Máu của những người con đất Việt
“Gần 30 năm sau ngày anh tôi hi sinh cùng với chiến hạm Nhật Tảo ở Hoàng Sa, mẹ tôi đến lúc nhắm mắt xuôi tay vẫn đau đớn với nấm mộ chiêu hồn không có hài cốt con. Đến lúc gần lìa đời rồi, mẹ vẫn nhắc ước nguyện được đón con về dù chỉ là nắm xương tàn. Tôi phải cố kìm nước mắt, gật đầu để mẹ yên lòng ra đi…”.
Máu của những người con đất Việt
Đó là một trong những tâm sự đẫm nước mắt của ông Vương Lăng khi nhắc về anh mình là trung sĩ giám lộ Vương Thương đã hi sinh trong trận chiến bảo vệ Hoàng Sa năm 1974. Ông Lăng kể mỗi năm đến đám giỗ con, mẹ đều gượng ra nấm mộ chiêu hồn khóc lả suốt mấy ngày! Và mẹ cứ mãi khóc hết giỗ này sang giỗ khác cho đến ngày mẹ không thể còn khóc con được nữa…
Những ngày đi viết hồ sơ trận hải chiến bảo vệ Hoàng Sa, tôi đã lặng người nghe biết bao nỗi niềm như thế. Mái tóc bạc phơ của người lính già Trịnh Văn Quý năm xưa cứ rung lên mỗi khi nhắc lại xương máu, hương hồn đồng đội mình còn đang nằm lại Hoàng Sa.
Người trẻ khóc đã buồn. Nước mắt phải ứa ra của người lính già ở tuổi ngoài 70 càng mặn đau hơn. Ngày trở về đất liền, trung sĩ Quý đã đặt tên con gái mới sinh là Trịnh Thị Hoàng Sa. Đó cũng là cái tên thiêng liêng mà nhiều đồng đội ông cũng như quả phụ của các binh sĩ hi sinh đã chọn đặt cho con mình như một sự tưởng nhớ khôn nguôi!
Rồi 14 năm sau, xương máu vệ quốc của người Việt tiếp tục đổ xuống vùng biển Trường Sa. Nhiều năm nhắc nhở lại trận chiến bi hùng ở Gạc Ma (14-3-1988), trung tá Hải quân nhân dân VN Phạm Văn Hưng vẫn nhớ mãi hình ảnh những đồng đội mình đã ngã xuống để giữ vững ngọn cờ chủ quyền của Tổ quốc.
Một trận chiến sẽ mãi mãi đi vào lịch sử vệ quốc khi tàu hải vận với những người lính công binh chỉ có cuốc xẻng trong tay vẫn hiên ngang trước đạn pháo xâm lược. Và con cái của họ tiếp tục được mẹ cha đặt tên Trường Sa, để khắc ghi nơi ấy là Tổ quốc vĩnh viễn không thể chia lìa.
Thời gian đã trôi qua cùng bao phong ba, thăng trầm, nhưng xương máu của những người con đất Việt yêu nước vẫn sống mãi trong lòng đồng đội và trong trái tim tất cả đồng bào mình.
Lần nào chỉ huy tàu ra Trường Sa, trung tá Phạm Văn Hưng cũng gửi đến đồng đội đã ngã xuống những vòng hoa bất tử. Mỗi lần nhắc đến anh mình, người em Vương Lăng luôn tự hào về trận hải chiến anh dũng ở Hoàng Sa.
Và mỗi lần nhắc đến xương máu đồng đội đã đổ xuống quần đảo mang tên những hùng binh lịch sử Hữu Nhật, Quang Ảnh…, người lính già Trịnh Văn Quý đều ngẩng cao đầu: “Ngày ấy, chúng tôi đều là những người con nước Việt đã cầm súng chiến đấu và hi sinh cho Tổ quốc!”.
Và hôm qua, thân nhân của những người lính đã nằm xuống ở hai trận chiến tại Trường Sa – Hoàng Sa cùng các cựu binh đã nghẹn ngào khi cầm trên tay tờ Tuổi Trẻ với lời nghĩa tình từ lá thư của Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng kêu gọi đồng bào chung tay với chương trình “Nghĩa tình Hoàng Sa – Trường Sa”. Lịch sử giữ nước của dân tộc Việt Nam sẽ ghi nhận tên tuổi và máu xương của các anh…
QUỐC VIỆT