26/11/2024

Tài sản lớn của cán bộ: Im lặng không phải là vàng

TS Hoàng Ngọc Giao – viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách pháp luật và phát triển – nói như vậy khi đề cập việc báo chí thông tin về tài sản lớn liên quan đến những cán bộ có chức quyền.

 

Tài sản lớn của cán bộ: Im lặng không phải là vàng

TS Hoàng Ngọc Giao – viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách pháp luật và phát triển – nói như vậy khi đề cập việc báo chí thông tin về tài sản lớn liên quan đến những cán bộ có chức quyền. Ông Giao nói:

TS Hoàng Ngọc Giao – Ảnh: C.V.K.

 

– Với người dân, việc có tài sản lớn là bình thường, trừ khi có dấu hiệu bất chính. Nhưng đối với những người giữ chức vụ, việc kê khai tài sản ở VN là yêu cầu bắt buộc. Vậy mà khi dư luận “kê” rõ tài sản của quan chức với băn khoăn lớn thì thông tin phản hồi từ các cơ quan chức năng như vừa qua, theo tôi là chậm, nhất là trong thời điểm đang khẳng định quyết tâm chống tham nhũng.

 

“Tôi cũng là người dân, trước thông tin một cán bộ nhà nước có tài sản ngần đó, tôi cũng rất băn khoăn, tự hỏi liệu có tham nhũng không, làm sao có được khối tài sản ấy?”

TS Hoàng Ngọc Giao

 

* Thực tế cho thấy “im lặng là vàng” vẫn là phương châm thường được áp dụng khi có vấn đề được coi là nhạy cảm hoặc khó nói…

– Theo tôi, báo chí và phương tiện truyền thông ở VN khi đã lên tiếng thì đó không phải là thông tin của riêng tờ báo nữa, mà là công luận xã hội. Vì thế, các cơ quan công quyền cần có phản ứng cụ thể, không nên lờ đi. Đây là trách nhiệm giải trình của Nhà nước. Như dư luận về tài sản liên quan đến ông Trần Văn Truyền, nguyên tổng Thanh tra Chính phủ, trước tiên là Thanh tra Chính phủ cần có ý kiến, rồi xác minh lại tài sản của ông Truyền để trả lời cho công luận. Đây là phản ứng cần có của một nhà nước pháp quyền, tức là những vấn đề người dân bức xúc thì Nhà nước phải phúc đáp.

Chúng ta đang nêu quyết tâm chống tham nhũng, nếu không giải thích cụ thể vụ việc, sẽ có thể ảnh hưởng tới uy tín của Nhà nước. Việc phúc đáp băn khoăn của dân, theo tôi không khó. Phản ứng trước dư luận có thể có nhiều mức độ khác nhau. Ít nhất anh cũng nên nói chúng tôi ghi nhận sự việc, chúng tôi sẽ xác minh. Xác minh xong thì đưa kết luận. Trong vụ việc liên quan đến tài sản của ông Truyền hoặc ông Ngô Văn Khánh (phó tổng Thanh tra Chính phủ), nên có phản ứng ngay sau khi dư luận lên tiếng. Điều này tốt cho cơ quan công quyền, tốt cho những người đang giữ chức vụ quyền hạn. Nó cũng tránh băn khoăn tiêu cực từ phía dân. Dân rất ngại “hiện tượng chìm xuồng”, cứ để lâu lâu, để người dân quên đi, rồi cũng sẽ qua.

* Chúng ta đặt ra cơ chế kê khai tài sản như là một biện pháp phòng chống tham nhũng. Nhưng hiện nay người ta cũng dễ dàng giải thích về nguồn gốc tài sản mà không phải kiểm chứng. Ví dụ nhà to bảo ông chú cho tiền là xong, tài sản lớn nhưng con đứng tên cũng chịu…

– Đúng là như trước đây từng có vụ việc xôn xao về tòa nhà của bí thư Hải Dương. Nhưng theo tôi, nếu thật sự muốn làm vẫn có cách truy ra được. Tiền không từ trên trời rơi xuống. Nếu nói nhà của con trai hay của ông chú cho, cơ quan có thẩm quyền không nên dừng ở đó rồi cho qua chuyện. Đồng ý anh con trai hay ông chú đó có thể có tiền, nhưng từ đâu ra? Anh cần chứng minh cho tôi anh lấy đâu ra số tiền như vậy. Nếu ông chú không thể có số tiền đó thì làm sao cho được. Hay ông con làm cán bộ nhà nước, tiền ở đâu ra? Nếu anh kê ra hàng loạt việc kinh doanh hay thu nhập khác, tất nhiên phải xem anh có vi phạm, có trốn thuế không. Quy trình nghiệp vụ thanh tra và xác minh việc này hoàn toàn có thể làm được.

* Chúng ta có nên tự hào khi có những cán bộ như phó tổng Thanh tra Chính phủ mà có tài sản cỡ triệu USD? Bận thế mà vẫn có trí, lực kinh doanh hiệu quả thì đáng để học hỏi…

– Tôi cũng là người dân, trước thông tin một cán bộ nhà nước có tài sản như thế, tôi cũng rất băn khoăn, tự hỏi liệu có tham nhũng không, làm sao có được khối tài sản ấy? Nhưng là một chuyên gia pháp lý, theo tôi, bên cạnh việc xác minh những cổ phiếu mà Phó tổng thanh tra Ngô Văn Khánh đang sở hữu thì cần xem những cổ phiếu đó có phải từ doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ông ấy phụ trách không? Rồi ông ấy có trực tiếp liên quan đến những cuộc thanh tra ở đó không, hay gián tiếp phụ trách, hay không liên quan gì? Ông ấy mua được trong thời điểm nào, có điều kiện ưu đãi không?… Cần làm rõ để tránh hiểu không đúng cho cán bộ.

* Bây giờ chứng minh tham nhũng rất khó. Người ta đem phong bì, thậm chí vali đến nhà, bảo đó là món quà tình cảm, cảm ơn… thì đâu phải tham nhũng?

– Dù là cảm ơn, nhưng phải thấy bình thường chẳng bao giờ một người đem tiền đi cho người khác như thế. Ở các nước, họ trù liệu và có quy định rõ ràng, như cấm giao dịch giữa các đối tượng cụ thể, nếu tiếp xúc là dấu hiệu vi phạm. Các nước cũng có quy định về quà biếu rất rõ ràng, trường hợp nào phải sung quỹ, trường hợp nào được nhận.

Luật pháp về chống tham nhũng ở VN vẫn tiếp tục phải làm đồng bộ, quyết liệt. Nhưng chống không nên chỉ ở Luật phòng chống tham nhũng, mà cần có cả ở Luật công vụ, quy định về doanh nghiệp nhà nước, cơ chế xin cho, các quy định khác về công khai minh bạch, rồi phát huy vai trò báo chí, tinh giản biên chế, thay đổi cơ chế tiền lương… Sẽ còn rất nhiều khó khăn, nhưng nếu làm từ hôm nay thì ngày mai nó sẽ tốt hơn.

* Làm gì để kiểm soát được thu nhập của quan chức?

– Những người có chức quyền dễ có hành vi tham nhũng nhất. Nhưng chỉ kê khai tài sản, theo tôi, chưa giải quyết được tận gốc vấn đề. Việc kiểm soát cả nguồn thu nhập của quan chức là rất quan trọng. Bên cạnh yêu cầu kê khai, ta phải kiểm soát được thu nhập quan chức. Chứ tôi có bao nhiêu cứ kê khai, rồi có người đi xác minh kê khai là đúng. Nhưng vấn đề là tài sản đó từ đâu ra, hợp pháp không?

Lâu dài, để kiểm soát, chống tham nhũng, việc kê khai tài sản cần phải được chia sẻ, đưa về một mối tại một cơ quan độc lập để lưu giữ và theo dõi. Phải có cơ quan chịu trách nhiệm nhận kê khai, kiểm soát tài sản của quan chức. Khi đó, sẽ có người chịu trách nhiệm đối với việc kê khai không đúng.

CẦM VĂN KÌNH