyến khích viết ra giấy những tâm sự, uẩn khúc trong lòng, điều thích và không thích, nhận xét về việc học, về thầy cô mà không cần ghi tên. Tất cả thông tin này đều được bảo mật, và từ những tư liệu này nhà trường biết được tâm tư, nguyện vọng của học sinh để điều chỉnh một số hoạt động của nhà trường” – ông Cao Đức Khoa, hiệu trưởng Trường THCS Võ Trường Toản, Q.1, TP.HCM, cho biết đấy là cách nhà trường khuyến khích học sinh nói ra những bức xúc của mình thay vì “xả” trên mạng xã hội.

Tại Trường THPT Võ Trường Toản, Q.12, TP.HCM, học sinh luôn được tạo điều kiện tốt nhất để gặp và trao đổi các vấn đề với hiệu trưởng. Anh Đoàn Vũ Hải, trợ lý thanh niên của trường, cho biết: “Trường có các hộp thư góp ý dành cho thầy cô, hộp thư góp ý hiệu trưởng. Khi có sự cố gì, có bức xúc, vấn đề gì về việc dạy và học, học sinh có thể gặp hiệu trưởng để trình bày. Ban giám hiệu cho phép học sinh được thoải mái nói ý kiến của mình. Ngoài ra, trường có website, trong đó có diễn đàn để học sinh bàn luận về các vấn đề xảy ra trong nhà trường. Thầy cô giáo cũng tham gia FB cùng học sinh để trò chuyện thoải mái với các em. Thông qua các kênh này, những phản ứng của học sinh với giáo viên sẽ dễ dàng, cởi mở hơn, tránh những sự việc không đáng có”.

Tại Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội, theo cô hiệu trưởng Nguyễn Thị Nhiếp, từ nhiều năm trường đã thực hiện việc “học sinh đánh giá thầy, cô giáo”. Việc đánh giá này được tổ chức công khai, bài bản. Học sinh không phải để lại danh tính nên không lo thầy cô trù dập. Các em có quyền nhận xét thầy cô giáo, cán bộ, nhân viên nhà trường theo hàng chục tiêu chí mà trường đặt ra, từ trình độ chuyên môn tới thái độ ứng xử, tình cảm của các em với thầy cô… “Đây là cách để học sinh được nhận xét, được nói lên tiếng nói của mình về thầy cô giáo một cách đường đường chính chính, cũng là kênh để cán bộ, giáo viên phải “nhìn vào để sửa mình” – cô Nhiếp nói.

Không dễ dàng gì làm được điều này vì ngay cả trong đội ngũ giáo viên cũng có những người không đồng tình, nhưng sự chuyển biến trong nhiều năm  thực hiện của Trường Phan Huy Chú minh chứng bằng sự thân thiết trong quan hệ thầy – trò. “Chúng tôi sẵn sàng đón nhận những góp ý chân thành của các em để rồi cảm nhận được sự trân trọng, yêu quý của các em”- cô Kim Anh, Trường Phan Huy Chú, chia sẻ.

Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cũng dành một số tiết sinh hoạt lớp để học sinh thảo luận về FB và ứng xử giữa học sinh với học sinh, giữa thầy và trò. “Tôi muốn cả giáo viên và học sinh cùng suy nghĩ và nói lên tiếng nói riêng, vì việc được đối thoại đàng hoàng, công khai, được tôn trọng sẽ giúp học sinh hiểu lẽ đúng, sai và cũng là cơ hội để người thầy có được những “bài học về giáo dục” cần có trong quá trình dìu dắt học sinh” – ông Nguyễn Tùng Lâm, hiệu trưởng nhà trường, nêu ý kiến.

VĨNH HÀ – LƯU TRANG

 

 

* PGS Văn Như Cương (chủ tịch HĐQT Trường Lương Thế Vinh, Hà Nội):

Tôi từng bị học sinh phê bình

Tôi nghĩ học trò không nên nói xấu thầy, nhưng không phải lúc nào thầy cũng đúng. Vì thế nhiều lúc thầy cũng cần xem lại chính mình. Chính tôi từng bị học sinh phê bình vì không đội mũ bảo hiểm khi đi một đoạn đường 50m, nhưng tôi hiểu học sinh phê bình đúng, và mình là thầy thì phải nhận ra lỗi và phải sửa. Đó cũng là cách ngăn chặn tình trạng học sinh hỗn láo với thầy cô.

* TS Phạm Mạnh Hà (Học viện Thanh thiếu niên VN):

Học sinh phải được nói lên tiếng nói của mình

Có những vấn đề nhà trường vẫn cần phải quy định cấm, nhưng “cấm” không bao giờ là đủ. Mà vẫn cần tạo cơ hội cho các em học sinh được giãi bày, được chia sẻ, được nói lên tiếng nói của mình. Nhu cầu giãi bày, nhu cầu được lắng nghe, chia sẻ của các bạn trẻ rất lớn, nhất là khi chương trình học có nhiều áp lực, nhiều phụ huynh không có thời gian quan tâm tới con cái, thầy cô không có thời gian để hiểu học sinh… Không cho các em cơ hội đó thì các em sẽ “xả” ở một nơi khác mà các em cho là “tự do phát ngôn”. Chuyện nói xấu thầy cô trên mạng xã hội không phải chỉ là “dấu hiệu xuống cấp đạo đức” của một bộ phận học sinh mà là bất ổn của vấn đề giáo dục, là trách nhiệm của người lớn.

 

 

Những điều “cấm kỵ” khi lên Facebook

1. Tuyệt đối không được nói tục, chửi bậy hoặc văng bậy, kể cả chửi bậy bằng những từ viết tắt… Phải sử dụng ngôn từ trong sáng, thuần Việt.

2. Tuyệt đối không dùng Facebook để nói xấu bất cứ ai.

3. Chỉ like status khi đã đọc kỹ nội dung của nó. Nếu like những status có nội dung xấu, chủ nhân Facebook sẽ bị quy trách nhiệm. Bởi vậy cần phải biết đấu tranh, bày tỏ quan điểm trước status có nội dung xấu hoặc không lành mạnh.

4. Tuyệt đối không được để bạn bè hiểu lầm khi đọc status. Bởi vậy, viết status phải rõ ràng.

Lưu ý:

Mọi việc đều có hai mặt. Facebook là mạng chia sẻ, vui buồn đều có thể sẻ chia. Tuy nhiên, việc chia sẻ này làm như thế nào là đúng tùy thuộc vào sự thông minh, hiểu biết của mỗi người. Bởi thế, người sử dụng Facebook luôn phải cân nhắc để thể hiện sự thông minh và hiểu biết của mình.

Facebook cũng là nơi thể hiện văn hóa của mỗi cá nhân, bởi vậy nên cân nhắc kỹ trước khi like vào một comment nào đó, hoặc viết status thể hiện tâm trạng của bản thân.

Facebook không phải là nhật ký, bởi thế mọi riêng tư không nên đưa lên Facebook.

Nếu tôi đọc được Facebook của bạn, chắc chắn tôi sẽ biết bạn là người như thế nào!

(Những điều “cấm kỵ” khi lên Facebook dành cho học sinh Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh, Hà Nội – trường duy nhất có quy định về việc này)