25/11/2024

Chụp hình ma được không?

Thưa cha con có đứa con gái, khi chụp hình cho cháu thấy có bóng hình mờ mờ phía sau. Gia đình chúng con rất lo sợ, không biết cháu có bị một hồn ma nào ám ảnh không? Chúng con không biết phải làm thế nào, có cần làm phép trừ tà cho cháu không?

 

Chụp hình ma được không?

Hỏi: Thưa cha con có đứa con gái, khi chụp hình cho cháu thấy có bóng hình mờ mờ phía sau. Gia đình chúng con rất lo sợ, không biết cháu có bị một hồn ma nào ám ảnh không? Kèm thêm một vài biểu hiện thất thường như cháu khó ngủ, trằn trọc về đêm. Chúng con không biết phải làm thế nào, có cần làm phép trừ tà cho cháu không? Chúng con xin hết lòng cám ơn Cha.(Cha của cháu bé ở giáo xứ Chính toà, Xuân Lộc, Long Khánh).

Đáp: Tôi đã nghiên cứu 2 bức hình của con anh và xin gia đình hãy an tâm. Thực chất đây chỉ là những bức ảnh  được phần mềm có tên là Camera 3600 tạo ra. Hiện nay khoa học công nghệ tiến bộ nên việc ghép hình ảnh khi chụp là 1 chuyện rất bình thường. Chỉ cần tải phần mềm “ma-camera 3600” về máy là mình có thể ghép bất kỳ hình ảnh nào mà mình chụp được. Vì thế có một số cá nhân dùng những phần mền như thế để đùa giỡn, trêu chọc bạn bè hoặc thậm chí để lừa gạt người khác. Vậy xin anh hãy an tâm. Bức hình của cháu có hình mờ mờ có sẵn trong phần mềm nên chẳng phải ma quái gì đâu. Còn phép trừ tà của Giáo Hội không cần trong trường hợp này.

Còn việc cháu khó ngủ và có vài biểu hiện bất thường thì anh nên cho cháu đến khám nơi bác sĩ hoặc có thể vì nguyên nhân tâm lý như lo sợ thi cử, căng thẳng ở trường lớp…Cầu chúc anh và gia đình an mạnh.

Thân ái. Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn.

Tái bút: Tôi gửi đến anh bài viết về đề tài liên quan để anh tham khảo:


Hoảng sợ chụp ảnh con gái, thấy hình ma hiện lên

 

Khi chụp ảnh cho con, chị Dương thấy bóng ma áo trắng, tóc tai rũ rượi xuất hiện trong ảnh. Hiện tượng này diễn ra liên tục sau đó nhiều ngày.

Sự việc một gia đình chụp ảnh cho con gái, nhưng trong những tấm hình lại xuất hiện bóng ma màu trắng, tóc tai rũ rượi, đôi mắt thâm quầng, vô hồn đã gây xôn xao thị trấn Cát Bà (TP Hải Phòng) thời gian qua.

Theo đó, khoảng 14h ngày 22/7, chị Đinh Thị Dương (sinh năm 1991, ngụ đường Núi Ngọc, Cát Bà, Hải Phòng) có thói quen chụp ảnh con gái để tung lên Facebook chia sẻ với bạn bè. Buổi sáng hôm đó chị có mua cho cháu một đôi dép nên chụp luôn để đăng tải lên mạng. Ba bức ảnh đầu tiên chị thấy có hình lạ mờ mờ, hình thứ tư cháu bé hiếu động ngó nghiêng liên tục, chị tưởng ảnh bị mờ định nên xóa đi.

Tuy nhiên, khi nhìn lại tấm ảnh, chị sửng sốt thấy hình ảnh một “bóng ma nữ” ẩn hiện bên trong. Càng nhìn lâu hình ảnh “ma nữ” càng rõ nét. Tưởng mắt mình hoa, chị chụp tiếp thêm vài tấm nữa. Chị phát khiếp sợ toát mồ hôi vì thấy hình ảnh “ma” di chuyển đến những vị trí khác nhau trên tấm ảnh.

Chị Dương kể: “Chụp được 3 tấm ảnh cho cháu bé, tôi giật mình hoảng hốt thấy hình ảnh của một con ma đầu tóc rũ rượi, đôi mắt vô hồn ai oán ẩn hiện trong tấm ảnh. Trong mỗi bức ảnh, vị trí của con ma khác nhau, khi thì ở đôi dép, khi thì ở góc bàn, sau đó là giữa trán trong ảnh con tôi. Hôm đó là ngày rằm nên mọi người cho rằng đó là một con ma nữ chết oan khuất quấy quả cháu”.

Cố giữ bình tĩnh chị Dương đem những hình mình chụp được chia sẻ với chồng, nhưng chính anh cũng hốt hoảng sợ hãi. Hai đứa cháu nhỏ 11 và 12 tuổi đứng cạnh “mặt cắt không còn giọt máu”. Bà mẹ trẻ hoảng hồn không biết chuyện gì xảy đến gia đình mình.

Hoảng sợ chụp ảnh con gái, thấy hình ma hiện lên 1
Bức ảnh ma chị Dương chụp được từ điện thoại.

Chị liền bế con đi lên tầng trên, trong lòng không ngừng lo sợ. Chị gái của Dương ban đầu không tin, cho rằng chị “thần hồn nát thần tính”, không tin có chuyện nhảm nhí như vậy. Tuy nhiên, khi tận mắt nhìn những tấm hình, ai cũng sửng sốt. Bầu không khí sợ sệt bao trùm lên cả gia đình. Khi đưa những tấm hình này lên máy tính thì hình ảnh càng rõ nét khiến mọi người ai lại càng xanh mắt.

Những người cứng vía hơn thì nghĩ rằng đây là trò đùa của Dương lồng ghép những ảnh ma quỷ vào hù dọa mọi người. Tuy nhiên, chị bức xúc: “Làm gì có trò đùa nào dại dột như thế, tôi tự đem “ma nữ” về ám con mình à”.

Chị Dương cho biết, địa điểm chụp ảnh cháu bé trước đây là một đường đi nhỏ, sau này gia đình có cơi nới làm thêm lều nhỏ bán hàng. Vì vậy mọi người tưởng tượng rằng có thể dưới khu vực này có người nào đó nằm chết, nên oan hồn đang theo cháu bé.

Một người mê tín khác còn đồn đại: “Có thể là nơi các cháu ngồi là đường đi cũ nên các hồn ma vẫn theo đường đó mà đi?”. Có người còn “thổi” thêm: “Ma thường đi khoảng giữa trưa, tại sao khoảng 14h vẫn còn lai vãng” rồi tự đặt câu trả lời đoán già đoán non, phải chăng hôm nay ngày rằm, các ma nữ dạo chơi muộn hơn thường ngày.

Cứ như vậy, nhiều suy đoán về hồn ma được thêu dệt lên khiến câu chuyện trở nên kỳ bí. Họ nhớ lại những câu chuyện bịa đặt đi tìm mộ rằng người nào linh thiêng khi người thân cầu khấn chụp ảnh sẽ hiện lên trên cùng.

Vì vậy, một số người càng thêm u mê: “Có thể cô gái này bị chết oan khuất, đôi mắt trũng sâu, cái nhìn sâu thẳm vô hồn, tóc bết lại, mặc hai lớp áo, có thể là chết đuối. Điều này khiến mọi người không khỏi lo lắng vì nghĩ biết đâu vì chết oan mà cô ma này hiện lên và nhờ gia đình tìm người thân giúp”.

Giả thiết thứ hai cho rằng gia đình có người chết trẻ không siêu thoát nên về quấy quả cháu bé. Nghĩ điều này, bởi chị Dương trước đây đã không ít lần bị đau đầu và đổ lỗi cho “người dì chết trẻ trêu đùa”. Lục thêm trí nhớ, những người trong gia đình chồng cho biết từng có một người cô và một người chú chết trẻ.

Sau 3 tiếng phân vân không biết xử trí ra sao, chủ nhà liền mua đồ về làm lễ cúng, quỳ lạy sì sụp trước chiếc điện thoại. Nào là tiền vàng, quần áo bằng giấy, hoa quả, gạo, muối, bánh kẹo.

Sự việc không chỉ dừng lại ở đó, mọi người còn cầu cứu đến các “pháp sư cao tay” về trừ yêu diệt ma để làm lễ cúng bái, hoặc hỏi xem cô ma kia gia đình ở đâu để mọi người đưa về. Lời hẹn của các“thầy pháp sư là sáng hôm sau sẽ đến xem xét tình hình khiến mọi người càng thêm lo lắng, cả đêm hôm ấy mất ngủ.

Hoảng sợ chụp ảnh con gái, thấy hình ma hiện lên 2
Chiếc điện thoại bị cài phần mềm quái gở bị người mê tín cho là “ma ám”.

Bình tĩnh hơn, tối hôm đó, một thành viên trong gia đình đã lấy máy điện thoại khác chụp lại thì không thấy ma nữ đâu cả. Người này lên mạng tìm hiểu thì được biết, trên mạng có một phần mềm “ma”. Bằng phần mềm này, máy ảnh khi chụp có thể tạo ra những hình thù khác nhau in mờ trên tấm ảnh. Lúc này mọi người mới thở phào nhẹ nhõm.

Chị Dương cho biết, cách đây khoảng hơn một tháng chị đi mua điện thoại cùng người cháu năm nay học lớp 12. Vì là người “sành” về công nghệ hơn nên đứa cháu ấy tải giúp, khuyên chị nên tải phần mềm này với lời giải thích: “Ảnh chụp ở đây sẽ đẹp hơn so với camera của máy”.

Bản thân chị Dương dùng phần mềm này nhiều lần cũng không phủ nhận độ sắc nét của nó. Tuy nhiên, khi chuẩn bị chụp, thay vì chỉ nhìn thấy hình ảnh như thường thấy, chị thấy thêm hình ngôi sao ở giữa màn hình máy ảnh, nghĩ là không có chuyện gì nên vẫn chụp như bình thường. Tuy nhiên, lần này cả gia đình đã được một phen hú hồn.

Mặc dù biết đó chỉ là một phần mềm ứng dụng, mọi việc sáng tỏ nhưng ảnh hưởng lớn nhất về tâm lý chính là những cháu nhỏ. “Thường ngày, buổi tối các cháu hay đi ra ngoài nô đùa, từ ngày biết chuyện “ma điện thoại”, chập tối chúng đã vào nhà”, bà chủ nhà trần tình. Cháu trai 11 tuổi tối đó cả đêm không dám ngủ, sợ hãi khóc ròng. Một cháu gái 6 tuổi mặc dù được mẹ cho về nhà khác ngủ nhưng cả đêm run rẩy.

Bản thân chị Dương vẫn chưa hoàn hồn về sự việc xảy ra với gia đình: “Từ lúc nhìn tấm ảnh đó đến nay đã mấy ngày nhưng lúc nào tôi cũng thấy sởn gai ốc ở hai cánh tay, đằng sau gáy lạnh buốt vì sợ. Không hiểu sao lại có phần mềm kinh khủng đến vậy. May mắn là gia đình tôi tìm ra được nguyên nhân nhanh chóng, nếu không hậu quả sẽ khôn lường”.

Hiện nay, dù chụp ở bất kỳ đâu, góc cạnh nào hình ảnh trả về điện thoại đều hiện lên hình ảnh ma nữ. Tuy nhiên, khi không dùng phần mềm này để chụp nữa mà thì ma nữ cũng biến mất trong những bức ảnh khác. Điều này chứng minh không có chuyện ma quỷ gì, đó chỉ là một phần mềm ứng dụng quái gở.

Theo Xa Lộ Pháp Luật