Việt Nam – Nhật Bản trở thành đối tác chiến lược sâu rộng
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước tới Nhật Bản. Hai nhà lãnh đạo đồng thời khẳng định tiếp tục hợp tác chặt chẽ tại các diễn đàn, cơ chế hợp tác và tại các tổ chức khu vực và quốc tế, đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phồn vinh tại khu vực
Việt Nam – Nhật Bản trở thành đối tác chiến lược sâu rộng
Chiều tối qua, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước tới Nhật Bản.
Tại cuộc hội đàm, Thủ tướng Shinzo Abe khẳng định phía Nhật Bản hết sức coi trọng chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và phu nhân cùng đoàn cấp cao Việt Nam, coi đây là sự kiện chính trị có ý nghĩa đặc biệt trong quan hệ giữa hai nước. Trên cơ sở phát triển mạnh mẽ của quan hệ Việt Nam -Nhật Bản trên tất cả các lĩnh vực thời gian qua, đặc biệt kể từ khi hai nước thiết lập khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược năm 2009, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí nâng cấp quan hệ Việt Nam-Nhật Bản lên tầm cao mới: Quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á.
Những định hướng lớn cũng như các biện pháp cụ thể để đưa quan hệ hai nước phát triển ngày càng toàn diện, thực chất và sâu sắc trên mọi lĩnh vực đã được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Shinzo Abe cùng trao đổi và nhất trí, trong đó về chính trị, hai bên sẽ duy trì thường xuyên các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao, triển khai hiệu quả các khuôn khổ, cơ chế hợp tác ở các cấp. Thủ tướng Nhật Bản bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam tăng cường năng lực chấp pháp trên biển. Về kinh tế, Thủ tướng Shinzo Abe khẳng định Nhật Bản sẽ tích cực hỗ trợ Việt Nam thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Việt Nam là đối tác quan trọng hàng đầu trong chính sách ODA của Nhật Bản…
Hai nhà lãnh đạo đồng thời khẳng định tiếp tục hợp tác chặt chẽ tại các diễn đàn, cơ chế hợp tác và tại các tổ chức khu vực và quốc tế, đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phồn vinh tại khu vực; khẳng định tầm quan trọng của bảo đảm hòa bình, ổn định, và phát triển ở khu vực, trong đó có bảo đảm hòa bình, an ninh an toàn và tự do hàng hải, hàng không trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982.
Kết thúc hội đàm, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Shinzo Abe đã ký Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á và cùng chứng kiến lễ ký các văn kiện của các bộ ngành hai bên về lĩnh vực đầu tư, giáo dục – đào tạo, y tế, nông nghiệp.
Sau cuộc hội đàm, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã chủ trì họp báo về kết quả hội đàm. Tại đây, Chủ tịch nước thông tin rộng rãi với báo giới tham dự: “Chúng tôi đã đạt được nhiều thỏa thuận quan trọng và cụ thể trong hợp tác giữa hai nước. Kết quả hội đàm đã được phản ánh đầy đủ trong Tuyên bố chung mà tôi và ngài Thủ tướng Shinzo Abe vừa ký”.
Ông nhấn mạnh 6 điểm trong Tuyên bố chung được ký kết giữa hai nước và nói: “Tôi cũng khẳng định với ngài Thủ tướng là Việt Nam đã và đang tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới toàn diện, xây dựng nhà nước pháp quyền, mở rộng dân chủ, tăng cường cải cách hành chính, cải cách tư pháp, đổi mới lập pháp, đi liền với đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng…”.
Lựa chọn tốt nhất là đối thoại thay cho đối đầu
Với tựa đề “Đổi mới và sáng tạo để thích ứng trong một thế giới đang thay đổi”, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có bài phát biểu quan trọng tại Hạ viện Nhật Bản vào đầu giờ chiều ngày 18.3.
Ông chia sẻ rằng Việt Nam rất quan tâm theo dõi những cải cách quan trọng của Chính phủ Nhật Bản và vui mừng nhận thấy chính sách của Thủ tướng Nhật đã mang lại những thành công đáng khích lệ, góp phần giúp Nhật Bản hồi phục mạnh mẽ sau tác động của động đất sóng thần. Theo Chủ tịch nước, những quyết sách quan trọng này không chỉ thể hiện khả năng thích ứng và đổi mới vốn đã trở thành truyền thống đặc trưng rất đáng quý của đất nước và nhân dân Nhật mà còn khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Quốc hội và Chính phủ Nhật Bản. Thành công này là nguồn kinh nghiệm quý báu để Việt Nam tham khảo trong quá trình tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng.
Nhấn mạnh quan hệ giữa hai nước đã không ngừng đổi mới và phát triển toàn diện trong suốt 40 năm qua. Việt Nam và Nhật Bản đã xác lập khuôn khổ “Quan hệ đối tác chiến lược vì hoà bình và phồn vinh ở châu Á” năm 2009, Chủ tịch nước khẳng định: “Thành quả của mối quan hệ đó không chỉ mang lại những lợi ích to lớn, thiết thực cho nhân dân hai nước, mà còn khẳng định một chân lý rằng, tinh thần khoan dung, đối thoại thay cho đối đầu, tôn trọng lẫn nhau, hợp tác cùng có lợi là sự lựa chọn tốt nhất đối với các quốc gia, dân tộc”.
Tại diễn đàn này, Chủ tịch nước thông tin thêm với các nghị sĩ Nhật Bản rằng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) quý báu của Nhật Bản đã được Việt Nam sử dụng rất hiệu quả. “Nhiều công trình quan trọng, phục vụ thiết thực đời sống của người dân Việt Nam như hạ tầng giao thông, trường học, bệnh viện, nhà máy, các cảng biển và hàng không… đã trở thành biểu tượng đẹp của sự hợp tác, góp phần thắt chặt hơn nữa quan hệ hữu nghị của nhân dân hai nước. Nhân dịp này, tôi xin chân thành cảm ơn Quốc hội, Chính phủ và nhân dân Nhật Bản về tấm lòng và cử chỉ hào hiệp ngay cả trong những lúc Nhật Bản phải khắc phục hậu quả của động đất sóng thần vẫn duy trì và gia tăng viện trợ ODA cho Việt Nam”, Chủ tịch nước bày tỏ.
Ông đồng thời đánh giá cao sự đóng góp to lớn của Nhóm nghị sĩ hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản và Liên minh nghị sĩ hữu nghị Nhật – Việt trong quá trình xây dựng, vun đắp mối quan hệ giữa hai nước và ví “Quan hệ tốt đẹp giữa hai Quốc hội luôn được vun đắp như chính những đóa sen Việt Nam, và sen Oga Nhật Bản mà các nghị sĩ hai nước đã trân trọng gửi tặng cho nhau”.
Trong tuyên bố chung được ký kết giữa Việt Nam và Nhật Bản với 69 điểm, đáng chú ý, Thủ tướng Shinzo Abe đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc cải thiện môi trường đầu tư, trong đó có việc xem xét nghiêm túc mở rộng diện tích đất dành cho các trường Nhật Bản. Về thương mại, phía Việt Nam đánh giá cao việc Nhật Bản nới lỏng quy chế hàm lượng tồn dư Ethoxyquin đối với tôm nhập khẩu từ Việt Nam xuống mức 0,2 ppm và những nỗ lực của Nhật Bản tạo điều kiện và sớm hoàn tất các thủ tục về kỹ thuật để nhập khẩu thanh long, xoài và các loại hoa quả khác từ Việt Nam. Thủ tướng Shinzo Abe hoan nghênh Việt Nam đã mở cửa thị trường cho mặt hàng thịt bò, thịt lợn và nội tạng trắng của Nhật Bản nhập khẩu vào Việt Nam. Hai bên bày tỏ hy vọng sẽ sớm hoàn tất các thủ tục bổ sung về kỹ thuật có liên quan theo quy định hiện hành của Việt Nam. Thủ tướng Nhật cũng đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong việc tạo điều kiện để sớm nhập khẩu táo từ Nhật Bản. Về lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp, hai bên quyết định lập cơ chế đối thoại hợp tác để thúc đẩy hợp tác toàn diện trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản và sẽ sớm tổ chức phiên họp đầu tiên tại Việt Nam trong năm 2014; tăng cường hợp tác công-tư nhằm thiết lập chuỗi giá trị thực phẩm tại Việt Nam và thiết lập cơ chế trao đổi về phát triển ngành công nghiệp thực phẩm của hai nước và sớm tổ chức cuộc họp đầu tiên tại Việt Nam. Về hợp tác quốc phòng, Việt Nam và Nhật Bản nhất trí tiếp tục thực hiện Đối thoại chính sách quốc phòng cấp Thứ trưởng Việt-Nhật, tăng cường trao đổi đoàn ở các cấp, trong đó có cấp Bộ trưởng, quan chức cấp cao và chuyên gia; thúc đẩy hợp tác giữa các quân chủng của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và Quân đội Nhân dân Việt Nam và đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực, thăm viếng của các tàu quân sự. Hai bên khẳng định hai nước sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác về an toàn hàng hải. Trên cơ sở nhu cầu về nâng cao năng lực cho các cơ quan chấp pháp biển của Việt Nam, Thủ tướng Shinzo Abe thông báo sẽ sớm cử đoàn khảo sát đến Việt Nam nhằm trao đổi ý kiến về việc hỗ trợ Việt Nam xây dựng năng lực cho các cơ quan chấp pháp biển. |
Bảo Cầm